Bộ môn Tiếng Anh sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy Thư tín thương mại”

1146

Thư tín nói chung, thư tín thương mại nói riêng là một xu hướng tất yếu trong hoạt động giao tiếp nói chung và hoạt động giao tiếp thương mại nói riêng. Thư tín không chỉ là phương tiện để duy trì và nâng cao các mối quan hệ tình cảm giữa người và người trong xã hội, đó còn là công cụ thông tin nhằm thiết lập, duy trì, củng cố và hoàn thiện các mối quan hệ giao tiếp trong thương mại để không ngừng đạt được mục đích bán hàng, đặc biệt là bán hàng trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.

Xuất phát từ đặc thù đối tượng người học là sinh viên trường Đại học Ngoại thương với nền tảng Tiếng Anh khá tốt, sự năng động và chủ động của người học cao đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho đội ngũ giảng viên giảng dạy Tiếng Anh Thương mại nói chung và Thư tín Thương mại nói riêng tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương.

Được sự chỉ đạo của Chi ủy – Ban Giám đốc; tiếp nối thành công của chuỗi sinh hoạt chuyên đề nâng cao chất lượng chuyên môn – giảng dạy Tiếng Anh thương mại tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương, ngày 29/6/2017, Bộ môn Tiếng Anh đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy Thư tín thương mại”.

Tại buổi sinh hoạt, báo cáo viên, Ths Trịnh Ngọc Thanh – Phó Trưởng Bộ môn Tiếng Anh đã trình bày lý thuyết hành vi ngôn ngữ, các ứng dụng, những quy tắc trong soạn thảo thư tín thương mại, những tác động của giao tiếp xuyên văn hóa đến văn phong thư tín, và những lỗi sai thông thường của người viết được tổng hợp qua các mẫu thư tín thương mại tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Với kinh nghiệm gần 20 năm trong giảng dạy Tiếng Anh chuyên ngành tại trường Đại học Ngoại thương, Ths Trịnh Ngọc Thanh, cùng với các giảng viên Bộ môn Tiếng Anh đã luận giải triết lý “dạy” và “học” trong giáo dục hiện đại nói chung và trong Tiếng Anh thương mại nói riêng. Theo Ths Trịnh Ngọc Thanh, một trong những thách thức trong giảng dạy Thư tín thương mại đó chính là phương pháp – nghệ thuật “gợi mở – định hướng” của người dạy theo hướng tiếp cận hiện đại của thế giới ngày nay; qua đó quá trình “học” của người học được diễn ra một cách chủ động và có ý thức.

Buổi sinh hoạt diễn ra trong không khí sôi nổi và cởi mở; các giảng viên Bộ môn Tiếng Anh đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong tổ chức giảng dạy module Thư tín thương mại; từ đó mỗi giảng viên tự lựa chọn, bổ sung những phương pháp giảng dạy và học tập tối ưu nhất, vận dụng nâng cao chất lượng giảng dạy Ngôn ngữ Thư tín thương mại tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương trong thời gian tới./.