Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 – 2030, định hướng đến 2035”

516

Foreign Trade University – Ho Chi Minh City Campus held the official acceptance meeting of the scientific research project entitled“Export promotion activities in Ninh Thuan province in the period of 2020-2030 and orientation towards 2035”.

In the morning of November 19th, 2020, at Foreign Trade University – Ho Chi Minh City Campus, the Acceptance Council held an official acceptance meeting of the scientific research project on “Export promotion activities in Ninh Thuan province in the period of 2020-2030 and orientation towards 2035” conducted by Associate Prof. Dr Bui Anh Tuan and his research team.

Attending the official acceptance meeting were Associate Prof. Dr Nguyen Thi Thu Ha, Chairman of the Acceptance Council and many scientists in the Council of Project Assessment.

At the official acceptance meeting of the project, the Acceptance Council assessed, clarified and highly appreciated the theoretical and practical issues on export promotion activities in Ninh Thuan province.

Thực hiện Quyết định số 2982/QĐ-ĐHNT-QLKH ngày 12 tháng 11 năm 2020 về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh, ngày 19/11/2020, tại Trường Đại học Ngoại thương – Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh “Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 – 2030, định hướng đến 2035” do PGS, TS Bùi Anh Tuấn làm chủ nhiệm đề tài.

Hội đồng nghiệm thu gồm PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà (Chủ tịch), TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Ủy viên – Thư ký), PGS, TS Nguyễn Tiến Hoàng (Ủy viên – Phản biện), TS Trần Thanh Long (Ủy viên – Phản biện), TS Nguyễn Thị Phương Chi (Ủy viên), TS Nguyễn Tấn Khuyên (Ủy viên), TS Nguyễn Thị Minh Hà (Ủy viên). Hội đồng nghiệm thu đã lắng nghe TS Trần Quốc Trung thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày vắn tắt các kết quả nghiên cứu của đề tài. Sau đó, các thành viên trong Hội đồng đã nhận xét, đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài. Bên cạnh đó, các thành viên trong hội đồng cũng có những góp ý, trao đổi nhằm giúp cho nhóm nghiên cứu có thể có những nghiên cứu chất lượng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Xuất khẩu là lĩnh vực kinh tế quan trọng đối với các địa phương có điều kiện kinh tế còn hạn chế. Hoạt động xuất khẩu sẽ mang đến nguồn thu ngoại tệ, tạo việc làm, tác động tích cực đến thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch quốc tế, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và liên quan, tạo ra hình ảnh mới để hỗ trợ cho marketing địa phương, khai thác tốt tiềm năng. Tuy nhiên, kết quả hoạt động xuất khẩu của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh còn thấp so chỉ tiêu đề ra; cơ cấu mặt hàng ít có sự thay đổi – kim ngạch xuất khẩu của tỉnh dựa vào các mặt hàng: nhân hạt điều, tôm đông lạnh và hàng may mặc. Các sản phẩm tiềm năng và sản phẩm mới của tỉnh chưa phát huy như tiềm lực hoặc sức cạnh tranh còn thấp, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này phần lớn đều hạn chế cả về quy mô và năng lực xuất khẩu. Một số doanh nghiệp có xuất khẩu hiện tại chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm chưa đa dạng, việc đầu tư chiều sâu để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng còn gặp khó khăn. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu với sự cắt giảm đáng kể về thuế suất và các rào cản phi thuế quan. Tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu cũng đặt ra yêu cầu ngày càng chặt chẽ hơn cho mọi khâu sản xuất và xuất khẩu trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng: từ nguyên liệu, chế biến, đóng gói, phân phối… để có thể nhanh chóng xác định nguyên nhân, quy trách nhiệm kèm chế tài nghiêm ngặt, tuyệt đối không phân biệt đối tượng điều chỉnh và không có ngoại lệ. Vì vậy, đề tài “Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 – 2030, định hướng đến 2035” nghiên cứu chi tiết về thực trạng hoạt động xuất khẩu của tỉnh Ninh Thuận; từ đó đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới ở 3 nhóm sản phẩm là sản phẩm chính, sản phẩm tiềm năng và sản phẩm mới là có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.

Sau thời gian thảo luận và nhận xét, thay mặt cho Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà đã tổng kết và kết luận về đề tài nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu đã đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu đề ra và các sản phẩm trong thuyết minh, cụ thể là khái quát cơ sở khoa học và thực tiễn để đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 – 2030, định hướng đến 2035; Phân tích đánh giá thực trạng khó khăn, thách thức của hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và mức độ đáp ứng của từng mặt hàng xuất khẩu giai đoạn 2005 – 2019; Dự báo tình hình quốc tế, trong nước trong tỉnh tác động đến khả năng xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh (mặt hàng chính, tiềm năng và mới) giai đoạn 2020 – 2025 và 2025 – 2030; Định hướng hàng hóa xuất khẩu trọng tâm và các chỉ tiêu xuất khẩu chủ yếu giai đoạn 2020 – 2025, 2025 – 2030 và hướng đến 2035; Đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 – 2025, 2025 – 2030 và định hướng đến 2035; Kiến nghị dành riêng cho từng đối tượng cụ thể tham gia vào quá trình đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 – 2025, 2025 – 2030 và định hướng đến 2035; Biên soạn Cẩm nang thông tin về các thị trường xuất khẩu và hướng dẫn tiếp cận thị trường dành cho các mặt hàng xuất khẩu đặc thù và tiềm năng của tỉnh. Các kết quả này đã cơ bản trả lời được các câu hỏi nghiên cứu và giải quyết được các mục tiêu đề ra.

Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao những đóng góp của đề tài, cụ thể như:

Về đóng góp cho quá trình xây dựng chủ trương, chính sách của địa phương, kết quả của đề tài khi được chuyển giao cho các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Ninh Thuận sẽ có tác dụng giúp cho các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ về thực trạng, tiềm năng xuất khẩu của tỉnh theo các nhóm sản phẩm: (1) Sản phẩm xuất khẩu chính như: nhân điều, tôm đông lạnh, may mặc, thủ công mỹ nghệ; (2) Sản phẩm tiềm năng: khoáng sản, muối, nước nắm, yến, nha đam; (3) Sản phẩm mới: các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Đồng thời, kết quả đề tài cũng đưa ra các dự báo, định hướng xuất khẩu và đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 – 2025, 2025 – 2030 và định hướng đến 2035. Đây là những cơ sở khoa học, thực tiễn có giá trị để phục vụ quá trình hoạch định chính sách phát triển hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, xem xét đưa nội dung phù hợp vào văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận.

Về đóng góp cho sự phát triển hoạt động xuất khẩu của địa phương, kết quả nghiên cứu của đề tài giúp cho doanh nghiệp nắm bắt rõ ràng về tình hình hoạt động sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, giới thiệu thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp về cách thức tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đồng thời gợi ý cho doanh nghiệp các giải pháp khả thi để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.

Về tác động đối với lĩnh vực khoa học, đề tài là một nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở vận dụng lý thuyết để giải quyết vấn đề thực tiễn, mang tính thực tiễn cao. Các kết quả của đề tài là tài liệu tham khảo có giá trị cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học. Bên cạnh đó, bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành cũng là phương tiện hữu hiệu để lan truyền tác động của đề tài về mặt học thuật.

Thông qua thực hiện đề tài này, đội ngũ nhà khoa học tham gia thực hiện đề tài sẽ được tích lũy thêm kinh nghiệm nghiên cứu và nâng cao năng lực nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các kiến thức hàn lâm vào thực tiễn. Những kiến thức, kỹ năng và thực tiễn từ nghiên cứu sẽ đóng góp đáng kể để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Ngoại thương nói chung và các nhà khoa học tham gia đề tài nói riêng.

Kết thúc buổi nghiệm thu các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đều thống nhất thông qua đề tài với kết quả xếp loại xuất sắc.

Sau đây là hình ảnh buổi nghiệm thu:

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội đồng công bố kết luận của Hội đồng.
(Associate Prof. Dr Nguyen Thi Thu Ha, Chairman of the Acceptance Council provided some objective feedbacks)
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng nghiệm thu chính thức chụp hình cùng TS Trần Quốc Trung và nhóm nghiên cứu
(Associate Prof. Dr Nguyen Thi Thu Ha, Chairman of the Acceptance Council and Members of the Acceptance Council took a photograph with Dr Tran Quoc Trung and the research team)