Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Cơ sở II về việc tăng cường sinh hoạt chuyên môn và nâng cao công tác trao đổi, chia sẻ giữa các giảng viên nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, từ ngày 5-11/4/2018, Bộ môn Cơ sở – Cơ bản đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn với 03 chủ đề được báo cáo từ các giảng viên của BM CS-CB gồm có (1) “Nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư tại Việt Nam” (báo cáo viên ThS Trương Bích Phương) và (2) “Một số ứng dụng xác suất thống kê trong tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm và các mô hình toán trong kinh tế” (ThS Trần Thái Diệu Hằng và ThS Nguyễn Văn Tiến) và (3) “Các phát kiến vật lý mới và vấn đề chung đặt ra cho Triết học” (PGS,TS. Phạm Đình Nghiệm – Trường Đại học Luật TP. HCM).
Trong chủ đề thứ nhất, ThS Trương Bích Phương đã phân tích những nghiên cứu định lượng, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến đầu tư trong nước tại Việt Nam. Dựa trên nền tảng cơ sở lý thuyết cùng phương pháp nghiên cứu và mô hình được thiết kế hợp lý, thay đổi phù hợp với các giai đoạn số liệu, báo cáo viên đã cung cấp các kết quả về tác động của các nhân tố như GDP, nguồn nhân lực, xuất khẩu đến đầu tư trong nước trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng nêu lên một số hạn chế của số liệu và mô hình hiệu chỉnh sai số vector (VCM: vector error correction model) được sử dụng trong các nghiên cứu thực nghiệm (như vấn đề về biến nội sinh, tác động cố định hàm chứa sai số, biến trễ) và đề xuất sử dụng kỹ thuật GMM (generalized method of moments) để khắc phục các hạn chế trên. Những chia sẻ của ThS Trương Bích Phương đã giúp cho các giảng viên Bộ môn hiểu thêm về tầm quan trọng của việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến đầu tư trong nước, góp phần minh họa cụ thể cho nội dung giảng dạy về vấn đề tăng trưởng kinh tế, đầu tư trong kinh tế vĩ mô; cũng như khơi dậy những ý tưởng mới cho giảng viên và sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Với chủ đề thứ hai, báo cáo viên Nguyễn Văn Tiến đã cung cấp một số cơ sở lý thuyết về các mô hình toán trong tài chính như CAPM và APT…, đưa ra ví dụ cụ thể và tính toán các hệ số mô hình thông qua phần mềm Excel. Báo cáo viên đã trình bày về nguồn gốc của mô hình, các ưu điểm và nhược điểm của các mô hình cũng như các biến thể của các mô hình này. Bên cạnh đó, ThS Trần Thái Diệu Hằng đã trình bày một số ứng dụng của môn xác suất thống kê trong việc đo lường rủi ro trong hoạt động đầu tư của các công ty bảo hiểm, và giới thiệu một số ví dụ minh họa cho lý thuyết đã trình bày. Những chia sẻ của các báo cáo viên đã giúp cho các giảng viên tham dự hiểu thêm về các mô hình toán trong tài chính đặc biệt là đối với thị trường chứng khoán, và ứng dụng của xác suất thống kê trong tài chính doanh nghiệp; góp phần bổ sung thêm những ví dụ thực tế trong việc giảng dạy môn Toán Tài chính và vận dụng các mô hình Toán trong nghiên cứu.
Với chủ đề thứ 3, PGS,TS Phạm Đình Nghiệm đã giới thiệu một số lý thuyết vật lý hiện đại và tầm quan trọng của nó đối với tri thức con người, như thuyết Big Bang, hạt Higgs và một số phát kiến của các nhà vật lý đương thời… Thông qua việc phân tích 4 mô hình vũ trụ mà các nhà vật lý học hiện đại mô phỏng, trong đó bức tranh về vũ trụ vô cùng vô tận mà nền văn minh nhân loại biết đến chỉ chiếm 4,9% so với những gì mà ta gọi là “vật chất tối”, báo cáo viên nhấn mạnh các phát kiến vật lý vĩ đại này vẫn chưa giải đáp được ẩn số của vũ trụ, và đây là cơ sở để Triết học hiện đại tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, việc minh họa bằng video về hạt cơ bản cùng với phần trình bày trình bày cuốn hút, báo cáo viên đã thu hút sự tập trung chú ý lắng nghe, trao đổi nhiệt tình và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc giảng dạy những vấn đề liên quan đến vật chất, ý thức trong triết học Mác – Lênin và sự phát triển của lý thuyết vật lý hiện đại, cũng như gợi mở những ý tưởng mới trong nghiên cứu ứng dụng lý thuyết này vào các vấn đề triết học hiện đại.
Sau đây là hình ảnh các buổi sinh hoạt chuyên môn tháng 4/2018: