Tiếp nối thành công của chuỗi sinh hoạt chuyên đề nâng cao chất lượng chuyên môn – giảng dạy tiếng Anh tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương, ngày 27/11/2019, Bộ môn tiếng Anh đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Một vài chia sẻ về việc áp dụng các khái niệm ngữ cảnh, ngữ vực và thể loại vào giảng dạy ngôn ngữ” trình bày bởi báo cáo viên ThS Nguyễn Thanh Dương – Trưởng BMTA, “Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng nghe nói tiếng Anh cho sinh viên năm 1” trình bày bởi báo cáo viên ThS Trương Thị Thanh Cảnh và “Chia sẻ kinh nghiệm dạy kĩ năng viết bài luận cho sinh viên năm 2” do báo cáo viên ThS Lê Thị Minh Tâm trình bày.
Phần đầu buổi sinh hoạt, báo cáo viên ThS Nguyễn Thanh Dương đã trình bày sơ lược về các khái niệm ngữ cảnh (context), ngữ vực (register), thể loại (genre) và các yếu tố cấu thành, liên quan trực tiếp đến các khái niệm trên như ngữ cảnh tình huống (context of situation), ngữ cảnh văn hoá (context of culture), đồng ngữ cảnh (co-text), trường (field), không khí (tenor), thức (mode), phân tích và nhận diện thể loại… và mối quan hệ giữa các yếu tố này. Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các khái niệm ngữ cảnh, ngữ vực, thể loại đối với hoạt động giảng dạy ngôn ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng và việc áp dụng các khái niệm này vào hoạt động giảng dạy các kỹ năng nghe nói, đọc, viết, dịch thuật…
Tại phần thứ hai của buổi sinh hoạt, báo cáo viên ThS Trương Thị Thanh Cảnh đã giới thiệu hoạt động Poster Designing- là hoạt động mà các nhóm sinh viên sẽ thiết kế, trình bày nội dung theo yêu cầu một cách sáng tạo trên một tấm poster, sau đó những nhóm này sẽ trình bày ý tưởng của mình trước lớp. Hoạt động này vừa khuyến khích khả năng sáng tạo, tính tự học, tinh thần làm việc nhóm mà còn kết hợp được kĩ năng nghe- nói tiếng Anh một cách linh hoạt để thuyết phục và cuốn hút người nghe vào sản phẩm của mình.
Phần cuối cùng của buổi sinh hoạt, báo cáo viên ThS Lê Thị Minh Tâm đã chỉ ra một số khó khăn khiến sinh viên gặp hạn chế trong việc phát triển kĩ năng viết là do: thiếu vốn từ vựng, văn phong, cấu trúc câu và tính mạch lạc khi trình bày ý tưởng và quan điểm. Từ đó, báo cáo viên đã giới thiệu một số phương pháp để khắc phục các khó khăn trên như: cung cấp, hướng dẫn cho sinh viên các dạng văn phong viết khác nhau, các mẫu câu thông dụng trong tiếng Anh cũng như giúp sinh viên phát triển nguồn từ vựng phong phú. Giảng viên cũng cần hướng dẫn và định hướng giúp sinh viên tư duy bằng tiếng Anh trong việc lập dàn bài, phát triển ý. Ngoài ra, giảng viên cũng có thể đưa ra các hoạt động khác nhau để giúp sinh viên viết tốt như: peer review, viết nháp lần 1, 2, hoạt động nhóm để cùng nhau phát triển ý và xây dựng bố cục bài viết.
Trước khi kết thúc buổi sinh hoạt, các giảng viên đã nhiệt tình trao đổi, chia sẻ thẳng thắn những kinh nghiệm và những khó khăn trong quá trình triển khai việc giảng dạy các kĩ năng trên; từ đó mỗi giảng viên tự rút kinh nghiệm cho bản thân và lựa chọn các phương pháp cho phù hợp với tình hình thực tế trong lớp.
Dưới đây là hình ảnh của buổi sinh hoạt: