Tiếp nối thành công của chuỗi sinh hoạt chuyên đề nâng cao chất lượng chuyên môn – giảng dạy tiếng Anh thương mại năm học 2017-2018 tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương, ngày 21/11/2017, Bộ môn tiếng Anh đã tổ chức Buổi sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Các lỗi thường gặp trong bài dịch của sinh viên”.
Tại buổi sinh hoạt, báo cáo viên, Ths Nguyễn Ngọc Trân đã chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn bổ ích về các lỗi sinh viên thường mắc phải trong quá trình dịch từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh và ngược lại. Đúc kết từ kinh nghiệm trong giảng day, Ths Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh vai trò của việc phân tích lỗi trong quá trình dạy và học ngôn ngữ nói chung, dạy và học Tiếng Anh nói riêng. Theo Ths Nguyễn Ngọc Trân, việc phân tích lỗi đóng vai trò quan trọng đối với quá trình học ngôn ngữ của người học bởi việc phân tích lỗi sẽ cung cấp cho người học biết được mình mắc phải những lỗi nào. Sau khi các lỗi được phân tích và chỉnh sửa cũng như tìm ra được nguyên nhân dẫn đến các lỗi đó sẽ nguồn thông tin hữu ích cho người học. Bên cạnh đó, việc phân tích lỗi cũng là công cụ đắc lực cho người dạy ngôn ngữ bởi kết quả của việc phân tích lỗi sẽ là nguồn thông tin thực tế để người dạy nắm rõ hơn về quá trình học ngôn ngữ của người học, để xem cách dạy và phương pháp giảng dạy của mình có hiệu quả và phù hợp hay không. Để từ đó, có hướng điều chỉnh phù hợp hơn. Ngoài ra, Ths Nguyễn Ngọc Trân cũng đã cung cấp những lý thuyết liên quan đến vấn đề dịch thuật như định nghĩa, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dịch thuật, và các phương pháp dịch. Trong đó, Ths Nguyễn Ngọc Trân phân tích khá chi tiết về các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dịch thuật bao các yếu tố ngôn ngữ và các yếu tố văn hóa. Dựa trên nghiên cứu của nhiều tác giả về dịch thuật, Ths Nguyễn Ngọc Trân đã đề cấp các loại lỗi sinh viên thường mắc phải trong quá trình dịch thuật cũng như nguyên nhân dẫn đến các lỗi này.
Giảng viên Bộ Môn Tiếng Anh trong buổi sinh hoạt chuyên môn tháng 11. Ảnh: BMTA
Chia sẻ trong buổi sinh hoạt, TS Nguyễn Thành Lân phát biểu: ‘Dịch thuật là quá trình đòi hỏi người dịch cần phải có kỹ năng, có kiến thức về cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích cũng như sự am hiểu về cả hai nền văn hóa gắn với hai ngôn ngữ này. Do đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần hỗ trợ để giúp sinh viên nhận ra được những điểm tương đồng và khác biệt của ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích, cụ thể là Tiếng Việt và Tiếng Anh. Bên cạnh đó, các yếu tố văn hóa gắn với hai ngôn ngữ này cũng cần được giáo viên đề cập đến trong quá trình dạy’.
Buổi sinh hoạt diễn ra trong không khí sôi nổi, hiệu quả; các giảng viên Bộ môn Tiếng Anh đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về việc áp dụng phương pháp phân tích lỗi trong quá trình giảng dạy cũng như các hướng hỗ trợ để nâng cao kiến thức ngôn ngữ và hiểu biết về văn hóa của sinh viên; từ đó mỗi giảng viên tự lựa chọn, vận dụng, nâng cao chất lượng giảng dạy Tiếng Anh tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương trong thời gian tới./.