Nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao kỹ năng nhà quản trị doanh nghiệp trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sáng ngày 08 tháng 4 năm 2019, Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP.HCM đã phối hợp với Tổ chức Trao đổi Nguồn lực Quốc tế đã long trọng khai mạc Tuần lễ “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao kỹ năng nhà quản trị doanh nghiệp trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” từ các chuyên gia quốc tế của Tổ chức Trao đổi Nguồn lực Quốc tế cho sinh viên Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP. Hồ Chí Minh.
Đến dự buổi khai mạc, về phía REI-VN, có sự hiện diện của Ông Slater Craig Wellingtion – Giám đốc tổ chức REI – Việt Nam; Tiến sĩ Meredith, Cheryl Lynn – Trưởng đoàn, chuyên gia về quản lý và tổ chức, Giám đốc điều hành nhân sư ̣cấp cao; Ông Lancaster Loren Thomas – Đồng trưởng đoàn, chuyên gia tài chính – đầu tư; Bà Madero Merrily Dente – Chuyên gia lãnh đạo, quản lý và xử lý các vấn đề phức tạp của tổ chức, doanh nghiệp đa quốc gia; Ông Kang James Woo – Chuyên gia quốc tế về tuyển dụng và đào tạo quốc tế; Ông McHugh Terence Hugh – Chuyên gia đầu tư quốc tế; Ông Cygan Kenneth Joseph – Chuyên gia phát triển kinh doanh toàn cầu; Ông Gauger Chad John – Chuyên gia lãnh đạo quốc tế và quản lý rủi ro; Ông Sohn Minyoung – Chuyên gia đầu tư quốc tế; Ông Vernon Randy Doyle – Nhân viên của REI tại Mỹ; Bà Vernon Jill Ann – Nhân viên của REI tại Mỹ; Bà Slater Kristine Kay – Phụ trách tài chính của đoàn;
Về phía Cơ sở II có sự hiện diện của PGS, TS Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc Cơ sở II; PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Cơ sở II; ThS Phạm Thu Thủy – Phó Giám đốc Cơ sở II; Trưởng/Phó các đơn vị; giảng viên Cơ sở II và hơn 100 sinh viên đại diện các khóa lớp.
Trong suốt tuần lễ diễn ra chương trình, gần 2.000 lượt sinh viên Cơ sở II đã đăng ký với hơn 30 chủ đề khác nhau xoay quanh việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao kỹ năng nhà quản trị doanh nghiệp trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những chủ đề này được chia sẻ trực tiếp từ đoàn doanh nhân của Tổ chức Trao đổi nguồn lực Quốc tế đến từ Mỹ.
Theo các chuyên gia của chương trình, tại Việt Nam, hiện nay, mỗi năm số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể vẫn rất cao, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến năng lực quản trị doanh nghiệp của chính chủ doanh nghiệp. Đây là thực trạng đáng quan tâm khi doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến yêu cầu hiệu quả quản trị doanh nghiệp; cần thay đổi, đổi mới và cập nhật các kỹ năng quản trị như thế nào trong bối cảnh hiện nay…Đặc biệt, khi bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều yếu tố mới xuất hiện, có thể làm thay đổi hẳn phương thức sản xuất. Xét trong bối cảnh cụ thể của nước ta, nhằm nâng cao kỹ năng nhà quản trị doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung thực hiện một số vấn đề như tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, cho các cơ quan quản lý và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng và các chuẩn mực của quản trị trong hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp; tập trung xây dựng các chuẩn mực, hướng dẫn và thông lệ tốt cho việc quản trị DNVVN, các DN tư nhân; tiếp tục mở rộng việc đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn để có thể có được một đội ngũ quản trị viên cao cấp chuyên nghiệp, một đội ngũ các giám đốc tài chính, giám đốc nhân sự; thay đổi tư duy về quản trị…
Những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm được truyền đạt từ các chuyên gia tham gia chương trình đã hỗ trợ sinh viên rất nhiều trong việc học tập ở trường cũng áp dụng trong công việc và cuộc sống.
Dưới đây là một số hình ảnh về chương trình: