Đúng ngày này 70 năm trước, bộ đội ta đã nổ những phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến công tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp mà ngay cả trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ II cũng không có tập đoàn cứ điểm nào mạnh bằng. Trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non (thơ Tố Hữu), bộ đội Việt Nam anh hùng đã vượt lên bao mưa bom, bão đạn và cắm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Bác Hồ trao trên nóc hầm Đờ Cát, vào giữa tim con nhím Điện Biên Phủ, kết liễu số phận của nó.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành tiếng sấm rền vang làm rung chuyển thế giới, xé toạc đám mây đen của chủ nghĩa thực dân – đế quốc, mang đến nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập. Ba tiếng Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ vang lên khắp mọi nơi, trở thành niềm tự hào và khát vọng tự do của loài người tiến bộ, là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân.
Chiến thắng Điện Biên Phủ càng trở nên vĩ đại hơn vì đó là thắng lợi của một đội quân non trẻ của một dân tộc bị coi là nhược tiểu nhưng đã đánh đổ gã khổng lồ của chủ nghĩa thực dân với quân số và trang bị vũ khí vượt trội. Trong 56 ngày đêm, quân ta đã xóa sổ hơn mười sáu ngàn quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm vốn được phương Tây coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Đây cũng là lần đầu trong lịch sử một đội quân viễn chinh lớn như vậy của một đế quốc phương tây bị tiêu diệt tại một nước thuộc địa.
“Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, dân tộc Việt Nam có thêm một cột mốc lịch sử mới: Điện Biên Phủ – Cây cột mốc bằng vàng”
— Chủ tịch Hồ Chí Minh —
Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, dân tộc Việt Nam có thêm một cột mốc lịch sử mới: Điện Biên Phủ – Cây cột mốc bằng vàng (Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh). Với “Điện Biên Phủ” nhân dân Việt Nam đã làm nên một điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
70 năm đã trôi qua. Những cánh rừng cháy trụi, xám xịt bởi đạn bom giờ đã được phủ kín bằng màu xanh ngút ngàn của cây cối. Sân bay Mường Thanh hiện đại mới được khánh thành và đưa vào khai thác. Những ngôi nhà mới tiếp tục mọc lên. Trên những quả đồi, những cánh đồng chết chóc, lúa và hoa màu lên xanh; các loài hoa lại nở rộ, trả về cho Điện Biên nét đẹp diệu kỳ của núi rừng Tây Bắc. Những người chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đa phần đã trở thành người thiên cổ. Nhưng chiến công hiển hách của họ thì mãi mãi còn lưu giữ trong sử xanh.
70 năm qua, đã có biết bao công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, đã có hàng vạn bài báo, cuốn sách viết về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng dường như vẫn chưa đủ. Nhiều nhà nghiên cứu, học giả nước ngoài đã viết những cuốn sách công phu, nghiêm túc, đánh giá rất cao chiến thắng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng trước những đội quân xâm lược hùng mạnh hơn mình nhiều lần. Nhưng họ vẫn chưa hiểu vì sao nhân dân Việt Nam đã đánh thắng được những kẻ thù hùng mạnh ấy?
Các tập hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những công trình nghiên cứu của các học giả, những cuốn sách viết về Điện Biên Phủ của các nhà văn, tướng lĩnh quân đội, của những người trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ đã giải đáp cơ bản những nguyên nhân, làm sáng tỏ những vấn đề cốt lõi vì sao chúng ta đã giành chiến thắng trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làm tiền đề cho cuộc trường kỳ hơn 20 năm đánh đuổi đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước, non sông thu về một mối.
Đó chính là kết quả của đường lối kháng chiến đúng đắn của Ðảng dưới sự lãnh đạo và tư tưởng thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một đội quân anh hùng, nội dung cốt lõi là “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Suốt 30 năm chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước, đường lối chiến lược chiến tranh ấy không hề thay đổi, trở thành kim chỉ nam và ý chí, cùng niềm tin máu thịt của mọi người dân Việt Nam; xây dựng nên một đội quân bách chiến bách thắng, đánh bại những kẻ thù hùng mạnh nhất, bảo vệ độc lập, tự do và quyền tự quyết của dân tộc.
Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh
Nhưng để nhiều thế hệ người Việt trong nước cũng như người nước ngoài quan tâm hiểu được những điều cô đọng và vô cùng sâu sắc đó, sẽ cần phải có thêm nhiều tác phẩm, công trình về chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ dựa trên những phát hiện mới về lịch sử cũng như cách tiếp cận tư liệu lịch sử bằng những phương pháp nghiên cứu tiên tiến, cùng với sự trợ giúp của các thành tựu khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số.
Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Báo Nhân Dân mở chuyên trang đặc biệt Chiến thắng Điện Biên Phủ tại địa chỉ https://dienbienphu.nhandan.vn với các chuyên mục: Tin tức; Diễn tiến chiến dịch; Dư luận quốc tế; Điện Biên hôm nay; Hỏi đáp về chiến dịch Điện Biên Phủ; Multimedia. Trong đó, đặc sắc nhất của chuyên trang là Bản đồ chiến dịch tái hiện diễn biến 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ, cập nhật diễn tiến từng ngày dưới dạng nhật ký, bắt đầu từ 13/3/1954 đến 7/5/1954.
Nhật ký sẽ bao gồm các diễn biến trực tiếp xảy ra tại mặt trận Điện Biên Phủ, các diễn biến tại các mặt trận và địa phương khác trên cả nước liên quan đến trận Điện Biên Phủ và cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cũng như dư luận quốc tế về trận chiến ở Điện Biên Phủ.
Song song với nhật ký chiến dịch, chuyên trang có các tuyến bài phóng sự, bình luận, phân tích, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử cho các chuyên mục Dư luận quốc tế, Điện Biên hôm nay, Tác phẩm văn học, nghệ thuật về Điện Biên Phủ… Mục Multimedia sẽ mang đến nhiều hình ảnh tư liệu quý, các video clip được thực hiện công phu bởi Truyền hình Nhân Dân.
(Theo Báo Nhân dân)