In the interview series with FTU Alumni and Firms: Resilience and adaptability are essential qualities for your success
Recently, The Faculty of Business Administration & Finance – Accounting, Foreign Trade University – HCMC Campus had the opportunity to have an intimate conversation with Ms. Trinh Hoa Thom to share about her career path. Ms. Thom is Senior Consultant at Janus Executive Search & Talent Advisory Company, Hong Kong Branch. She has had nearly 6 years experience of head hunting and is curently handling recruitment process for senior management positions (candidates’ salaries above 10,000 USD per month). This progression has allowed her to have a comprehensive view of the labor market and recruitment landscape, the career advancement paths of personnel in various industries, as well as a deep understanding of employers’ expectations when seeking candidates.
Gần đây, Bộ môn QTKD&TC-KT đã có buổi trò chuyện thân mật cùng chị Trịnh Hoa Thơm, Senior Consultant tại công ty Janus Executive Search & Talent Advisory, trụ sở tại Hong Kong. Chị đã có thời gian ngắn học tại Đại học Ngoại Thương Hà Nội 6 tháng và sau đó giành được học bổng du học tại Nhật Bản. Sau khi du học về, chị bắt đầu sự nghiệp “săn đầu người” tại First Alliances (nay là Persol Kelly Vietnam), sau đó chuyển qua Navigos Search và hiện tại chị phụ trách tìm kiếm nhân sự cấp cao (D-level và C-level) cho các công ty, tập đoàn tại Việt Nam và châu Á, tính tới nay chị có gần 6 năm kinh nghiệm trong nghề. Khi mới ra trường, chị bắt đầu sự nghiệp tuyển dụng từ các vị trí nhân viên (mức lương ứng viên khoảng 500-2.000 USD/tháng), rồi lên các vị trí quản lý cấp trung (mức lương ứng viên khoảng 3.000-5.000 USD/tháng) và hiện tại đảm nhiệm tuyển dụng các vị trí quản lý cấp cao (mức lương ứng viên trên 10.000 USD/tháng). Nhờ vậy, chị có một cái nhìn toàn cảnh về thị trường lao động và tuyển dụng nhân sự, lộ trình thăng tiến của nhân sự trong các ngành nghề lĩnh vực đa dạng, cũng như hiểu rõ mong muốn của nhà tuyển dụng khi tìm kiếm ứng viên.
Chào Thơm, bạn có thể cho mình biết thêm về công việc bạn đang làm không?
Hiện tại mình đang phụ trách tuyển dụng các vị trí quản lý cấp cao cho các công ty, tập đoàn lớn, quỹ đầu tư, … tại Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, … Mình sẽ tìm hiểu rất kỹ về công ty/tổ chức, mô hình kinh doanh, đặc trưng ngành nghề, thị trường, những thuận lợi và khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, từ đó hiểu được bài toán mà công ty cần phải giải là gì, cần tìm ứng viên có những năng lực, kinh nghiệm như thế nào để giải quyết được bài toán đó. Công việc này giúp mình có thêm nhiều kiến thức về kinh doanh, cách thức vận hành của doanh nghiệp và nền kinh tế, network rộng, rèn luyện kỹ năng mềm và cả khả năng chịu đựng áp lực tốt, nên với mình đây là một công việc rất phù hợp với bản thân và định hướng phát triển của mình.
Thơm đã từng có thời gian tuyển dụng các vị trí nhân viên, vậy bạn có thể chia sẻ nhà tuyển dụng sẽ mong muốn, tìm kiếm điều gì ở các bạn sinh viên mới ra trường không?
Mình đã có cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Ngoại Thương một thời gian ngắn. Trong quá trình đó, mình thấy các bạn sinh viên rất năng động, thương hiệu “năng động” dường như gắn liền với các bạn sinh viên Ngoại thương. Đây là một điểm cộng và lợi thế lớn của các bạn. Tuy nhiên, theo mình quan sát, khi lọc CV cũng như khi phỏng vấn thì các nhà tuyển dụng có xu hướng không quá chú trọng vào các hoạt động ngoại khóa mà sẽ nhìn vào mục “kinh nghiệm làm việc” trước tiên. Có thể nhiều bạn sẽ tự hỏi là sinh viên mới ra trường thì sao có thể có nhiều kinh nghiệm. Nhưng thực tế trong quá trình tiếp xúc rất nhiều SV, mình thấy nhiều bạn đã bắt đầu tham gia thực tập trong thời gian đang đi học. Cho dù là thực tập ở công ty nhỏ thôi, nhưng ứng viên cũng sẽ được đánh giá cao vì đã có cọ xát và kinh nghiệm thực tiễn khi đi làm ở môi trường doanh nghiệp trước đó. So với môi trường CLB và trường học thì môi trường công ty, nơi bạn bị ép KPI và phải đem về giá trị hay lợi nhuận cho công ty có sự khác biệt rất lớn về áp lực hoàn thành công việc. Do đó, mình nghĩ các bạn sinh viên nên cố gắng tìm kiếm mọi cơ hội thực tập và đi làm từ khi học năm 2, năm 3 nếu có thể.
Thơm có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên khối ngành kinh tế lựa chọn công việc sau khi ra trường không? Có những xu hướng ngành nghề nào đang phát triển và khó bị thay thế bởi AI?
Thực ra mình thấy ngành nghề nào cũng có khả năng tạo ra thu nhập thâm chí ở mức rất khả quan, miễn là bạn đủ giỏi và chuyên sâu trong ngành, đến mức khó có thể thay thế vị trí của bạn trong công ty/tổ chức. Hầu hết các tác vụ tính toán, nhập liệu, phân tích, … hiện đang được làm rất tốt bởi AI và gần như có thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người. Để tránh bị vô hiệu hóa vai trò của bản thân thì bạn phải tận dụng được công nghệ, biết cách sử dụng công nghệ để phục vụ cho công việc, có những kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc với con người mà AI không thể thay thế được.
Theo bạn thì sinh viên cần chuẩn bị những gì để có thể bắt đầu sự nghiệp thuận lợi? Có những khác biệt gì giữa tưởng tượng của sinh viên và thực tế khi làm việc mà các bạn cần chuẩn bị tinh thần không?
Mình nghĩ thời đại này thì các kỹ năng đòi hỏi sẽ có khác biệt so với thế hệ trước. Đầu tiên là phương tiện giao tiếp, Tiếng Anh gần như là ngôn ngữ bắt buộc không chỉ cho công việc mà cả đời sống thường ngày. Tiếp đó, kiến thức chuyên môn phục vụ cho công việc và các kỹ năng cứng (gồm tin học văn phòng, biết sử dụng các tools/apps hỗ trợ công việc như Canva, AI, Trello, Slack…) là điều kiện cần. Bên cạnh đó thì kỹ năng mềm sẽ là điều kiện đủ. Các bạn có khả năng giao tiếp khéo léo, biết cách gây thiện cảm cho người khác, biết cách “đọc bầu không khí”, đọc vị được ngôn ngữ cơ thể đối phương có ưu thế rất lớn khi tương tác trong công việc. Ngoài ra, các bạn cũng nên chuẩn bị và liên tục cập nhật kiến thức và xu thế xã hội, có tư duy cởi mở, sẵn sàng chấp nhận những ý kiến trái chiều, tránh tự ái khi được góp ý/bị phủ nhận ý kiến, rèn luyện khả năng chịu áp lực công việc, … Theo kinh nghiệm cá nhân, hầu hết những anh chị giỏi và thành công trong lĩnh vực của họ đều có những tố chất kể trên. Mình cũng cho rằng nếu không hòa hợp được với môi trường công sở và nhảy việc liên tục hàng năm thì hồ sơ của các bạn sẽ bị đánh giá thấp, cũng như rất khó thăng tiến, vì bạn không chứng minh được sự cam kết lâu dài, năng lực và khả năng chịu áp lực được ở một đơn vị trong vòng ít nhất 2-3 năm.
Cảm ơn Thơm, Bộ môn chúc Thơm thành công hơn nữa với những dự định trong tương lai. Mong rằng Thơm sẽ có dịp chia sẻ nhiều hơn với Bộ môn cũng như các em sinh viên trong tương lai.