Với mục tiêu trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, không chỉ nằm trong nhóm các đại học hàng đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh, hệ sinh thái khởi nghiệp, tiên phong trong công tác đổi mới sáng tạo, các chương trình đào tạo tại Trường Đại học Ngoại thương luôn ưu tiên đặt chất lượng lên hàng đầu nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực có phẩm chất, kiến thức chuyên môn sâu, kỹ năng thực hành nghề nghiệp thành thạo, ý thức phục vụ cộng đồng và sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức của thị trường lao động quốc tế. Khi nhắc về Ngoại thương, không thể không nhắc đến chuyên ngành Kinh tế đối ngoại – ngành học trọng điểm và là thế mạnh của Nhà trường. Đây không chỉ là ngành đào tạo mũi nhọn với bề dày lịch sử lâu dài tại Nhà trường, Kinh tế đối ngoại luôn giữ vững sức hấp dẫn và là sự lựa chọn hàng đầu của những sinh viên mong muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực kinh tế. Bài viết này sẽ mang đến cái nhìn tổng quan về chuyên ngành, đồng thời mang đến những góc nhìn chia sẻ từ chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này, từ đó giúp sinh viên hiểu rõ và tự tin hơn trong quá trình định hình sự nghiệp của mình.
With the aim of becoming a multidisciplinary university, confined to the group of top universities nationwide in the fields of economics, business, entrepreneurial ecosystem and leading in innovative initiatives, the training programs at the Foreign Trade University always prioritize quality to train qualified human resources with integrity, deep expertise, proficient practical skills, a sense of community service, and readiness to face all challenges in the international labor market. When mentioning FTU, we cannot overlook the International Business Economics major – a focal and strength of the university. This is not only a key training field with a long history at FTU, but International Business Economics consistently maintains its attraction and remains the top choice for students aspiring to pursue a career in the economic sector. This article will provide an overview of this major while also offering insights shared by experts active in this field, thereby helping students gain a clearer and more confident understanding of shaping their careers.
Hoạt động kinh tế đối ngoại từ lâu đã trở thành một trụ cột quyết định sự phồn thịnh của nền kinh tế, song ngày nay, trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng, vai trò của hoạt động này lại càng được đề cao hơn bao giờ hết. Hiểu được tầm quan trọng và sức hấp dẫn của ngành, Trường Đại học Ngoại thương đã thiết kế chương trình đào tạo một cách toàn diện, đáp ứng đầy đủ tất cả tiêu chí, giúp trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng từ cơ bản đến chuyên sâu, gắn liền với thực tế và tập trung khai thác vào nhiều khía cạnh khác nhau của ngành. Các nội dung trong chương trình bao gồm hoạt động giao dịch thương mại quốc tế, quá trình đàm phán để ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, vận tải và bảo hiểm trong thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế và các vấn đề khác liên quan đến quan hệ kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là những hành trang, những công cụ đắc lực giúp sinh viên mở ra vô số cánh cửa cơ hội quan trọng, tự do khám phá và xây dựng định hướng nghề nghiệp cho tương lai của mình.
Nhằm giúp đánh giá tính ứng dụng và sự sáng tạo trong việc thiết kế chương trình đào tạo cũng như đưa ra những góc nhìn chân thực về chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Cơ sở II đã có một cuộc phỏng vấn với Ông Phan Hoài Nam – Tiến sĩ QTKD và Thạc sĩ Luật, nguyên Giám đốc Tư vấn thuế của KPMG Việt Nam và Giám đốc Tài chính của Olam Việt Nam. Ông là hội viên kỳ cựu (Fellowship) của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) và là thành viên của Hiệp hội Thuế Quốc tế Anh Quốc (CIOT) với Chứng chỉ cao cấp về Thuế Quốc tế (ADIT). Ông cũng là một luật sư. Hiện nay ông là nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty W&A, chuyên về Tư vấn Thuế và Tài chính..
Bên cạnh những hoạt động chuyên môn, ông còn có những đóng góp trong lĩnh vực giáo dục, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm thông qua việc giảng dạy. Với nhiều năm giảng dạy chương trình ACCA và giảng dạy khóa đào tạo Luật sư tại Học viện Tư pháp, ông Nam đã truyền đạt những kiến thức chuyên sâu và thực tế, mang lại cho sinh viên những hiểu biết sâu sắc và ứng dụng linh hoạt trong thực tế nghề nghiệp của người học.
Thưa ông Phan Hoài Nam, ông đánh giá như thế nào về nhu cầu nhân sự ngành Kinh tế đối ngoại hiện tại và trong thời gian tới?
Tôi tin rằng nhu cầu về nhân sự trong ngành Kinh tế đối ngoại không chỉ là một xu hướng ngắn hạn mà còn là một nhu cầu thực tế dài hạn, ngày càng gia tăng bởi sự liên kết và hội nhập toàn cầu sâu rộng của Việt Nam. Điều này đặt ra một loạt các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng trong việc quản lý và tham gia vào các mối quan hệ quốc tế. Hơn nữa, các thỏa thuận thương mại và hiệp định quốc tế đang ngày càng trở nên phổ biến, đòi hỏi những người làm việc trong lĩnh vực này phải có sự hiểu biết sâu rộng về các quy định và tập quán quốc tế. Sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng đã mở ra nhiều cơ hội cho nguồn lao động sở hữu kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực quan hệ quốc tế và kinh tế đối ngoại. Do đó, để có thể gắn bó với ngành này, đội ngũ nhân sự cần phải có kiến thức về các hiệp định thương mại quốc tế và quy tắc kinh doanh quốc tế. Hơn nữa, với sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin như hiện nay đã làm thay đổi cách làm việc truyền thống, và nhu cầu về nguồn lao động thành thạo công nghệ, có khả năng phân tích dữ liệu trong ngành kinh tế đối ngoại lại càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu và thách thức cao về kỹ năng và chuyên môn của nhân sự khi hoạt động trong lĩnh vực này. Do đó, theo tôi, với sự hội nhập và mối quan tâm ngày càng tăng về quan hệ quốc tế và thương mại, nhu cầu về nhân sự có kiến thức và kỹ năng trong ngành Kinh tế đối ngoại sẽ có khuynh hướng tăng mạnh trong tương lai gần.
Vậy theo ông, để đáp ứng yêu cầu của ngành này, nhân sự cần có sự chuẩn bị như thế nào về kiến thức và kỹ năng?
Trước hết, đội ngũ nhân sự cần có những hiểu biết sâu rộng về kinh tế và thương mại quốc tế. Khả năng phân tích dữ liệu tốt cũng là yếu tố quan trọng, vì vậy việc nắm vững các công cụ và phương pháp phân tích dữ liệu là điều cần thiết nhằm giúp đưa ra những quyết định chiến lược phù hợp và dự báo xu hướng thị trường chính xác. Bên cạnh đó, với môi trường làm việc quốc tế năng động và đa dạng, nhân sự cần nâng cao kiến thức về quan hệ quốc tế, đồng thời phát triển khả năng làm việc đa văn hóa. Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình cũng đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc truyền đạt thông tin mà còn trong việc xây dựng mối quan hệ. Ngoài ra, vì tính chất công việc thường liên quan đến việc đối phó với nhiều yếu tố và các bên liên quan nên điều này đặt ra yêu cầu cao về khả năng quản lý dự án. Nếu người lao động có tư duy kinh doanh và khả năng giải quyết vấn đề tốt, họ sẽ nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt với những thách thức trong ngành này. Vì thế, điều này không chỉ giúp họ duy trì được sự linh hoạt mà còn giúp họ đóng góp tích cực vào sự phát triển và thành công của tổ chức.
Ông đánh giá như thế nào về ngành đào tạo Kinh tế đối ngoại tại Cơ sở II Trường Đại học Ngoại Thương tại Tp. Hồ Chí Minh?
Trước hết, ngành Kinh tế đối ngoại tại Cơ sở II thực sự làm tôi ấn tượng bởi tính thực tế và ứng dụng linh hoạt. Chương trình không chỉ cung cấp kiến thức vững về kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế, quan hệ quốc tế mà còn đề cao tính ứng dụng thực tiễn trong chương trình học, đáp ứng chặt chẽ với những yêu cầu thực tế của ngành, giúp sinh viên có sự cọ xát và áp dụng kiến thức đã học vào môi trường doanh nghiệp. Khi nghiên cứu về chuyên ngành này, bản thân tôi nhận thấy rất rõ chương trình được Nhà trường thiết kế theo hướng không nặng về lý thuyết như các trường kinh tế khác mà thiên về đào tạo và phát triển kỹ năng thông qua việc tập trung vào trải nghiệm cũng như sự tư duy về kinh tế, kinh doanh ở sinh viên. Thêm vào đó, sinh viên FTU2 còn được rèn luyện trong môi trường chú trọng thực hành và phát triển kỹ năng, có nhiều cơ hội thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết các casestudy, lập kế hoạch kinh doanh. Điều này sẽ giúp các bạn sinh viên mài dũa những kỹ năng quan trọng để phục vụ cho nghề nghiệp của mình sau này như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, v.v. Nhờ vậy, sau khi hoàn thành chương trình học, cánh cửa nghề nghiệp cho sinh viên Ngoại thương luôn được rộng mở với vô số lựa chọn, bao gồm làm việc tại các cơ quan quản lý chính phủ, tổ chức nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế đối ngoại, tham gia vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, công ty có vốn đầu tư quốc tế, ngân hàng thương mại, tập đoàn đa và xuyên quốc gia, các hiệp hội, cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức quốc tế và nhiều ngành nghề khác.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại Cơ sở II được đầu tư kỹ càng, với những phòng học hiện đại và thư viện được trang bị đầy đủ tài liệu hữu ích, giúp tạo ra một môi trường học tập lý tưởng để các bạn sinh viên có điều kiện nghiên cứu và học tập thuận lợi. Đặc biệt, tôi rất thích cách Nhà trường phát triển khả năng giao tiếp đa văn hóa cho sinh viên. Những hoạt động ngoại khóa và cơ hội tương tác với sinh viên quốc tế giúp các bạn sinh viên có cơ hội rèn luyện những kỹ năng mềm tốt hơn. Nhìn chung, tôi nhận thấy rằng ngành Kinh tế đối ngoại tại Cơ sở II sẽ là nơi cung cấp nền tảng vững chắc cho sự phát triển nghề nghiệp và hành trang quan trọng cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Ấn tượng của ông về sinh viên Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương ngành Kinh tế đối ngoại?
Sinh viên chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Cơ sở II của Đại học Ngoại thương, theo tôi không chỉ là những sinh viên tài năng, ham học hỏi, tự tin, mà ở các bạn còn tỏa ra một nguồn năng lượng, sự nhiệt huyết và hoài bão đối với con đường học vấn và nghề nghiệp tương lai của các bạn. Điều đặc biệt ấn tượng đối với tôi ở các bạn đó là sự chăm chỉ và quyết tâm, luôn đặt ra mục tiêu cao và không ngừng nỗ lực để đạt được những ước mơ đó. Với một môi trường cởi mở và tạo điều kiện cho mỗi bạn sinh viên phát triển sở trường riêng, Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương luôn đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề của Nhà trường, Bộ môn, định hướng nghề nghiệp nhằm giúp đỡ sinh viên trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Nhờ vậy, sinh viên chuyên ngành Kinh tế đối ngoại có khả năng thích nghi cao trong nhiều môi trường làm việc, ngành nghề khác nhau như logistics, ngân hàng, marketing, tài chính, v.v. và luôn thể hiện được sự nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, linh hoạt và cống hiến hết mình.
Một điểm đáng chú ý khác là khả năng giao tiếp tự tin của sinh viên FTU2, đặc biệt là khả năng sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo. Điều này không chỉ là một lợi thế cho việc tương tác trong môi trường quốc tế mà còn là yếu tố quan trọng giúp các bạn nhanh chóng tiếp cận và hiểu biết về những xu hướng và thách thức mới trong thế giới kinh doanh toàn cầu. Ngoài ra, tính cách năng động, sáng tạo trong tư duy kinh doanh và khả năng giải quyết vấn đề của các bạn sinh viên tại đây theo tôi đánh giá là rất cao. Bên cạnh đó, tôi có theo dõi một số cuộc thi về chuyên ngành này thì nhận thấy sinh viên FTU2 có khả năng ứng phó linh hoạt khi đối mặt với những tình huống thực tiễn doanh nghiệp phức tạp và tìm ra những phương án và giải pháp hiệu quả. Điều này chứng tỏ rằng chương trình đào tạo tại Cơ sở II Trường đại học Ngoại thương không chỉ hướng đến việc truyền đạt kiến thức mà còn tạo ra môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển kỹ năng thực tế cho sinh viên.
Tại các doanh nghiệp mà Ông đã và đang làm có đang sử dụng lao động là sinh viên đã từng học tập tại Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP.HCM không?
Chắc chắn, mối quan hệ hợp tác giữa chúng tôi và sinh viên từ Cơ sở II Trường Đại học Ngoại Thương không chỉ là sự kết nối chuyên môn mà còn là một hành trình gắn bó đầy ấn tượng. Tôi luôn thấy ở các bạn sinh viên Ngoại thương sự sẵn sàng, năng nổ, nhiệt huyết khi tham gia vào các dự án. Ngoài ra, như tôi đã chia sẻ, tôi rất đề cao khả năng giao tiếp đa ngôn ngữ của sinh viên tại Cơ sở II. Khả năng này không chỉ hỗ trợ các bạn trong việc tương tác hiệu quả với các đối tác quốc tế mà còn là một phương tiện tuyệt vời để nắm bắt và chia sẻ những cơ hội, ý kiến mới từ các nguồn thông tin. Sự linh hoạt trong việc sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Việt không chỉ là kỹ năng cá nhân mà còn là điểm mạnh của cộng đồng học thuật tại đây. Đặc biệt, tôi đánh giá cao tư duy sáng tạo trong kinh doanh và khả năng giải quyết vấn đề từ sinh viên Cơ sở II bởi chúng có thể áp dụng trong công việc thực tế khi các bạn phải đối mặt với những tình huống phức tạp, phải tìm ra những giải pháp đột phá và sáng tạo để giải quyết các vấn đề ấy xuất hiện trong môi trường làm việc hàng ngày. Điều này giúp tạo ra các phương pháp mới, tối ưu hóa quy trình và hiệu suất công việc, từ đó đem lại giá trị thực tế và đóng góp đáng kể cho doanh nghiệp. Đây không chỉ là kết quả của kiến thức chuyên môn mà còn là sản phẩm của môi trường học thuật tạo động lực và khuyến khích sự sáng tạo. Thành thật mà nói, sinh viên Cơ sở II không chỉ đem lại sự hài lòng mà còn tạo nên những ấn tượng sâu sắc và tích cực trong quá trình hợp tác giữa phía doanh nghiệp và Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP.HCM. Những sinh viên này không chỉ là những bạn trẻ nhiệt huyết, có kiến thức chuyên môn tốt mà còn là những người đồng hành đáng tin cậy, đưa chúng tôi đến những thành công mới.
Một số lời khuyên mà Ông muốn nhắn gửi đến các bạn có sự quan tâm về chuyên ngành Kinh tế đối ngoại?
Dành cho các bạn quan tâm đến ngành Kinh tế đối ngoại, tôi có một vài lời khuyên đơn giản: Trước hết, các bạn cần phải nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế, thương mại quốc tế và quan hệ quốc tế để tạo nền tảng vững chắc, giúp các bạn từng bước tự tin hơn trong ngành. Tiếp đến là học ngoại ngữ, đặc biệt là học tiếng Anh chăm chỉ để tương tác tốt trong môi trường quốc tế. Hơn nữa, các bạn sinh viên nên tích cực và chủ động tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, điển hình như các câu lạc bộ, các cuộc thi học thuật để giúp xây dựng mạng lưới, học hỏi từ người có kinh nghiệm và phát triển kỹ năng xã hội. Đồng thời, chủ động theo dõi, cập nhật tin tức và tình hình thế giới để hiểu rõ tác động của các diễn biến đến thương mại và quan hệ quốc tế. Ngoài ra, việc xây dựng mối quan hệ tốt với các giảng viên, bạn học và những người làm việc trong ngành là điều rất cần thiết vì đây là cơ hội để các bạn học được những kiến thức thực tiễn cũng như gia tăng cơ hội thực tập hoặc tìm kiếm việc làm. Ngành Kinh tế đối ngoại đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định thông minh, do đó, các bạn cũng cần rèn luyện, phát triển khả năng tư duy sáng tạo và tư duy phản biện cho bản thân cũng như luôn duy trì thái độ học hỏi và cập nhật kiến thức liên tục để không bị tụt hậu trong ngành.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới luôn biến động không ngừng, Kinh tế đối ngoại tuy không phải là lĩnh vực mới, song vẫn duy trì sức hấp dẫn và sự phổ biến như ngày ban đầu. Với phương pháp tiếp cận và xây dựng chương trình đào tạo khoa học, hiện đại, luôn hướng tới tính ứng dụng cao, cùng với việc tạo ra một môi trường học thuật động lực và sáng tạo, sinh viên tại Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tự tin tích lũy đầy đủ kiến thức, kỹ năng và sự bản lĩnh để đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực này. Các sinh viên Cơ sở II hứa hẹn sẽ trở thành lực lượng lao động chất lượng vượt trội, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động quốc tế. Bài viết trên đã chia sẻ những thông tin và kiến thức đến từ chuyên gia trong lĩnh vực, nhằm mang đến cái nhìn chi tiết, trực quan, chân thực cùng với những lời khuyên hữu ích cho sinh viên khi theo học ngành này. Hy vọng rằng, thông qua những thông tin này, sinh viên có thể tổng hợp và đánh giá rõ ràng hơn về sự chọn lựa nghề nghiệp của mình, xác định hướng đi đúng đắn và khám phá những tiềm năng cũng như cơ hội phát triển trong chuyên ngành Kinh tế đối ngoại.