[vc_row][vc_column][vc_column_text]
Đảm bảo chất lượng là nhân tố quan trọng quyết định đến uy tín, vị thế của Nhà trường và hội nhập toàn cầu. Đảm bảo chất lượng còn là hoạt động thường xuyên được tiến hành trong các cơ sở giáo dục để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, đồng thời đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài và phát triển bền vững của cơ sở giáo dục.
Do vậy công tác kiểm định và tự kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục là một yêu cầu hết sức cần thiết. Thực hiện tốt và thường xuyên công tác kiểm định chất lượng sẽ tạo điều kiện cho trường phát triển một cách vững chắc và khẳng định được vị thế của Nhà trường trong xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Trường Đại học Ngoại thương và Cơ sở II nói riêng luôn đặt công tác đảm bảo chất lượng lên hàng đầu, qua đó góp phần thể hiện trách nhiệm của Nhà trường đối với người học, đối tác và cộng đồng.
1. Khái niệm chung trong đảm bảo chất lượng
1.1. Chất lượng của cơ sở giáo dục là sự đáp ứng mục tiêu do cơ sở giáo dục đề ra, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục của Luật giáo dục đại học, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước.
1.2. Đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục là việc thu thập, xử lý thông tin, đưa ra những nhận định dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá đối với toàn bộ các hoạt động của cơ sở giáo dục, bao gồm: đảm bảo chất lượng về chiến lược, đảm bảo chất lượng về hệ thống, đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng và kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục
1.3. Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục là hoạt động đánh giá và công nhận mức độ cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
1.4. Tự đánh giá là quá trình cơ sở giáo dục tự xem xét, nghiên cứu dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để báo cáo về thực trạng chất lượng giáo dục, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất và các vấn đề liên quan khác để cơ sở giáo dục tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
1.5. Đánh giá ngoài là quá trình khảo sát, đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để xác định mức độ cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
1.6. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục là mức độ yêu cầu và điều kiện mà cơ sở giáo dục phải đáp ứng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Mỗi tiêu chuẩn ứng với một lĩnh vực hoạt động của cơ sở giáo dục; trong mỗi tiêu chuẩn có một số tiêu chí.
1.7. Tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục là mức độ yêu cầu và điều kiện cần đạt được ở một khía cạnh cụ thể của mỗi tiêu chuẩn
2. Mục đích sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục
2.1. Cơ sở giáo dục sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục để tự đánh giá toàn bộ hoạt động của đơn vị nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng giáo dục và hiệu quả hoạt động của đơn vị.
2.2. Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục để đánh giá và công nhận hoặc không công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục.
2.3. Các tổ chức, cá nhân khác có thể dựa vào bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục để nhận định, đánh giá và tham gia phản biện xã hội đối với cơ sở giáo dục mà họ quan tâm.
3. Mục tiêu và nguyên tắc đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục
Theo Luật Giáo dục (2019), mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm việc bản đảm và nâng cao chất lượng giáo dục; Xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo trong từng giai đoạn; làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với chủ sở hữu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên có liên quan và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục; Làm cơ sở cho người học.
Việc kiểm định chất lượng giáo dục phải bảo đảm các nguyên tắc: Độc lập, khách quan, đúng pháp luật; Trung thực, công khai, minh bạch; Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.
4. Ý nghĩa và mục đích tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục
Tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục là liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng lượng giáo dục đào tạo, đồng thời là khâu cơ bản trong quá trình kiểm định chất lượng giáo dục. Tự đánh giá cơ sở giáo dục là xem xét tổng thể các hoạt động của Nhà trường theo những yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, để từ đó, phát huy điểm mạnh và khắc phục những tồn tại, đề xuất biện pháp cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục đào tạo. Ngoài ra, tự đánh giá là điều kiện cần thiết để cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
5. Các bước tự đánh giá cơ sở giáo dục
Bước 1. Thành lập Hội đồng tự đánh giá
Bước 2. Lập kế hoạch tự đánh giá
Bước 3 Thu thập, phân tích và xử lý thông tin, minh chứng
Bước 4. Viết báo cáo tự đánh giá
Bước 5. Lưu trữ và sử dụng báo cáo tự đánh giá
Bước 6. Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành công tác tự đánh giá
6. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục
Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục theo Thông tư 12/2017/TT-BGD&ĐT ngày 19/5/2017 có 4 mục (lĩnh vực) gồm 25 tiêu chuẩn được chia thành 111 tiêu chí, cụ thể:
Mục/Tiêu chuẩn | Nội dung | Số tiêu chí |
Mục 1 | Đảm bảo chất lượng về chiến lược | 37 |
Tiêu chuẩn 1 | Tầm nhìn, sứ mạng và văn hóa | 5 |
Tiêu chuẩn 2 | Quản trị | 4 |
Tiêu chuẩn 3 | Lãnh đạo và quản lý | 4 |
Tiêu chuẩn 4 | Quản trị chiến lược | 4 |
Tiêu chuẩn 5 | Các chính sách về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng | 4 |
Tiêu chuẩn 6 | Quản lý nguồn nhân lực | 7 |
Tiêu chuẩn 7 | Quản lý tài chính và cơ sở vật chất | 5 |
Tiêu chuẩn 8 | Các mạng lưới và quan hệ đối ngoại | 4 |
Mục 2 | Đảm bảo chất lượng về hệ thống | 19 |
Tiêu chuẩn 9 | Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong | 6 |
Tiêu chuẩn 10 | Tự đánh giá và đánh giá ngoài | 4 |
Tiêu chuẩn 11 | Hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng bên trong | 4 |
Tiêu chuẩn 12 | Nâng cao chất lượng | 5 |
Mục 3 | Đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng | 39 |
Tiêu chuẩn 13 | Tuyển sinh và nhập học | 5 |
Tiêu chuẩn 14 | Thiết kế và rà soát chương trình dạy học | 5 |
Tiêu chuẩn 15 | Giảng dạy và học tập | 5 |
Tiêu chuẩn 16 | Đánh giá người học | 4 |
Tiêu chuẩn 17 | Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ người học | 4 |
Tiêu chuẩn 18 | Quản lý nghiên cứu khoa học | 4 |
Tiêu chuẩn 19 | Quản lý tài sản trí tuệ | 4 |
Tiêu chuẩn 20 | Hợp tác và đối tác nghiên cứu khoa học | 4 |
Tiêu chuẩn 21 | Kết nối và phục vụ cộng đồng | 4 |
Mục 4 | Kết quả hoạt động | 16 |
Tiêu chuẩn 22 | Kết quả đào tạo | 4 |
Tiêu chuẩn 23 | Kết quả nghiên cứu khoa học | 6 |
Tiêu chuẩn 24 | Kết quả phục vụ cộng đồng | 4 |
Tiêu chuẩn 25 | Kết quả tài chính và thị trường | 2 |
7. Cách đánh giá và cách tính điểm
Các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục được đánh giá theo thang đánh giá 7 mức (tương ứng với 7 điểm) như sau:
a) Mức 1. Không đáp ứng yêu cầu tiêu chí: Không thực hiện công tác đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu tiêu chí. Không có các kế hoạch, tài liệu, minh chứng hoặc kết quả có sẵn. Cần thực hiện cải tiến chất lượng ngay;
b) Mức 2. Chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí, cần có thêm nhiều cải tiến chất lượng: Công tác đảm bảo chất lượng đối với những lĩnh vực cần phải cải tiến để đáp ứng yêu cầu tiêu chí mới đang ở giai đoạn lập kế hoạch hoặc không đáp ứng yêu cầu. Có ít tài liệu hoặc minh chứng. Hoạt động đảm bảo chất lượng còn ít được thực hiện hoặc hiệu quả kém;
c) Mức 3. Chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí nhưng chỉ cần một vài cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu: Đã xác định và thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu của tiêu chí nhưng cần có thêm cải tiến nhỏ mới đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tiêu chí. Có các tài liệu, nhưng không có các minh chứng rõ ràng chứng tỏ chúng được sử dụng, triển khai đầy đủ. Việc thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng không nhất quán hoặc có kết quả hạn chế;
d) Mức 4. Đáp ứng đầy đủ yêu cầu tiêu chí: Thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu của tiêu chí. Có các minh chứng chứng tỏ việc thực hiện được tiến hành đầy đủ. Việc thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng đem lại kết quả đúng như mong đợi;
đ) Mức 5. Đáp ứng cao hơn yêu cầu tiêu chí: Công tác đảm bảo chất lượng đáp ứng tốt hơn so với yêu cầu của tiêu chí. Có các minh chứng chứng tỏ việc thực hiện được tiến hành một cách hiệu quả. Việc thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng cho thấy các kết quả tốt và thể hiện xu hướng cải tiến tích cực;
e) Mức 6. Thực hiện tốt như một hình mẫu của quốc gia: Việc thực hiện công tác đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu của tiêu chí được xem là điển hình tốt nhất của quốc gia. Có các minh chứng chứng tỏ việc thực hiện được tiến hành một cách hiệu quả. Việc thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng cho các kết quả rất tốt và thể hiện xu hướng cải tiến rất tích cực;
g) Mức 7. Thực hiện xuất sắc, đạt mức của các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới: Việc thực hiện công tác đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu của tiêu chí được xem là xuất sắc, đạt trình độ của những cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới hoặc là điển hình hàng đầu để các cơ sở giáo dục khác trên thế giới học theo. Có các minh chứng chứng tỏ việc thực hiện được tiến hành một cách sáng tạo. Việc thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng cho các kết quả xuất sắc và thể hiện xu hướng cải tiến xuất sắc.
[/vc_column_text][/vc_column][/vc_row]