The Party Committee of FTU-HCMC Campus organized “Journey to the source combining practical activities, social service, and community service” in Dien Bien province taking place from May 20, 2024 to May 22, 2024.
Hòa chung không khí thiêng liêng, hào hùng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân khi cùng trở về ôn lại truyền thống của những ngày tháng Năm lịch sử vô cùng vẻ vang của dân tộc, chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024), 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), tiếp nối truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giáo dục lý tưởng cách mạng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, được sự phê duyệt chủ trương của Đảng uỷ Nhà trường, Đảng bộ bộ phận Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức “Hành trình về nguồn kết hợp hoạt động thực tế, phụng sự xã hội, phục vụ cộng đồng” tại tỉnh Điện Biên diễn ra từ ngày 20 tháng 5 năm 2024 đến ngày 22 tháng 5 năm 2024.
Hành trình về nguồn có sự tham gia của Đồng chí Nguyễn Xuân Minh – Đảng ủy viên Trường Đại học Ngoại thương, Bí thư Đảng bộ bộ phận, Giám đốc Cơ sở II, cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ bộ phận, Chủ tịch Công đoàn Cơ sở thành viên, Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ sở II và Bí thư/Phó Bí thư các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ bộ phận Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh.
Khởi đầu chuyến hành trình về nguồn, Đoàn đã đến tham quan và nghe thuyết minh tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, bảo tàng được khởi công xây dựng từ tháng 10/2012 trên diện tích 22.000m2 và chính thức mở cửa đón khách vào ngày 05/5/2014 sau 19 tháng thi công, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là công trình có quy mô hoành tráng và hiện đại nhất tỉnh Điện Biên hiện nay. Công trình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc và phần hiện vật, nội dung trưng bày, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, xứng tầm với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đồi A1 và Đền thờ liệt sỹ tại chiến trường Điện Biên, nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào ta đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, đồng chí Nguyễn Xuân Minh – Đảng ủy viên, Bí thư Đảng bộ bộ phận, Giám đốc Cơ sở II cùng các đồng chí Ban Chấp hành Đảng bộ bộ phận, Ban Chi ủy các Chi bộ trực thuộc đã dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân.
Sau hoạt động dâng hoa, dâng hương, Đoàn tham quan các Khu Di tích lịch sử tại Hầm Chỉ huy của Tướng Đờ Cát (De Castries): Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát (De Castries) cùng Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đoàn công tác Cơ sở II tiếp tục tham quan và tìm hiểu về lịch sử tại địa điểm Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ là Tượng đài bằng đồng lớn nhất tại tỉnh Điện Biên. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên cứ điểm đồi D1, đây là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, tính nhân văn và tâm linh sâu sắc, tôn đúng tầm ý nghĩa to lớn về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Trong ngày làm việc thứ hai, Đoàn đã tiếp tục hành trình về nguồn, tham quan và tìm hiểu về lịch sử tại các địa điểm:
Khu di tích Đồi A1 – nơi diễn ra trận chiến đấu lịch sử kéo dài 39 ngày đêm. Khi quân ta làm chủ cứ điểm này đã tạo bàn đạp để tấn công sang hầm chỉ huy của địch, bắt sống tướng Đờ-cát cùng toàn bộ bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Cụm tượng đài vinh danh những anh hùng kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ – cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 20 km về hướng Bắc, đây là cụm tượng đài bằng đá dài 24m, rộng 8m, cao 12,5m, nặng 1.200 tấn – phác họa 29 nhân vật trong tư thế kéo khẩu pháo 105 ly ngược dốc – vinh danh trung đội pháo binh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Đoàn Công tác Cơ sở II đã tham quan tìm hiểu, và nghe thuyết minh về Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, một địa điểm ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, cách Thành phố Điện Biên Phủ gần 30km. Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thường làm việc và nghỉ ngơi. Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn, trong vòng 105 ngày từ 31/1/1954 đến 15/5/1954 cơ quan đầu não quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ được bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Qua tìm hiểu và đi thực tế tại các căn cứ điểm lịch sử, Đoàn công tác của Đảng bộ bộ phận Cơ sở II đã có dịp tìm hiểu thêm về truyền thống lịch sử của dân tộc ta, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tôn vinh, tri ân sâu sắc tới các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.