To enhance teaching and scientific research capabilities, while also adapting flexibly to the new challenges posed in the context of globalization and international integration, the International Trade and Business Division has recently organized a series of specialized events to encourage a spirit of innovative thinking among the faculty. These specialized sessions not only provide detailed and valuable scientific information but also create an interactive environment where experts and lecturers can share opinions and learn from each other’s experiences. Consequently, they foster a multidimensional academic community, strengthen close ties with businesses, and contribute to improving the quality of education within the department.
Nhằm mục đích nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đồng thời đáp ứng linh hoạt với những thách thức mới đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vừa qua, Bộ môn Kinh doanh và Thương mại quốc tế đã tổ chức chuỗi sự kiện chuyên sâu nhằm khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo cho đội ngũ giảng viên. Những buổi sinh hoạt chuyên môn này không chỉ cung cấp những thông tin khoa học chi tiết và bổ ích mà còn tạo ra một không gian tương tác, nơi mà các chuyên gia và giảng viên được chia sẻ ý kiến và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Từ đó, tạo nên một cộng đồng học thuật đa chiều, tăng cường sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của bộ môn.
Mở đầu chuỗi hoạt động là buổi sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Kiến tạo động lực giảng dạy và học tập hiệu quả” với sự trình bày của Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Hữu Long – Ủy viên BCH Hội Tâm lý học Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Mở TP.HCM vào ngày 11/9/2023. Tại buổi sinh hoạt, báo cáo viên đã giải thích về ý nghĩa của việc tạo động lực giảng dạy và học tập cũng như phân tích và làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến động lực giảng dạy và học tập của giảng viên và người học, ví dụ như tính cách, năng lực, kinh nghiệm, nguyện vọng, mục tiêu của người giảng dạy và người học hoặc do các yếu tố về môi trường học tập, mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên. Đồng thời, báo cáo viên đã chia sẻ những ví dụ thực tế, sinh động và những câu chuyện truyền cảm hứng để giúp giảng viên hiểu rõ hơn về động lực giảng dạy và học tập. Ông Long cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân trong việc kiến tạo động lực giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, báo cáo viên đã gợi ý một số biện pháp kiến tạo động lực giảng dạy và học tập hiệu quả, chẳng hạn như giảng viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo môi trường học tập thân thiện, cởi mở. Còn về phía sinh viên thì cần xác định mục tiêu học tập rõ ràng, rèn luyện phương pháp học tập hiệu quả, tích cực tham gia các hoạt động học tập.
Tiếp đến, nhằm hỗ trợ các giảng viên trong việc cập nhật kiến thức thương mại quốc tế về thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ, vào ngày 19 tháng 9 năm 2023, Bộ môn Kinh doanh và Thương mại quốc tế đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học chủ đề “Cách thức tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cho hàng hoá Việt Nam” với khách mời là TS. Nguyễn Hoài Nam, giảng viên của bộ môn và hiện đang công tác tại Hoa Kỳ. TS Nam đã trình bày những đặc điểm khác nhau về tình hình kinh tế, thói quen người tiêu dùng tại Mỹ trước và sau đại dịch Covid19, giới thiệu loại hình kênh phân phối mới có thể đưa hàng Việt tiếp cận thị trường này dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn. Thông qua các ví dụ về Amazon, Ebay, diễn giả Nguyễn Hoài Nam đã nêu ra định nghĩa mới về quá trình tự hoàn thiện hàng hoá để lưu thông trên thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời cũng nhấn mạnh lợi ích của việc tập trung hàng vào tổng kho để mở rộng độ phủ trên thị trường. Qua đó, nhà xuất khẩu không bị kiểm tra hay chọn lọc quá khắt khe và có khả năng kiểm soát cao hơn đối với hàng hoá của mình.
Để có những góc nhìn mới từ phía doanh nghiệp, nắm bắt những thách thức và cơ hội doanh nghiệp đang phải đối mặt cũng như những chiến lược truyền thông tích hợp đặc thù cho ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), ngày 02/11/2023, Bộ môn KD&TMQT đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với chủ đề: “Chiến lược truyền thông tích hợp cho ngành hàng FMCG” với sự tham gia của các giảng viên thuộc bộ môn và diễn giả Trần Hoài Thương – Associate Strategic Planning Manager, Công ty Oliver Ustudio – Unilever Vietnam. Khi nói đến ngành hàng FMCG, tiêu chí lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng thường dựa vào quan sát, cảm nhận, hiệu quả sử dụng, trong đó giá cả vẫn là yếu tố được ưu tiên hàng đầu khi đưa ra quyết định mua hàng. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ ngày nay dường như đã trở thành chìa khoá mở ra những xu hướng mới cho ngành hàng tiêu dùng nhanh. Đồng thời, sự thay đổi về mặt nhận thức từ chính những người tiêu dùng, đã khiến doanh nghiệp phải tìm kiếm sự đổi mới, giá trị và chất lượng của sản phẩm để xem xét và cân nhắc vấn đề chi tiêu của mình. Vậy câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp là làm thế nào để có thể định hình các thông điệp tiếp thị truyền thông để thu hút nhận thức của người tiêu dùng về cách sử dụng sản phẩm mới, cũng như thúc đẩy lòng trung thành của người tiêu dùng đối với một sản phẩm cũng như doanh nghiệp? Bằng những kinh nghiệm thực tiễn của mình, báo cáo viên đã chia sẻ và tìm ra câu trả lời đã được đặt ra. Buổi sinh hoạt chuyên môn đã diễn ra trong không khí hào hứng và thảo luận sôi nổi, góp phần trang bị cho các giảng viên về những kiến thức thực tiễn về chiến lược truyền thông tích hợp hiệu quả cho ngành hàng FMCG trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt, ngày 21/11/2023, Bộ môn KD&TMQT đã tổ chức buổi tập huấn với chủ đề “Một số rủi ro với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Việt Nam và kinh nghiệm lựa chọn điều kiện bảo hiểm phù hợp” với sự tham gia của báo cáo viên Ông Nguyễn Đình Điện – Phó Giám Đốc Công ty Bảo Việt Tp. HCM và Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH TYVY. Hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia. Tuy nhiên, quá trình xuất nhập khẩu trong bối cảnh hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều thách thức và rủi ro. Sự chậm trễ trong quá trình vận chuyển, tranh chấp hợp đồng, thay đổi về thể chế chính trị, biến động tỷ giá, v.v, đã tạo ra nhiều sức ép không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế. Có thể khẳng định, rủi ro trong quá trình vận chuyển là một vấn đề đáng quan tâm. Những sự cố về hư hỏng, mất mát hoặc chậm trễ không những gây ảnh hưởng tới tiến độ kinh doanh mà còn tác động đáng kể đến uy tín và mối quan hệ với khách hàng. Do đó, việc phòng ngừa và hạn chế tổn thất thông qua bảo hiểm hàng hóa trở thành một giải pháp cần thiết. Bảo hiểm hàng hóa không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro tài chính do những tổn thất không lường trước này gây ra mà còn là một bước quan trọng trong việc quản lý rủi ro tổng thể của doanh nghiệp. Buổi tập huấn không chỉ là cơ hội để giảng viên được tiếp cận với nhiều thông tin bổ ích và những cái nhìn thực tế về các rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ở nước ta có thể gặp phải, mà đây còn là dịp để các giảng viên được truyền đạt những kinh nghiệm khi mua bảo hiểm cho hàng hóa.
Tiếp nối hoạt động trên, ngày 25/12/2023, Bộ môn Kinh doanh & Thương mại quốc tế đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn tháng 12 với chủ đề “Supply Chain Finance In E-Commerce & Export Financing” với sự tham gia của báo cáo viên Bà Trần Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Phát triển thị trường Công ty TNHH Quốc tế Linklogis. Trong bối cảnh E-commerce và xuất khẩu ngày càng phát triển, Supply Chain Finance (SCF) đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình tài chính, tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như mở rộng quy mô kinh doanh. SCF không chỉ là một công cụ tài chính mà còn là một chiến lược quản lý rủi ro và tối ưu hóa quản lý dòng tiền trong chuỗi cung ứng. Mở đầu buổi chia sẻ, báo cáo viên đã giới thiệu chi tiết về quy trình và các bên có liên quan tham gia trong Supply Chain Finance. Kế tiếp, báo cáo viên đã tập trung giải thích những lợi ích mà SCF mang lại cho thương mại điện tử, đặc biệt giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền, giảm thiểu chi phí thanh toán hóa đơn, tăng khả năng thanh toán cho nhà cung cấp. Hơn nữa, SCF còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro không thu được tiền thanh toán từ nhà cung cấp. Ngoài ra, SCF cũng giúp củng cố mối quan hệ với nhà cung cấp, tạo điều kiện cho việc hợp tác lâu dài cũng như giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để mở rộng quy mô kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh. Cuối cùng, báo cáo viên đã đề cập đến một số chiến lược và công cụ phổ biến để triển khai SCF hiệu quả, ví dụ Inventory Financing giúp giảm áp lực tài chính từ việc lưu trữ hàng tồn kho lâu dài, Dynamic Discounting giúp cung cấp ưu đãi giảm giá cho việc thanh toán nhanh, tạo động lực cho đối tác thanh toán sớm, sử dụng các nền tảng thanh toán số để tối ưu hóa quy trình thanh toán, v.v. Như vậy, SCF là một giải pháp tài chính hiệu quả có thể mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng E-commerce và xuất khẩu. Các doanh nghiệp có thể tham khảo các chiến lược và công cụ SCF phù hợp để tối ưu hóa dòng tiền, giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng cạnh tranh. Buổi SHCM đã mang lại nhiều thông tin bổ ích và những cái nhìn thực tế, giúp các giảng viên có thêm tư liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Các buổi sinh hoạt chuyên môn đều đã diễn ra trong không khí sôi nổi và hào hứng. Các giảng viên đã tích cực tham gia thảo luận và đặt câu hỏi cho các diễn giả. Điều này đã giúp bổ sung thêm kiến thức thực tế cho các giảng viên, làm phong phú hóa nguồn tư liệu sẵn có, từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và áp dụng vào công tác giảng dạy. Chuỗi sinh hoạt đã thực sự mang đến những lợi ích cho giảng viên cũng như đẩy mạnh chất lượng chuyên môn của Bộ môn Kinh doanh Thương mại quốc tế.
Sau đây là một số hình ảnh của chuỗi sự kiện: