Home TIN TỨC Sự kiện tiêu biểu Tọa đàm khoa học “Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hoạt động giảng dạy các môn ngoại ngữ” (HK1 năm học 2023-2024)

Tọa đàm khoa học “Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hoạt động giảng dạy các môn ngoại ngữ” (HK1 năm học 2023-2024)

Tọa đàm khoa học “Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hoạt động giảng dạy các môn ngoại ngữ” (HK1 năm học 2023-2024)

In the first semester of the academic year 2023-2024, the Department of Foreign Languages organized fruitful series of seminars. With the diversity of the expertise and knowledge of the faculty, these seminars are expected to facilitate constructive conversation, stimulate reflections, promote academic-professional exchanges, but also provide useful materials for teaching and research development.

Nhằm mục đích trao đổi chuyên môn và chia sẻ những thông tin cập nhật để các giảng viên áp dụng vào trong bài giảng của mình, giúp sinh viên nắm bắt được kiến thức và áp dụng vào thực tiễn tốt hơn, học kỳ 1 năm học 2023-2024, Bộ môn Ngoại ngữ đã tổ chức tọa đàm khoa học chuỗi các chuyên đề chuyên môn với nhiều thông tin thú vị bổ ích thông qua các chủ đề tham luận sau.

Trong nhóm tham luận đầu tiên vào tháng 9/2023, ThS Phan Chí Hiếu đã chia sẻ về chủ đề “Lồng ghép giảng dạy Incoterms và thanh toán quốc tế trong môn Thư tín”. Báo cáo viên nhấn mạnh 5 yếu tố quan trọng cần phải đề cập khi dạy môn Thư Tín đó là: người chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hoá; địa điểm được viết theo sau mỗi điều khoản Incoterms; các địa điểm chuyển giao rủi ro; điều khoản Incoterms được dùng cho vận tải đường biển hay vận tải đa phương thức và “công thức” viết Incoterms. Ở bài tham luận thứ hai, ThS Hoàng Thị Thanh Nga chia sẻ về chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng”. Báo cáo viên đã hướng dẫn một số công cụ để hỗ trợ trong việc giảng dạy như: Google Bard- được dùng để tìm các ý tưởng cho bài giảng; DeepL Write- dùng để diễn giải câu văn hay đoạn văn; Question Well- dùng để tạo câu hỏi cho các bài tập đọc hiểu và Voyant- một tập hợp của nhiều công cụ xử lý văn bản khác nhau. Kết thúc buổi tọa đàm, ThS Trần Thuỷ Khánh Quỳnh đã chia sẻ về chủ đề “Những điểm chú trọng khi dạy kỹ năng Viết (học thuật) cho sinh viên ở trình độ nâng cao. Báo cáo viên giới thiệu Marking Mate’s criteria cho việc đánh giá kỹ năng viết cho sinh viên. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì việc dùng các công cụ AI hỗ trợ kỹ năng viết cũng trở nên phổ biến với sinh viên. Tuy nhiên, sau những tổng hợp đánh giá trong quá trình giảng dạy, báo cáo viên phát hiện ra rằng sinh viên sử dụng từ vựng thiếu độ chính xác và việc phát triển ý tưởng cũng chưa được mạch lạc khi bài viết có sử dụng sự trợ giúp từ các công cụ AI. Do đó, báo cáo viên giới thiệu thêm các nguồn từ điển và website tham khảo giúp sinh viên tra cứu nghĩa từ vựng để sử dụng chính xác hơn trong việc hoàn thành các bài tập về kỹ năng Viết.

Trong nhóm tham luận thứ hai vào tháng 11/2023, ThS Võ Đinh Thụy Mân báo cáo về chủ đề “Một số đề xuất cải thiện kĩ năng viết đối với sinh viên Tiếng Anh chuyên ngành”. Trước tiên, báo cáo viên chia sẻ về một số khó khăn của sinh viên năm nhất khi học kĩ năng viết (thiếu từ vựng chuyên ngành, thiếu kiến thức chuyên ngành cơ bản) và cơ hội (năng lực tốt, thái độ tích cực). Hiểu được khó khăn và cơ hội đó, báo cáo viên đã chia sẻ hai phương pháp chính: tích hợp các kĩ năng (integrated approach) và chấm chéo (peer assessment) dựa trên những tiêu chí cung cấp sẵn cho từng thể loại viết luận. Tiếp nối tham luận, ThS Trần Nam Thiên Hương trình bày chủ đề “Lợi ích của mô hình giao nhiệm vụ trong việc thúc đẩy tự khai thác ngôn ngữ trong phương pháp giảng dạy dựa trên nhiệm vụ (Task- based approach). Báo cáo viên chia sẻ 15 phương pháp giảng dạy tích cực phổ biến (common active teaching methods), trong đó có 3 phương pháp thường được áp dụng: task-based learning, project-based learning, flipped classroom. Tuy nhiên, báo cáo viên tập trung vào task-based learning bao gồm 3 giai đoạn: pre-task (thực hiện trước ở nhà), task (sinh viên được giao nhiệm vụ, lên kế hoạch, trình bày trên lớp) và cuối cùng là revise (ôn tập). Bài tham luận cuối cùng của ThS Vương Lý Tố Như chia sẻ về chủ đề “Nâng cao kĩ năng thuyết trình cho sinh viên”. Báo cáo viên đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của kĩ năng thuyết trình và một số vấn đề thường gặp của sinh viên: ngại nói trước đám đông, lệ thuộc quá nhiều vào tài liệu có sẵn, phát âm sai, chưa kiểm soát được thời gian. Từ đó, báo cáo viên đề xuất một số giải pháp: chuẩn bị bài trước, luyện tập ngữ điệu và phát âm bằng một số website, luyện tập ngôn ngữ cơ thể. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần cung cấp trước tiêu chí chấm điểm, đưa nhận xét đánh giá mang tính xây dựng, cung cấp từ vựng và cấu trúc ngữ pháp liên quan đến chủ đề để sinh viên có thể chủ động chuẩn bị.

Chuỗi tọa đàm là cơ hội cho các giảng viên Bộ môn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến chuyên môn của mình, qua đó góp phần tối ưu hóa các nội dung và vận dụng sáng tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn ngoại ngữ tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương tại TP. HCM trong thời gian tới.

Sau đây là một số hình ảnh của buổi Tọa đàm: toa-dam-khoa-hoc-da-dang-hoa-hoat-dong-giang-day-cac-mon-ngoai-ngu-1toa-dam-khoa-hoc-da-dang-hoa-hoat-dong-giang-day-cac-mon-ngoai-ngu-2toa-dam-khoa-hoc-da-dang-hoa-hoat-dong-giang-day-cac-mon-ngoai-ngu-3

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here