Bệnh đậu mùa khỉ hiện đang gia tăng ở nhiều quốc gia, Việt Nam cũng đã ghi nhận ca mắc khiến nhiều người lo lắng. Bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng gì, nếu nghi ngờ mắc thì cần làm gì, cách phòng ngừa ra sao?
I. Các giai đoạn bệnh đậu mùa khỉ
Sau nhiễm virus đậu mùa khỉ là thời gian ủ bệnh từ 6-13 ngày, nhưng có thể là 5-21 ngày thì bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
1. Ở giai đoạn khởi phát
Từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
2. Ở giai đoạn toàn phát
Đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày, với tính chất sau:
Xuất hiện phát ban gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
Bệnh đậu mùa khỉ tiến triển ban theo tính chất tuần tự từ rát (tổn thương có nền phẳng); sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao); mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong); mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng); đóng vảy khô đến bong tróc và có thể để lại sẹo.
Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.
3. Ở giai đoạn hồi phục
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
II. Các thể lâm sàng đậu mùa khỉ
1. Thể không triệu chứng
Người nhiễm virus đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.
2. Thể nhẹ
Các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
3. Thể nặng
Thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.
– Nhiễm khuẩn da: Người bệnh có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.
– Viêm phổi: Người bệnh có các triệu chứng như ho, tức ngực khó thở.
– Viêm não: Ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê.
– Nhiễm khuẩn huyết: Sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng.
III. Những người cần nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ
Là người có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh cụ thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.
Người có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
Những người có bệnh cảnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ.
IV. Làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ?
Cách giảm thiểu tình hình của dịch bệnh đậu mùa khỉ đang được áp dụng chủ yếu là dùng biện pháp cách ly và vệ sinh nơi ở, nhà cửa sạch sẽ.
Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng đã nghiên cứu, nhận định rằng người xuất hiện dấu hiệu đậu mùa khỉ sẽ giảm nhẹ triệu chứng trong vòng từ 2 – 4 tuần, cơ thể dần bắt đầu tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp không may bị nhiễm bệnh thì cần thăm khám và dùng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ để mang lại hiệu quả trị bệnh.
Ngoài ra, dịch bệnh đậu mùa khỉ không phải là một biến chủng mới nên đã có một số loại vaccine đã được đưa vào để đăng ký nhằm mục đích để phục vụ cho quá trình tiêm chủng cần được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, WHO không khuyến cáo khi dùng vaccine để tiêm đại trà cho mọi người dân. Với một số đối tượng có thể được tiến hành tiêm vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất như sau:
– Đối tượng đã tiếp xúc với người bị nhiễm dịch đậu mùa khỉ.
– Những người có nhiệm vụ hỗ trợ cho người bệnh mắc đậu mùa khỉ để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh sang họ gồm có nhân viên y tế, người làm việc tại các phòng xét nghiệm.
Việc xuất hiện dấu hiệu đậu mùa khỉ ban đầu có thể ít gây tổn thương cho da của người bệnh. Tuy nhiên, nếu phát hiện kịp thời và có những biện pháp phòng tránh theo chỉ định từ Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới sẽ giúp cho người dân bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
V. Phòng ngừa và điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Đối với người từng tiêm vaccine phòng đậu mùa thông thường cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng cũng chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, không đáng lo ngại. Bệnh đậu mùa khỉ hiện chưa có thuốc điều trị bệnh nhưng bệnh thường nhẹ và có thể tự khỏi. Người bệnh chủ yếu được các bác sĩ kê đơn thuốc nhằm giảm đau, và kháng viêm để hỗ trợ điều trị bệnh nhanh chóng.
Hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh về đậu mùa khỉ, vì vậy việc phòng bệnh, ngăn chặn bệnh là hết sức cần thiết để tránh lây lan tạo thành dịch. Một số biện pháp phòng bệnh cơ bản nên biết:
– Tránh tiếp xúc trực tiếp với các loài động vật có nguy cơ nhiễm bệnh, nhất là ở các khu vực có xuất hiện bệnh (kể cả động vật sống lẫn chết).
– Chỉ ăn các loài động vật có nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ quy tắc ăn chính uống sôi.
– Không tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm bệnh, kể cả các vật dụng hằng ngày của người bệnh cũng không tiếp xúc.
– Cách ly nhanh chóng người bệnh và người nghi ngờ bệnh.
– Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn, nhất là khi tiếp xúc các bề mặt nơi công cộng.
Có thể tiêm vaccine phòng đậu mùa để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh. Theo nghiên cứu, vaccine đậu mùa có thể hạn chế 85% mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ là bệnh lý tương đối nhẹ và không có nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Song, nhưng khi bệnh bùng dịch sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây lo ngại về kinh tế. Ngăn chặn bệnh dịch là giải pháp tối ưu hiện nay để bảo vệ chính bản thân, gia đình và xã hội.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/benh-dau-mua-khi-trieu-chung-lam-gi-khi-nghi-ngo-mac-169231002121438607.htm
Kính chúc Quý Thầy/Cô, Sinh viên nhiều sức khỏe!