Home TIN TỨC Sự kiện tiêu biểu Trường ĐH Ngoại thương tổ chức nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài KH&CN cấp quốc gia “Nhân rộng áp dụng công cụ chỉ số hoạt động chính (KPI) vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam năm 2018” do PGS, TS Nguyễn Xuân Minh làm chủ nhiệm nhiệm vụ

Trường ĐH Ngoại thương tổ chức nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài KH&CN cấp quốc gia “Nhân rộng áp dụng công cụ chỉ số hoạt động chính (KPI) vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam năm 2018” do PGS, TS Nguyễn Xuân Minh làm chủ nhiệm nhiệm vụ

Trường ĐH Ngoại thương tổ chức nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài KH&CN cấp quốc gia “Nhân rộng áp dụng công cụ chỉ số hoạt động chính (KPI) vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam năm 2018” do PGS, TS Nguyễn Xuân Minh làm chủ nhiệm nhiệm vụ

Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 712/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nêu rõ quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu và nhiệm vụ của chương trình, các dự án thuộc chương trình, giải pháp tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đơn vị liên quan đến chương trình. Tiếp đó, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 225/QĐ-TTg về việc phê duyệt Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu đào tạo, xây dựng và chuyển giao các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như: 5S, Kaizen; nhóm chất lượng (QCC); kỹ thuật thống kê (SPC); kỹ thuật chẩn đoán doanh nghiệp; sản xuất tinh gọn và giảm thiểu khuyết tật (Lean Six Sigma); thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard-BSC); KPI; duy trì năng suất tổng thể (TPM); đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên, quản lý quan hệ khách hàng (CRM); quản lý tri thức (KM);…

Kết quả khảo sát của Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế – Trường Đại học Ngoại thương cho thấy các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải ba vấn đề lớn bao gồm (1) mục tiêu kinh doanh không tương thích với các nguồn lực hiện có, (2) mục tiêu của tổ chức, doanh nghiệp không tương thích với mục tiêu của nhân viên, và (3) thiếu các công cụ để kiểm soát hành động và đánh giá hiệu quả công việc, từ đó xây dựng chính sách lương thưởng cho phù hợp. Các vấn đề này có thể được khắc phục đáng kể bằng công cụ KPI. KPI được đánh giá là công cụ hữu hiệu hỗ trợ các nhà quản lý giải quyết đồng bộ các vấn đề trên thông qua việc thiết lập hệ thống cân bằng các mục tiêu kinh doanh ở bốn góc độ: tài chính, khách hàng, hoạt động kinh doanh và năng lực học hỏi phát triển; phân bổ các mục tiêu này tới bộ phận và cá nhân trong doanh nghiệp, dựa vào đó hình thành nên các chỉ số để kiểm soát và đo lường kết quả công việc của nhân viên. Tại Việt Nam, mặc dù một số doanh nghiệp lớn đã triển khai KPI thành công như Tập đoàn FPT, Tổng Công ty Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Tập đoàn Phú Thái, Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank)… Tuy nhiên, những công cụ này vẫn còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, với sự giới hạn về kiến thức quản trị, sự khác biệt về văn hóa kinh doanh so với các tổ chức, doanh nghiệp phương Tây, nhiều doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng KPI nhưng chưa đạt được kết quả thành công như mong đợi. Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngoại thương đã quyết định đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nhân rộng áp dụng công cụ Chỉ số hoạt động chính (KPI) vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam năm 2018” do PGS, TS Nguyễn Xuân Minh chủ nhiệm

Thực hiện Quyết định số 3681/QĐ-ĐHNT ngày 13 tháng 12 năm 2019 về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia, ngày 20/12/2019, Trường Đại học Ngoại thương đã tiến hành họp hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia “Nhân rộng áp dụng công cụ chỉ số hoạt động chính (KPI) vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam năm 2018”; Mã số: 03.5/DA2-2018 do PGS, TS Nguyễn Xuân Minh làm chủ nhiệm tại Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh.

            Tham gia Hội đồng nghiệm thu cấp Cơ sở gồm có PGS, TS Lê Tấn Bửu – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (Chủ tịch Hội đồng), TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Trường Đại học Ngoại thương (Ủy viên – Thư ký), TS Nguyễn Thị Hoàng Anh – Trường Đại học Ngoại thương (Ủy viên – Phản biện), ông Nguyễn Đình Vũ – Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Ủy viên – Phản biện), TS Trần Thanh Long – Trường Đại học Kinh tế – Luật (Ủy viên), TS Trịnh Quốc Đạt – Trường Đại học Quốc tế (Ủy viên), ThS Nguyễn Xuân Vũ – Văn phòng Đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (Ủy viên). Bên cạnh đó, tham gia hội đồng còn có hơn 20 khách mời đến từ các tổ chức, doanh nghiệp mà đang thụ hưởng các kết quả nghiên cứu của đề tài, cụ thể như Công ty CP Thời trang phong cách trẻ, Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Nhân lực Toàn cầu, Công ty TNHH MTV Chopp, Công ty TNHH MTV Viễn Đông Sài Gòn, Công ty TNHH Logistics Hoàn Hảo, Công ty TNHH Sản Xuất TMDV Kiệt Thành, Công ty TNHH Quan Phong, Công ty TNHH Thông Quan,…

Hội đồng nghiệm thu đã lắng nghe PGS, TS Nguyễn Xuân Minh thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày vắn tắt các kết quả nghiên cứu của đề tài. Nội dung chính của Nhiệm vụ “Nhân rộng áp dụng công cụ Chỉ số hoạt động chính (KPI) vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam năm 2018” bao gồm 3 hợp phần và đã được thực hiện tuần tự theo thời gian đó là (1) Phổ biến, hướng dẫn áp dụng và chia sẻ kinh nghiệm áp dụng KPI cho  500 tổ chức, doanh nghiệp được thông qua các hội nghị, hội thảo tại các địa phương; (2) Đào tạo ứng dụng KPI cho 90 tổ chức, doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo tại các tỉnh/thành và (3) Trực tiếp hướng dẫn xây dựng và áp dụng thành công KPI cho 30 tổ chức, doanh nghiệp trong số các tổ chức, doanh nghiệp ở 3 miền Bắc, miền Trung và miền Nam phân bổ ở 5 nhóm ngành (Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng; Bán buôn và bán lẻ; Hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ; Giáo dục và đào tạo). Các kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần lan tỏa một công cụ quản trị hiện đại. Khi nhiều tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng KPI thành công thì năng suất lao động của doanh nghiệp, từng ngành và cả nước sẽ tăng lên. Từ đó, tăng trưởng kinh tế sẽ có tốc độ cao hơn, chất lượng tăng trưởng được cải thiện và phát triển bền vững. Do hạn chế về các nguồn lực phục vụ nghiên cứu, chương trình này tập trung vào 500 tổ chức, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế ở cả 3 miền. Trong đó, nhóm nghiên cứu lựa chọn và tư vấn triển khai KPI cho 30 tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu. Do vậy, nhóm nghiên cứu hy vọng các nghiên cứu tiếp theo về KPI với nguồn lực lớn hơn sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng kết quả nghiên cứu, góp phần lan tỏa rộng rãi hơn nữa công cụ này trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Sau khi nghe PGS, TS Nguyễn Xuân Minh – Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày các kết quả nghiên cứu của đề tài, các thành viên trong Hội đồng đã nhận xét, đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài. Sau thời gian thảo luận và nhận xét, thay mặt cho Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng PGS, TS Lê Tấn Bửu tổng kết và kết luận về đề tài nghiên cứu, cụ thể như sau:

Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài, các sản phẩm của đề tài và tài liệu cần thiết kèm theo của đề tài được chuẩn bị công phu, khoa học, phù hợp yêu cầu trong thuyết minh. Hội đồng đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của nhóm triển khai trong việc đảm bảo chất lượng, tiến độ triển khai với các thao tác, cách tiếp cận hoàn toàn phù hợp với đặc điểm đặc thù của tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hoạt động hiện nay và trong thời gian tới. Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ “Nhân rộng áp dụng công cụ chỉ số hoạt động chính (KPI) vào các tổ chức, doanh nghiệp việt nam năm 2018”; Mã số đề tài: 03.5/DA2-2018 thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Hội đồng đề nghị Trường Đại học Ngoại thương xem xét, triển khai các thủ tục cần thiết để đánh giá nghiệm thu cấp nhà nước và xem xét các phương án nhân rộng kết quả thực hiện hơn nữa, giúp các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng trong quá trình hoạt động.

Một số hình ảnh buổi nghiệm thu sơ bộ: 

TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Ủy viên Thư ký công bố Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài cấp Quốc gia
PGS, TS Nguyễn Xuân Minh – Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày kết quả nhiên cứu của đề tài
PGS, TS Lê Tấn Bửu – Chủ tịch Hội đồng cùng các thành viên Hội đồng chụp ảnh cùng PGS, TS Nguyễn Xuân Minh – Chủ nhiệm nhiệm vụ và các thành viên đề tài cùng các khách mời

(Ảnh: Phước Đức)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here