[vc_row][vc_column][vc_column_text]
* Applying theory to practical activities and building a sense of responsibility and political qualities for students in a high-quality program through extracurricular activities
In order to create an environment for students to practice thinking skills, solve real-world situations, build a sense of responsibility in the new era, and with the aim of training high-quality, brave and creative human resources, creative ability, adapting to the industrial revolution 4.0, in the first semester of the school year 2021-2022 the Faculty of Basic Sciences organized extracurricular activities for students with high-quality programs.
Nhằm tạo môi trường để sinh viên rèn luyện kỹ năng tư duy, giải quyết tình huống thực tế, xây dựng ý thức trách nhiệm trong thời đại mới và hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có bản lĩnh, khả năng sáng tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong học kỳ I năm học 2021 – 2022, Bộ môn Khoa học Cơ bản đã tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá cho sinh viên chương trình chất lượng cao. Thông qua hai hình thức: mời báo cáo viên từ doanh nghiệp và hướng dẫn sinh viên tham quan thực tế tại bảo tàng trên ứng dụng Teams Webinar, các hoạt động đã thu hút sự tham gia từ đông đảo sinh viên của nhiều khoá, lớp, chương trình đào tạo, cụ thể:
Ngày 29/10/2021, buổi tọa đàm về “Kinh nghiệm vận dụng kiến thức tin học vào thực tế hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp” do ông Bùi Bách Diệp – Sale Automation Manager, Công ty TNHH Nestle Việt Nam trình bày đã thu hút hơn 340 lượt sinh viên Khoá 58, 59, 60 tham dự. Ngoài việc giới thiệu các khái niệm liên quan tới tin học trong kinh doanh, ông Diệp cũng khẳng định Nestlé Việt Nam sẽ xây dựng động lực tăng trưởng bền vững được thiết lập dựa trên các trụ cột, bao gồm “Chuyển đổi số”, “Đổi mới – Người tiêu dùng là trọng tâm” và “Phát triển bền vững”. Trong đó, “Chuyển đổi số” được xác định là quá trình bao trùm toàn bộ cơ chế vận hành của công ty, giúp tạo ra nền tảng cho sự tăng trưởng, thúc đẩy tính linh hoạt, tạo ra sự hiệu quả trong quá trình quản lý và vận hành, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững chung của doanh nghiệp và cộng đồng. Năm nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của Nestlé Việt Nam gồm Định hướng chiến lược, Quản trị tập trung, Hạ tầng IT/OT, Nhân lực trình độ cao và Sự liên kết hỗ trợ.
Để đảm bảo thành công cho chuyển đổi số tại Nestlé Việt Nam, vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất chính là con người – chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì vậy, song song với việc bồi dưỡng, phát triển năng lực đội ngũ hiện có, Nestlé Việt Nam luôn chú trọng vào việc tuyển dụng người lao động từ khối ngành ngoại thương, kinh tế nhưng có tư duy, kiến thức về tin học, công nghệ, dữ liệu.
Nhằm giúp các bạn sinh viên có định hướng tốt hơn trên con đường phát triển nghề nghiệp, ông Diệp cũng chia sẻ cụ thể về quan điểm của Ban Giám đốc Nestlé Việt Nam: “Để thực hiện chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần có chiến lược, sự đầu tư đúng đắn cũng như ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, các công cụ phân tích kinh doanh để đem lại hiệu quả và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Điều quan trọng là tư duy lãnh đạo cùng lộ trình phát triển công nghệ rõ ràng kết hợp với việc bồi đắp năng lực nhân viên để thích nghi với sự chuyển mình của doanh nghiệp. Việc tuyển chọn và phát triển năng lực nhân viên nhằm hiện thực hóa, vận hành và duy trì hiệu quả doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Cuối cùng, đó chính là việc áp dụng đúng mô hình, lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô và sự phát triển của doanh nghiệp.”
Qua buổi trao đổi với báo cáo viên, rất nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên đã được giải đáp, từ việc áp dụng công nghệ để tăng doanh thu, tăng hiệu quả quản lý cho của hàng tạp hóa của gia đình, cho tới việc cần trang bị những kiến thức công nghệ nào để có thể đi đúng hướng, bắt kịp xu thế trên con đường nghề nghiệp. Như vậy, kiến thức tin học vững chắc thực sự đã trở thành một lợi thế cạnh tranh không thể thiếu nếu sinh viên muốn tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao với tốc độ, chu kỳ biến động nhanh hơn bao giờ hết.
Tiếp nối sự kiện trên, với mục đích giáo dục cho sinh viên về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Đồng thời tạo ra cảm hứng học tập dựa trên giá trị thực tiễn, ngày 04/11/2021, Bộ môn Khoa học Cơ bản đã tổ chức cho sinh viên chất lượng cao Khoá 58 tham quan trực tuyến về các nội dung trưng bày tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh.
Mở đầu chuyến tham quan là chuyên đề: “Những sự thật lịch sử”, chuyên đề trình bày tổng quan lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 qua những sự kiện quan trọng để từ đó giúp sinh viên hiểu rõ về quá trình can thiệp từ gián tiếp đến trực tiếp tham chiến của quân đội Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đặc biệt, nỗi đau không chỉ dừng lại kể từ lúc chiến tranh kết thúc, mà cho đến nay khi cuộc chiến tranh đã đi qua hơn 45 năm, những hậu quả mà nó để lại vẫn còn kéo dài, hậu quả ấy đã được tái hiện thông qua chuyên đề “Tội ác chiến tranh xâm lược” và “Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam”
Ở hai chuyên đề này, thuyết minh viên dẫn dắt sinh viên tiếp cận lần lượt hình ảnh của hai trong số nhiều vụ thảm sát mà quân đội Mỹ đã gây ra (thảm sát ở Thạnh Phong và thảm sát ở Sơn Mỹ). Cùng với các cuộc hành quân càn quét và thảm sát ở miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ không chỉ sử dụng các loại bom đạn gây sát thương hàng loạt mà còn sử dụng cả vũ khí chất độc hoá học vào mục đích quân sự nhằm: Phá hủy rừng và một phần diện tích đất canh tác để triệt hạ căn cứ đóng quân của quân du kích và quân giải phóng; Dồn dân vào các ấp chiến lược hoặc những nơi do chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ kiểm soát; Phá hủy một phần những yếu tố dinh dưỡng có trong môi trường sống. Qua đó, sinh viên thấy được những ảnh hưởng nặng nề của chất độc hoá học này đối với thiên nhiên và con người Việt Nam. Có những nạn nhân sinh ra khi đất nước đã hoà bình nhưng lại gánh chịu nỗi đau da cam, cơ thể khiếm khuyết, tật nguyền những vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, thể hiện khát khao được sống, được cống hiến cho đời và chung tay đẩy lùi nỗi đau chiến tranh.
Chuyên đề cuối cùng – “Chuồng cọp”, không gian trưng bày gồm các xà lim, các đòn tra tấn và chiếc máy chém được Pháp mang sang Việt Nam để đàn áp phong trào cách mạng, sau đó chính quyền Ngô Đình Diệm đã kéo lê máy chém đi khắp các tỉnh thành miền Nam Việt Nam để hành quyết những người yêu nước. Thuyết minh viên ví các xà lim này như địa ngục trần gian bởi tính tàn bạo của những đòn tra tấn mà cai ngục đã dùng đối với những người tù. Mẫu số chung lớn nhất không gì khác ngoài mục tiêu tiêu diệt tinh thần và thể xác của người tù bằng đòn roi, tật bệnh, sự khắc nghiệt của chốn lao tù.
Khép lại chuyến hành trình, tiếng “Chuông hoà bình” vang lên như lời cầu nguyện cho nền hoà bình của nhân loại. Chỉ trong hòa bình mới phát huy hết được sức mạnh tổng hợp của đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Giữ gìn hòa bình, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là trách nhiệm của thanh niên.
Sau đây là một số hình ảnh của các buổi ngoại khoá ngày 29/10/2021 và ngày 4/11/2021
[/vc_column_text][/vc_column][/vc_row]