*Five excellent start-up projects of students from FTU-HCMC Campus selected to enter the Hult Prize Southeast Asia Regional 2021
The Hult Prize is a prestigious global social start-up competition. Starting in 2013 in Vietnam, Hult Prize has become a familiar creative start-up playground for students of FTU-HCMC Campus. Students from first to last year have attended with unique, feasible projects and gained many achievements. Especially in 2021, there are five excellent start-up projects of students from FTU-HCMC Campus selected to enter the Hult Prize Southeast Asia Regional 2021.
Hult Prize – Sân chơi kinh tế toàn cầu nhiều tài năng Ngoại thương Cơ sở II tỏa sáng
Hult Prize là cuộc thi khởi nghiệp xã hội danh giá có quy mô toàn cầu, được sáng lập bởi Ahmad Ashkar, nhận sự bảo trợ từ cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Liên Hợp Quốc, cùng với trường Đại học Hult International Business School. Cuộc thi được tổ chức cho sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ trên toàn thế giới với giải thưởng lên đến 1.000.000 USD dành cho ý tưởng sáng tạo nhất trong lĩnh vực khởi nghiệp xã hội, giúp giải quyết các thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Được lựa chọn tiến sâu vào các vòng bán kết khu vực và chung kết toàn cầu là niềm vinh dự không chỉ của các đội thi, các thí sinh mà còn là niềm tự hào của các tổ chức giáo dục và quốc gia.
Năm 2013, lần đầu tiên Hult Prize được khởi động tại Việt Nam, sinh viên Ngoại thương đã mạnh dạn đăng ký tham dự với những dự án độc đáo, khả thi và tạo nên tiếng vang lớn khi Đội tuyển gồm 5 sinh viên năm 4 của Cơ sở II vinh dự trở thành đại biểu duy nhất của Việt Nam bước vào vòng thi khu vực châu Á tại Thượng Hải và đạt giải Nhì chung cuộc. Tiếp nối thành công của năm 2013, Hult Prize các mùa sau được sinh viên Ngoại thương hưởng ứng tích cực và để lại nhiều dấu ấn nhất định.
Đến năm 2019, nhóm Gaplink đến từ Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương, với dự án tổ chức các chương trình gap year cá nhân hóa cho thanh niên Việt Nam từ 18 đến 20, đã giành tấm vé vào vòng Hult Prize Regionals 2019. Năm 2020, đội ENZIMA của Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP. HCM đã vô cùng xuất sắc khi trở thành quán quân Hult Prize Đông Nam Á 2020 và viết nên lịch sử khi chính thức trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam trong suốt hơn 10 năm tiến thẳng đến vòng Global Accelerator tại Boston, Hoa Kỳ. Chiến thắng của Enzima đã trở thành một cột mốc đặc biệt trong hành trình chinh phục các đấu trường học thuật quốc gia và quốc tế của sinh viên Cơ sở II.
Đặc biệt năm nay, có 5 dự án chính thức đến từ Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương xuất sắc được lựa chọn vào vòng bán kết Hult Prize Đông Nam Á 2021. Đa phần, các thí sinh đều là những bạn sinh viên năm nhất và năm hai nhưng ý tưởng lại vô cùng đột phá, bao gồm:
(1) BALTURO với dự án “FOOD FOR SOIL” – chuyển đổi thức ăn thừa thành phân bón hữu cơ thông qua việc ứng dụng hệ thống thu gom rác thải và công nghệ lên men vi sinh.
(2) SHOWCIAL – nền tảng cung cấp cho các siêu thị và cửa hàng thực phẩm cập nhật những thông tin về thực phẩm gần đến hạn sử dụng, giúp cho khách hàng đưa ra quyết định mua hàng phù hợp.
(3) THE CONTINGENCY với dự án SWEEDY – chủ đề “bao bì rong biển” nhằm thúc đẩy ngành rong biển Việt Nam ngày càng phát triển cũng như bảo vệ môi trường bằng cách tạo thói quen hạn chế sử dụng đồ nhựa của người tiêu dùng.
(4) SN TEAM với nền tảng “CONNEXIO”, đây là một nền tảng kết nối thực phẩm tươi và lành mạnh với người tiêu dùng thông qua trang web / ứng dụng, được hình thành dưới dạng phương tiện truyền thông xã hội.
(5) FANTASTIC FOUR OF FTU2 – dự án áp dụng mô hình rác thải thực phẩm của HKCC (Hong Kong Community Compost) giúp giải quyết rác thải thực phẩm mà còn sử dụng rác thải đó để sản xuất phân hữu cơ và thức ăn chăn nuôi heo sạch và bán.
Trong tháng 3/2021, các đội thi sẽ phải vượt qua những thử thách đầy cam go, thách thức tại Hult Prize Đông Nam Á 2021, được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh để giành được tấm vé tiếp tục chinh chiến trên đấu trường quốc tế.
Sinh viên Cơ sở II khẳng định thương hiệu Ngoại thương tại các cuộc thi trong nước và quốc tế
Không chỉ có Hult Prize, sinh viên Cơ sở II đã góp phần giúp thương hiệu trường Đại học Ngoại thương vươn tầm cao mới, các bạn đã tích cực tham gia thử sức, tranh tài và đạt được rất nhiều chiến thắng trong các cuộc thi học thuật, chuyên ngành về kinh tế, từ lĩnh vực tài chính, nhân sự cho đến marketing,… với phạm vi quốc gia, khu vực, quốc tế như Phân tích đầu tư tài chính (CFA Research Challenge Vietnam), Ý tưởng kinh doanh Unilever Future Leaders League, Chiến lược kinh doanh khu vực Đông Nam Á của ICAEW, Giải Quyết Tình Huống Kinh Doanh Quốc Tế (KICC) của KPMG, The Fresh Connection APICS – Global Student, Bản lĩnh Nhà đầu tư, Học sinh – sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức…Dù là cuộc thi ở quy mô quốc gia hay quốc tế, sinh viên Cơ sở II đều đạt được những thành tích đáng tự hào.
Tiêu biểu là giải Nhất cuộc thi “CFA Research Challenge Vietnam 2018-2019”, giải Nhất cuộc thi “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng năm 2018”, giải Nhì cuộc thi “The Fresh Connection APICS Global Student Challenge tại Thượng Hải, Trung Quốc”, giải Nhất cuộc thi “CFA Institute Research Challenge Vietnam 2017-2018”, giải Nhất cuộc thi “CFA Institute Research 2017”, Giải nhì cuộc thi “The Global student Challenge” 2017 tại Hà Lan…
Những thành tích của sinh viên Ngoại thương tại các cuộc thi trong và ngoài nước những năm qua không chỉ khẳng định tài năng, hoài bão, sự bản lĩnh và tâm thế sẵn sàng chinh phục mọi khó khăn, thử thách mà còn thể hiện ý thức, sự trăn trở, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay với cộng đồng và các vấn đề sống còn của nhân loại.
Ngoại thương Cơ sở II hướng đến chuẩn quốc tế và đào tạo sinh viên trở thành những công dân toàn cầu
Cơ sở II nói riêng và Trường Đại học Ngoại thương nói chung là nơi phát hiện và nuôi dưỡng tiềm năng của người học; nơi biến các ước mơ của người học thành hiện thực. Nhà trường luôn khuyến khích động viên người học phát huy hết năng lực, sự đam mê, tinh thần sáng tạo của mình. Lãnh đạo Nhà trường cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động khởi nghiệp nhằm tạo ra môi trường phát triển toàn diện cho sinh viên, kiến tạo nền móng vững chắc để sinh viên có thể tự tin khẳng định giá trị trong môi trường làm việc quốc tế. Cũng qua đó cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn với sinh viên Ngoại thương, sinh viên có thể làm việc trong các doanh nghiệp, tập đoàn quốc gia, quốc tế, trong các cơ quan, ban ngành Nhà nước, hoặc có thể tự khởi nghiệp ….
Nhà trường thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức trong việc tài trợ, hỗ trợ chuyên môn cũng như tổ chức chuỗi các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, các chương trình như Hội thảo chia sẻ các ý tưởng, kinh nghiệm khởi nghiệp và sáng tạo của các nhãn hàng thành công,…Đồng thời, Giảng viên Cơ sở II tham gia làm Cố vấn các câu lạc bộ về kinh doanh, khởi nghiệp của sinh viên như Câu lạc bộ Chứng khoán (SESC), Đội ý tưởng kinh doanh (BIT), Câu lạc bộ Phát triển nguồn nhân lực (HUC), Câu lạc bộ Kinh doanh và tiếng Anh (BEC), Câu lạc bộ Kỹ năng doanh nhân (AC), Câu lạc bộ Quản trị kinh doanh (BAC), Cộng đồng khởi nghiệp trẻ Ngoại thương (EHUB), Câu lạc bộ Nhà kinh tế trẻ (YEC)… Câu lạc bộ là cầu nối giữa giảng viên, sinh viên với doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các bạn sinh viên giao lưu, học hỏi bí quyết thành công với những doanh nhân thành đạt. Đây còn là môi trường trải nghiệm tốt cho các bạn sinh viên muốn học hỏi kỹ năng, kết nối những người cùng chung niềm đam mê, ý tưởng kinh doanh; điều đó đã tạo động lực và cảm hứng cho các thế hệ sinh viên tiếp theo.
Khi được phỏng vấn về cảm nhận của sinh viên đối với các hoạt động hỗ trợ của Nhà trường, Đại diện Đội The Contingency chia sẻ: “Cơ sở II Trường Đại học Ngoại Thương là một môi trường học tập năng động, trường có rất nhiều cuộc thi, đề tài cho sinh viên tham gia, tự tìm hiểu mình, góp phần giúp nhóm mình và rất nhiều các bạn sinh viên định hướng được bản thân: “Tôi là ai, tôi đang đứng ở đâu và tôi sẽ làm gì để phát triển”. Ngoài ra, Ngoại Thương còn giúp các sinh viên trải nghiệm nhiều điều hay, như cách làm việc trong một cộng động, hay cụ thể hơn đã kết nối doanh nghiệp với sinh viên trong thời gian còn đang trên ghế nhà trường, giúp sinh viên trải nghiệm làm việc dưới áp lực công việc và biết quản lý thời gian hợp lý. Chúng mình đã đặt rất nhiều kỳ vọng cho Ngoại Thương và kết quả đã không làm chúng mình thất vọng. Nhóm mong rằng trường có thể tạo ra nhiều chương trình, cơ hội để tiếp tục đào tạo các thế hệ sinh viên ngày một xuất sắc hơn, bản lĩnh hơn, gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.”
Về phía Cơ sở II, PGS, TS Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc Cơ sở II chia sẻ “Ở Ngoại thương mỗi cá nhân đều mang trong mình sự độc đáo với những điểm nhấn riêng biệt nhưng tất cả đều hướng tới một tinh thần Ngoại Thương sẵn sàng hòa nhập, sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ, phấn đấu để thích nghi, để cống hiến và ngày một vươn lên. Mỗi thế hệ con người Ngoại thương luôn nhiệt tình, chủ động khám phá, chấp nhận các thử thách mới và vượt qua những giới hạn của chính mình. Với sự tự hào về truyền thống 60 năm hình thành và phát triển cùng với sự chuyển mình trong kỷ nguyên số, Cơ sở II nói riêng và Trường Đại học Ngoại thương nói chung quyết tâm xây dựng được môi trường giáo dục đại học đổi mới sáng tạo, là nơi đào tạo những công dân toàn cầu, là bệ phóng cho các ước mơ, hoài bão của người học và mang đến các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.”