Chương trình kết nối chuyên môn: Phát triển tài nguyên số nội sinh – Từ chính sách đến thực tiễn

432

Endogenous digital resource is an important component in digital libraries, contributing to service quality and meeting the needs of users in the digital era. In order to improve and standardize the process of supplementing and developing endogenous digital learning resources at Foreign Trade University – HCMC Campus as well as improve the ability to serve and support researching, teaching and learning requirements of officials and learners; On September 23 th 2022, the Central Library of Foreign Trade University held a meeting to exchange expertise with the Library department of FTU – HCMC Campus and the Library department of FTU – Quang Ninh Campus with the theme “Development of endogenous digital resource – From policy to reality” on MS teams.

Tài nguyên số nội sinh là một bộ phận cấu thành quan trọng của thư viện số trường đại học góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng trong kỷ nguyên số. Nhằm cải tiến, chuẩn hóa quy trình bổ sung và phát triển nguồn học liệu số nội sinh tại Cơ sở II ĐH Ngoại thương, đảm bảo khả năng hoàn thành chỉ tiêu chiến lược của nhà trường, nâng cao khả năng phục vụ, hỗ trợ nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập của viên chức và người học; ngày 23/09/2022, Thư viện Trung tâm trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức buổi kết nối, trao đổi chuyên môn với Thư viện Cơ sở II tại TP.HCM và Cơ sở Quảng Ninh với chủ đề “Phát triển tài nguyên số nội sinh –  Từ chính sách đến thực tiễn” trên nền tảng trực tuyến MS Team.

Chương trình kết nối có sự tham gia của Ban Giám đốc Thư viện Trung tâm, ThS Nguyễn Thị Thanh Ngần – Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ, Chuyên viên Trần Mạnh Cường – Tổ trưởng Tổ số hóa; cùng toàn thể viên chức Ban Thư viện tại Cơ sở II và Thư viện cơ sở Quảng Ninh.

tai-nguyen-so-noi-sinh
Các thành viên tham dự chương trình kết nối “Phát triển tài nguyên số nội sinh”

Mở đầu chương trình, ThS Hoàng Vũ, Giám đốc Thư viện Trung tâm đã ngỏ lời cảm ơn đến Cơ sở II đã có ý tưởng về các chương trình kết nối chuyên môn, tạo cơ hội để Thư viện các cơ sở có cơ hội trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm công tác. Giám đốc hy vọng rằng hoạt động này sẽ được duy trì định kỳ để các viên chức có thể tăng cường chia sẻ, phối hợp, gia tăng tính gắn kết giữa viên chức thuộc thư viện các cơ sở và để cùng nhau phát triển. Cũng nhân dịp này, ThS Bùi Thị Hoàng Oanh, Trưởng ban Thư viện Cơ sở II cũng gửi lời cảm ơn đến Ban Giám đốc Thư viện Trung tâm và viên chức của các Thư viện đã dành thời gian hỗ trợ và tham dự buổi kết nối. Bà Oanh cũng gửi lời cảm ơn Ban Giám đốc Thư viện Trung tâm đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Thư viện Cơ sở II luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và mong rằng Thư viện của 3 cơ sở sẽ có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu cũng như tăng cường hơn nữa sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong tương lai để cùng phát triển, đổng thời cảm ơn hai tổ trưởng của Thư viện Trung tâm đã tham dự và là báo cáo viên cho buổi kết nối.

Trong chương trình kết nối, ThS Nguyễn Thị Thanh Ngần và Chuyên viên Trần Mạnh Cường – báo cáo viên của chương trình lần lượt trình bày về quy trình thu thập, tiếp nhận và số hóa nguồn học liệu nội sinh tại Thư viện Trung tâm. Trong đó, các phương thức và yêu cầu về thiết bị, phần mềm, chuẩn biên mục và các kinh nghiệm xử lý, biên mục, số hóa thực tiễn cũng được hai thạc sỹ nhiệt tình chia sẻ.

Trong không khí thân tình, cởi mở của buổi kết nối, Ban Giám đốc Thư viện Trung tâm cũng đã có nhiều chia sẻ bổ ích về Luật Sở hữu trí tuệ, các kế hoạch phát triển học liệu số và đồng bộ dữ liệu cả ba cơ sở trong tương lai. Bên cạnh đó, các thành viên tham dự cũng đã có nhiều câu hỏi, thắc mắc và được Giám đốc Thư viện Trung tâm cũng như các báo cáo viên nhiệt tình giải đáp.

Kết thúc chương trình kết nối, các viên chức đã tích lũy thêm được nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong hoạt động phát triển nguồn học liệu số nội sinh tại Cơ sở II, đồng thời gia tăng thêm mối liên kết giữa các Thư viện thuộc ba cơ sở./.