Home GIỚI THIỆU Gương mặt FTU Phạm Hoàng Thiên Phú – Nhà vô địch CFA Institute Research Challenge 2016-2017

Phạm Hoàng Thiên Phú – Nhà vô địch CFA Institute Research Challenge 2016-2017

Phạm Hoàng Thiên Phú – Nhà vô địch CFA Institute Research Challenge 2016-2017

736-pham-hoang-thien-phu

Vừa qua, sinh viên lớp K52B – bạn Phạm Hoàng Thiên Phú đã xuất sắc giành được giải vô địch tại cuộc thi phân tích của viện CFA vòng Local (CFA Institute Research Challenge mùa thi 2016-2017). Trước đó, Phú còn đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt hai năm học liên tiếp và học lực đạt loại xuất sắc.
Thành tích ấn tượng
Suốt bốn năm đại học, Thiên Phú luôn gây ấn tượng với Thầy, Cô, bạn bè bằng hình ảnh một anh chàng trai năng nổ trong các hoạt động và chủ động với học tập. Giữ chức vụ Chủ nhiệm CLB Chứng khoán trường ĐH Ngoại thương Cơ sở II-SeSC (Securities Studying Club) trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp 2014-2015 và 2015-2016 với nhiều công tác nhưng Phú vẫn cân bằng được việc học. Đến năm thứ tư, điểm trung bình tích lũy của cậu bạn sinh viên lớp K52B đạt 8.63/10 (3.66 theo hệ 4), xếp hạng nhì lớp.
Tuy nhiên, dấu ấn đáng chú ý nhất về Thiên Phú chắc chắn là giải vô địch tại cuộc thi CFA Institute Research Challenge mùa thi mới nhất 2016-2017. Được biết, cậu bạn sinh viên K52B có một niềm đam mê mãnh liệt với đầu tư và cuộc thi CFA Research Challenge có thể được xem là cuộc thi tốt nhất dành cho sinh viên yêu thích lĩnh vực này. Khi tham gia cuộc thi, các thi sinh sẽ được trải qua đúng một quy trình làm việc của một chuyên viên phân tích thực thụ, từ việc lấy dữ liệu, thông tin, gặp gỡ công ty niêm yết, làm việc với chuyên gia đầu ngành như trưởng phòng phân tích các công ty chứng khoán, phân tích, định giá và trình bày báo cáo bằng tiếng Anh cũng như thuyết trình thuyết phục các nhà đầu tư nên mua, nắm giữ hay bán cổ phiếu.
Để thành công, “có đam mê là có tất cả”
Chia sẻ về việc đạt được thành tích cao, Thiên Phú khiêm tốn cho biết có hai yếu tố quan trọng nhất với mình, một là sự giúp đỡ rất quý báu và nhiệt tình của các thầy cô bộ môn Tài chính của trường, mentor của đội và các anh chị của các đội thi các năm trước. Mỗi lần phản biện là mỗi lần đội học được rất nhiều thứ mới áp dụng vào bài, nhận những lỗi sai và khắc phục. Thứ hai là sự gắn kết và nhiệt huyết của các bạn trong nhóm. Cùng thời gian diễn ra cuộc thi đội có 3 bạn viết Khóa luận tốt nghiệp, các bạn còn lại cũng tham gia thi nhiều cuộc thi khác. Nhưng gần deadline tầm 2 tuần nhóm rất tập trung, năng suất đột ngột tăng, thức khuya, tập nói đến mệt mỏi và thuộc luôn bài nói đứa khác.
Không có thành công nào là đơn giản và dễ đạt được, với Thiên Phú cũng không ngoại lệ. Cậu bạn cho biết thời gian tham gia cuộc thi CFA gặp phải rất nhiều khó khăn như: tìm thiếu data; chạy mô hình định giá bị sai, v…v… Có một điều ít ai biết rằng trước khi giành chức vô địch, Thiên Phú và những người bạn của mình từng thi CFA RC một năm về trước và…rớt vòng loại của trường. Chia sẻ về kỉ niệm này, Phú tự nhận xét: “Thầy cô có bảo là do còn non và xanh, hay thời gian thi trùng với môn căng thẳng của ngành Tài chính, nhưng mình tin chắc do khi ấy tiếng Anh mình kém trong khi cuộc thi yêu cầu 100% tiếng Anh. Mình xin trích lại câu mà thầy từng trích: “The limits of my language mean the limits of my world”.”
Khi được hỏi về kinh nghiệm trau dồi bản thân, trở thành anh chàng sinh viên xuất sắc như ngày hôm nay, Thiên Phú đã không ngần ngại “gạch đầu dòng” gửi lời khuyên tới các bạn sinh viên khóa sau như sau:
1. Học tiếng Anh và có bằng IELTS càng sớm càng tốt. Khi đã quyết định đi thi thì phải đặt mục tiêu cụ thể, để đạt điều này bạn hãy vạch ra chiến lược học tập và đóng tiền đi thi. Đây là một trong những kinh nghiệm xương máu. Mình thề thốt với lòng là năm nhất năm 2 sẽ thi, nhưng “dòng đời xô đẩy”, tự viện lý do “còn 2 năm nữa mà”. Tới năm 3 quyết tâm đi học ở KTDC cuối năm thi, xong bận chạy chương trình nên ngại không đóng tiền đi thi, bỏ xó lần n. Đầu năm tư tính đi thi nhưng ngại vì đang thi CFA RC cùng với Khóa luận nữa nên hoãn, bỏ xó lần n+1. Gần cuối năm 4, đóng tiền và có hơn 1 tháng học hành chăm chỉ do áp lực của 4 triệu rưỡi, và mình đã hoàn tất bài thi gần đây, đến lúc này mình vẫn chưa có điểm (sẽ có trước khi mình nhận bằng tốt nghiệp) nhưng chắc chắn từ 6.5 trở lên và dưới 9. Câu chuyện ở trên cho thấy mình cũng rất tầm thường, hay tự huyễn hoặc, thích viện lý do và rất lầy, nên mình hy vọng các bạn không vướng vào vòng xoáy luẩn quẩn này như mình.
2. Có đam mê là có tất cả. Đam mê tìm thế nào thì các bạn có thể coi clip thần tượng của mình, thầy Lê Thẩm Dương.
3. Ai nói điểm số không quan trọng thì họ đang lừa mình đấy. Một người điểm trung bình cao thì người ta có thể đoán được họ đã có những tháng ngày học hành đàng hoàng, nghiêm túc với việc học. Nhưng mà các bạn đừng lo vụ này, ở Ngoại thương thì các bạn nên nghe giảng ít nhất 95% với những môn quan trọng (với mình những môn có chữ Tài chính hay đầu tư là quan trọng) và 5% đối với những môn không quan trọng, cuối cùng là phải ôn tập thật kĩ trước khi thi (nếu trước đó bạn quá bận).
4. Đọc, đọc, đọc. Đọc sách là một việc khá khó, mỗi cuốn sách là cả một quá trình gian nan, mỏi mắt, nhức đầu, đói bụng, buồn ngủ, chán nản, đau thần kinh tọa…. Nhưng đọc xong có cái lên lớp chém gió, có ý tưởng cho các bài thuyết trình, có nội dung để đi cưa cẩm người khác, có cái mà khác biệt với người ta. Sách hay thì các bạn tìm kiểu “Top 10 finance books of all time”, top này top nọ hay hỏi thầy cô xem nên đọc cuốn nào.
Sau những chia sẻ rất thật và chi tiết của Thiên Phú, hi vọng các bạn sinh viên sẽ tham khảo và tự tạo lập bí quyết thành công cho riêng mình nhé. Chúc Thiên Phú sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường mình lựa chọn!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here