Khi thấy một người có dấu hiệu khuôn mặt bị mất cân đối, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó, khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể, hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc, giọng nói bị ngọng…thì có thể người đó đã bị đột quỵ não, hãy gọi ngay cấp cứu.
1. Ai dễ mắc bệnh nhồi máu não?
Đột quỵ não (hay tai biến mạch não) bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não, là tình trạng tổn thương mạch máu não đột ngột dẫn đến nhiều biến chứng thần kinh nặng nề. Nhồi máu não là tình trạng động mạch não bị hẹp hoặc tắc khiến lưu lượng máu tại vùng não do động mạch đó phân bố giảm trầm trọng, gây hoại tử và mất chức năng vùng não đó, và gây ra các triệu chứng thần kinh tương xứng vùng não đó bị tổn thương.
Nguyên nhân gây nhồi máu não gồm:
– Huyết khối (thrombosis): tổn thương mạch máu não (xơ vữa, viêm mạch) khiến huyết khối tích tụ tại chỗ tăng dần, gây tắc mạch máu não.
– Tắc mạch (embolism): huyết khối được hình thành từ mạch máu bên ngoài não (từ tim, động mạch cảnh) hoặc tắc mạch khí, tổ chức phần mềm dập nát, di chuyển theo mạch máu não lên, đến mạch có tiết diện nhỏ không đi qua được sẽ gây tắc mạch.

Yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não:
– Người cao tuổi, nằm lâu tại chỗ, béo phì, rối loạn mỡ máu, rối loạn đông máu.
– Người có bệnh tim mạch (xơ vữa mạch, tiền sử huyết khối, rung nhĩ, viêm nội tâm mạc), đái tháo đường, xơ gan, suy thận, viêm mạch trong bệnh tự miễn, ung thư: làm gia tăng nguy cơ tạo huyết khối.
– Người có bệnh lý khác tại não: u não, áp xe não, viêm não màng não, hẹp mạch não.
2. Dấu hiệu nhận biết nhanh người bị đột quỵ
Người bệnh xuất hiện đột ngột cách triệu chứng thần kinh: đau đầu, buồn nôn, nôn; liệt khu trú (liệt nửa người, liệt dây thần kinh sọ); rối loạn ý thức; rối loạn cơ tròn (bí đái, tiểu không tự chủ, táo bón); rối loạn thần kinh thực vật (thay đổi mạch, huyết áp, nhiệt độ); co giật; rối loạn tâm thần. Tùy vị trí tổn thương sẽ có nhóm các tổn thương tương ứng vùng não chi phổi bị tắc mạch.
Nếu diện nhồi máu rộng hoặc xuất huyết não trên nền nhồi máu, Người bệnh có thể xuất hiện biến chứng hôn mê, phù não, nguy cơ tụt kẹt não và chết não. Người bệnh hôn mê nằm lâu có nguy cơ sặc, viêm phổi, suy hô hấp, suy dinh dưỡng, loét tì đè, teo cơ cứng khớp, suy kiệt và không qua khỏi.
3. Điều trị bệnh nhồi máu não
Tuân theo nguyên tắc cấp cứu: ưu tiên ổn định đường thở, hô hấp, mạch huyết áp. Đặt ống nội khí quản, thở máy, an thần, chống phù não nếu người bệnh hôn mê sâu.
Sau đó có thể cân nhắc thủ thuật tái thông mạch não nếu đúng chỉ định về tình trạng bệnh nhân, thời gian diễn biến bệnh và xét nghiệm máu:
Dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch: người bệnh khởi phát triệu chứng dưới 4,5 giờ, thỏa mãn nhiều chỉ định và chống chỉ định.
Lấy huyết khối bằng dụng cụ: thường chỉ định cho những trường hợp đến muộn sau 4,5 giờ, không dùng thuốc tiêu sợi huyết được, thỏa mãn một số điều kiện và thường chỉ thực hiện được tại một số trung tâm cấp cứu đột quỵ lớn.
Chăm sóc hỗ trợ, điều chỉnh các tình trạng bệnh đi kèm (ví dụ như sốt, nhiễm trùng, thiếu ô xy, mất nước, tăng đường máu, tăng huyết áp).
Dự phòng và điều trị các biến chứng là rất quan trọng trong giai đoạn cấp tính cũng như giai đoạn hồi phục. Phục hồi chức năng sớm vừa hỗ trợ Người bệnh tránh biến chứng, vừa giúp người bệnh nhanh chóng trở về trình trạng bình thường trước đây.
Kết hợp truyền thông giáo dục sức khỏe, thay đổi lối sống, kiểm soát bệnh lý nền để tránh gây tái phát đột quỵ não.
4. Tiên lượng bệnh nhồi máu não
Tỷ lệ tử vong chung ở 30 ngày sau nhồi máu não là 19% và tỷ lệ sống sót sau 1 năm đối với bệnh nhân nhồi máu não là 77%. Tuy nhiên, tiên lượng sau nhồi máu khác nhau giữa các bệnh nhân, tùy thuộc vào mức độ nhồi máu và những bệnh lý kèm theo, tuổi, cũng như các biến chứng sau nhồi máu.
Các yếu tố chính làm gia tăng nguy cơ liên quan đến tử vong sớm sau nhồi máu bao gồm: tuổi, điểm NIHSS cao, điểm Rankin sửa đổi > 0, tiền sử có bệnh tim, tiểu đường.
Nhồi máu não do suy tim cấp và rối loạn nhịp tim có tiên lượng xấu sau 3 tháng điều trị. Tăng đường huyết nặng có liên quan đến tiên lượng xấu và giảm kết quả tái tưới máu bằng thuốc tiêu sợi huyết, cũng như lan rộng khu vực nhồi máu.

BE FAST là cụm từ bao gồm 6 chữ cái, mỗi chữ mô tả một dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ:
• B (BALANCE): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
• E (EYESIGHT): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
• F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, người bệnh có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi người bệnh cười mở miệng lớn.
• A (ARM): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
• S (SPEECH): Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
• T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Nên nhớ rằng khi nhận thấy những dấu hiệu người bệnh bị đột quỵ thì thời gian là vô cùng quan trọng. Bạn nên gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong lúc chờ cấp cứu bạn NÊN làm những việc sau:
– Dìu người bệnh tránh để bệnh nhân bị té ngã, chấn thương.
– Để người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, kê cao đầu từ 20-30 độ
– Nếu người bệnh còn tỉnh, hỏi thăm thông tin của người bệnh: tên họ, số điện thoại người thân, tình trạng bệnh lý mãn tính, để có thể trao đổi tình trạng người bệnh khi nhân viên 115 tới.
– Nếu người bệnh bị nôn để bệnh nhân nghiêng 45 độ, móc hết đàm, nhớt để tránh gây ngạt người bệnh.
– Nếu người bệnh bị ngất, kiểm tra mạch của người bệnh. Nếu người bệnh bị ngưng tim thực hiện ngay hồi sức tim phổi (hô hấp nhân tạo), bạn có thể gọi 115 để được hướng dẫn khi bạn không biết cách làm.
Những việc bạn KHÔNG NÊN làm:
– Không tụ tập đông người xung quanh người bệnh.
– Không tự ý xoa dầu nóng, cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay.
– Không cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào.
Nguồn:
– https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-nhan-biet-nhanh-nguoi-bi-dot-quy-can-goi-ngay-cap-cuu-169250327155410934.htm
– https://dotquy.kcb.vn/hieu-dung-ve-dot-quy/dot-quy-la-gi-/be-fast-dau-hieu-nhan-biet-som-ve-dot-quy.html
Kính chúc Quý Thầy/Cô, Sinh viên thật nhiều sức khỏe!