In the interview series with FTU Alumni and Industry Professionals: Financial Management Insights from Experts
The Faculty of Business Administration & Finance – Accounting, Foreign Trade University – HCMC Campus has launched a series of special interviews with top industry managers and experts, aiming to provide practical experience and in-depth knowledge to students majoring in Finance. Our faculty was honored to introduce Mr. Đồng Quang Trung – Shareholder Relations – Corporate Secretary at Vinamilk, Vilico, and Moc Chau Milk. Through profound conversations around his work and industry experiences, we hope that students will gain valuable insights and receive useful career advice. This will help them better understand their field of study and prepare more effectively for their future careers.
Nhằm bổ sung kinh nghiệm thực tế và kiến thức chuyên sâu cho sinh viên ngành Tài chính, Bộ môn Quản trị Kinh doanh; Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Ngoại thương – Cơ sở II tại TP.HCM đã thực hiện chuỗi bài phỏng vấn đặc biệt với các các nhà quản lý và chuyên gia đầu ngành. Chúng tôi đã có vinh hạnh được thực hiện bài phỏng vấn với anh Đồng Quang Trung – chuyên gia phụ trách Quan hệ cổ đông tại Vinamilk, kiêm thư ký quản trị công ty tại Vinamilk, Vilico và Sữa Mộc Châu. Từ những cuộc trò chuyện sâu sắc xoay quanh những chia sẻ về công việc và trải nghiệm trong ngành, hy vọng các bạn sinh viên sẽ tiếp nhận được những thông tin giá trị cũng như có cho mình những lời khuyên hữu ích về nghề nghiệp, giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành học và chuẩn bị tốt hơn cho công việc tương lai.
1. Chào anh Trung, rất cảm ơn anh đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn. Trước tiên, anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và hành trình làm việc trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp được không ạ?
Chào các bạn sinh viên, mình là Đồng Quang Trung – hiện đang phụ trách Quan hệ cổ đông tại Vinamilk kiêm thư ký quản trị công ty tại Vinamilk, Vilico và Sữa Mộc Châu. Mình đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kiểm toán, đầu tư và quản trị doanh nghiệp.
Trước khi gia nhập Vinamilk, mình từng làm kiểm toán viên tại Big 4 và phân tích cổ phiếu tại công ty chứng khoán. Quá trình làm việc giúp mình tiếp cận với nhiều khía cạnh khác nhau của tài chính – từ lập kế hoạch, kiểm soát, phân tích hiệu quả đầu tư cho đến truyền thông tài chính với cổ đông và thị trường.
2. Trong quá trình phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, anh đã gặp những khó khăn và thử thách nào đáng nhớ nhất? Anh đã vượt qua chúng ra sao?
Tài chính là một ngành rất rộng với nhiều cơ hội nghề nghiệp nên việc định hướng con đường phù hợp để đi lâu dài theo mình là khó khăn nhất. Dù đi sai đường đôi lúc cũng dẫn chúng ta đến những kết quả bất ngờ thú vị như việc đi lạc khi du lịch ở một thành phố mới, nhưng nhìn chung việc chọn đúng hướng sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và tăng hiệu quả cho hành trình.
Nói về con đường, các lựa chọn phổ biến gồm tài chính doanh nghiệp, ngân hàng, dịch vụ tài chính, đầu tư, fintech v.v. Mình cũng xuất phát từ dịch vụ tài chính ở vai trò kiểm toán viên, và cũng từng có những năm loay hoay với việc tìm ra hướng đi sau đó. Nhìn lại thì đây là những năm khó khăn nhưng cũng giúp mình mở rộng mối quan hệ và phát triển những kỹ năng mới, và quan trọng là mình luôn ở trạng thái “mở mắt” để đón nhận cơ hội phù hợp khi nó đến. Chữ “phù hợp” này rất quan trọng vì đôi lúc một hướng đi bạn thích vào một thời điểm chưa chắc là hướng bạn có thể đi lâu dài vì thiếu sự “phù hợp”. Còn như thế nào là phù hợp thì sẽ tùy vào mỗi người, theo mình là cần nhìn lại những gì đã trải qua để thấy đâu là thế mạnh của bản thân và tìm kiếm những hướng đi giúp chúng ta phát huy tối đa những thế mạnh này. Steve Jobs đã có câu nói “You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự nhìn nhận lại (self-reflection) những trải nghiệm trong quá khứ.
Thêm một thử thách sau khi tìm ra hướng đi là tìm môi trường mà bạn có thể hòa nhập, ổn định và sau đó là phát triển. Đừng nhìn vào doanh nghiệp vì đôi lúc yếu tố này quá lớn để các bạn có thể phân tích chính xác, mà hãy nhìn vào người quản lý trực tiếp để xác định liệu đây có phải là môi trường dành cho mình không. Mỗi chúng ta, trừ phi có cơ hội làm việc từ xa, thì sẽ dành 10-12h mỗi ngày tại công sở. Hãy tưởng tượng những tác động đến tâm lý và sức khỏe nếu phải dành ngần đấy thời gian trong một môi trường độc hại. Ngược lại, tôi tin các bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn và sáng tạo hơn trong một môi trường hỗ trợ, vì “team work makes dream work”.
Còn các thử thách về chuyên môn, theo mình với trình độ và tư duy của các bạn sinh viên thì sẽ luôn tìm ra cách để vượt qua, miễn đó là điều bạn muốn.
Mình nghĩ bất kỳ ai theo đuổi một hành trình dài trong lĩnh vực tài chính đều sẽ gặp phải những thời điểm khó khăn – không chỉ về chuyên môn mà cả về tinh thần. Với riêng mình, một trong những thử thách lớn nhất là chuyển mình từ vai trò chuyên môn kỹ thuật sang vai trò quản lý và kết nối đa chiều với các bên liên quan.
Lúc mới bắt đầu, mình tập trung rất nhiều vào kỹ năng phân tích, xử lý số liệu – những công việc “sau hậu trường” mà ít phải trình bày hay tương tác nhiều. Nhưng khi lên những vị trí cao hơn, mình phải học cách truyền đạt, trình bày thông tin một cách ngắn gọn, dễ hiểu – nhất là khi làm việc với ban lãnh đạo, cổ đông hay truyền thông tài chính ra bên ngoài. Đó là một bước chuyển không dễ dàng.
Ngoài ra, lĩnh vực tài chính doanh nghiệp luôn thay đổi – chính sách, thị trường, xu hướng đầu tư liên tục biến động. Điều đó đòi hỏi mình phải luôn cập nhật, học hỏi không ngừng, thậm chí đôi khi phải “bắt đầu lại” với một lĩnh vực mới mà mình chưa quen.
Nhưng chính những khó khăn đó giúp mình trưởng thành. Mình nhận ra rằng: khả năng thích nghi, thái độ cầu thị, và sự kiên trì là những yếu tố giúp mình vượt qua được nhiều thử thách, chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức. Với các bạn sinh viên, mình nghĩ nếu các bạn sẵn sàng “bước ra khỏi vùng an toàn”, học từ trải nghiệm thật, thì khó khăn sẽ trở thành bước đệm cho sự phát triển lâu dài.
3. Anh nghĩ sinh viên nên bắt đầu học hỏi về tài chính doanh nghiệp từ đâu để không bị “ngợp” giữa lý thuyết và thực tế?
Tôi hiểu cảm giác “choáng” khi lần đầu tiếp cận tài chính doanh nghiệp – rất nhiều thuật ngữ, mô hình, và con số. Nhưng các bạn đừng lo, mọi chuyên gia cũng đều từng bắt đầu như vậy. Điều quan trọng là bạn học từ những điều gần gũi trước, ví dụ như: một doanh nghiệp cần tiền như thế nào? Làm sao để biết họ đang làm ăn tốt?
Hãy bắt đầu từ việc đọc các báo cáo phân tích cổ phiếu của các chuyên viên phân tích bên bán (sell-side analyst) vì họ là những chuyên gia trong việc bóc tách số liệu để tìm ra câu chuyện. Bạn cũng có thể mua 1 lượng nhỏ cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết để được mời tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên của các doanh nghiệp này. Tại đây sẽ có các phiên thảo luận nơi các NĐT chuyên nghiệp chấn vấn ban điều hành về kết quả kinh doanh. Chắc chắn bạn sẽ học được rất nhiều qua các sự kiện như vậy, chưa kể có khi còn được doanh nghiệp tặng quà khi tham dự, thử lập ngân sách cá nhân – rồi từng bước làm quen với các chỉ số như ROE, EBITDA… Tài chính doanh nghiệp không phải để học thuộc lòng, mà là để hiểu cách doanh nghiệp vận hành, ra quyết định và phát triển.
4. Câu hỏi cuối cùng – Anh có điều gì muốn nhắn gửi tới các bạn sinh viên đang quan tâm đến lĩnh vực tài chính doanh nghiệp không ạ?
Hãy nắm vững kiến thức kế toán và đảm bảo bạn hiểu từng dòng trên báo cáo tài chính. Tôi đã từng rất yếu vấn đề này khi còn là sinh viên và cải thiện bằng cách chọn làm kiểm toán ngay khi mới ra trường để đưa mình vào môi trường mà bắt buộc phải trở thành một chuyên gia đọc báo cáo tài chính.
Kỹ năng trình bày tài liệu cũng rất quan trọng vì số liệu rất khô khan nên cần sự chuyển hóa thành câu chuyện mềm mại hơn giúp người đọc nắm bắt được thông điệp. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn chọn hướng đi về đầu tư hoặc quan hệ cổ đông như tôi. Các công cụ AI có sẵn là trợ thủ đắc lực để giúp bạn xây dựng ý tưởng và hoàn thiện tài liệu, vì vậy hãy học cách sử dụng các công cụ này 1 cách hiệu quả.
Các bạn sinh viên ngày nay có rất nhiều lợi thế: tiếp cận kiến thức sớm, sử dụng công nghệ thành thạo, và có nhiều cơ hội học hỏi trong môi trường mở. Tuy nhiên, chính vì thế mà việc lựa chọn và định hình con đường sự nghiệp cũng trở nên thử thách hơn.
Nếu bạn có hứng thú với lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, mình khuyên hãy bắt đầu từ việc rèn luyện tư duy phân tích, khả năng đọc hiểu số liệu và đặc biệt là tinh thần kỷ luật trong công việc. Bên cạnh đó, hãy tận dụng thời gian sinh viên để tham gia các dự án thực tế, học hỏi từ người đi trước và xây dựng mối quan hệ chất lượng – vì đây sẽ là những tài sản quý giá theo bạn suốt chặng đường sau này.
Hãy tin vào giá trị của bản thân và đừng ngại thử thách. Tài chính doanh nghiệp là một hành trình vừa logic, vừa đầy màu sắc, và luôn dành chỗ cho những người trẻ có đam mê và tinh thần cầu tiến.
Bộ môn xin gửi lời cám ơn và chúc anh Trung nhiều sức khỏe và gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong cuộc sống cũng như trong công việc. Hy vọng anh sẽ có dịp chia sẻ nhiều hơn với Bộ môn và với các em sinh viên trong tương lai.

Mr. Đồng Quang Trung – Shareholder Relations – Corporate Secretary at Vinamilk, Vilico, and Moc Chau Milk