Bộ môn tiếng Anh tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn tháng 03/2019

392

Hiện nay có rất nhiều phương pháp giảng dạy tiếng Anh đang được áp dụng tại các trường đại học và học viện. Có thể kể đến các phương pháp phổ biến như Direct Method, Grammar-translation, Audio-lingual… Tuy nhiên các phương pháp này dường như trở nên quá quen thuộc và nhàm chán đối với sinh viên và vẫn chưa chú trọng phát triển hai kĩ năng vô cùng quan trọng mà hiện nay rất nhiều sinh viên còn hạn chế, đó là kĩ năng nghe hiểu và giao tiếp bằng tiếng Anh.

Tiếp nối thành công của chuỗi sinh hoạt chuyên đề nâng cao chất lượng chuyên môn – giảng dạy tiếng Anh tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương, ngày 27/03/2019, Bộ môn tiếng Anh đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Chia sẻ phương pháp sử dụng Tài liệu mang tính thực tế hỗ trợ việc giảng dạy kỹ năng Nghe” do báo cáo viên ThS Đặng Thị Mỹ Dung trình bày và chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy theo phương pháp communicative (Communicative language teaching)” do ThS Dương Ngọc trình bày.

Phần đầu buổi sinh hoạt, báo cáo viên- ThS Đặng Thị Mỹ Dung đã chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn bổ ích về phương pháp sử dụng tài liệu mang tính thực tế hỗ trợ việc giảng dạy kỹ năng Nghe. ThS Đặng Thị Mỹ Dung đã nhấn mạnh việc lựa chọn tài liệu Nghe phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc dạy và học ngoại ngữ. Tài liệu mang tính thực tế phản ảnh ngôn ngữ dùng trong cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giữa ngôn ngữ trong sách vở và ngôn ngữ thực tế. Báo cáo viên cũng giới thiệu những cách phân loại tài liệu thực tế theo quan điểm của các chuyên gia, những lợi ích của việc sử dụng tài liệu thực tế trong việc hỗ trợ việc giảng dạy kỹ năng Nghe, những tiêu chuẩn lựa chọn tài liệu Nghe thực tế, và việc sử dụng tài liệu thực tế trong hoạt động giảng dạy kỹ năng Nghe.

Tại phần thứ hai của buổi sinh hoạt, báo cáo viên, ThS Dương Ngọc đã giải thích thế nào là phương pháp Communicative Language Teaching, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của bản thân về việc ứng dụng phương pháp giảng dạy giao tiếp này, không chỉ khi dạy kỹ năng nói, mà còn có thể ứng dụng khi dạy các kỹ năng khác như đọc và viết. Thông qua những ví dụ minh họa từ báo cáo viên, sinh viên có thể thực hành song song kỹ năng giao tiếp khi trong lúc học các kỹ năng ít mang tính tương tác hơn như đọc và viết. Các hoạt động này bao gồm: thảo luận trước khi đọc bài để dự đoán nội dung bài đọc và chuẩn bị kiến thức, từ vựng để phân tích bài đọc; hoạt động pairwork trong khi đọc; peer checking sau khi thực hành viết. Mục đích của những hoạt động này không những tạo sự hứng thú cho sinh viên mà còn nhằm đem lại kết quả cuối cùng của việc học ngôn ngữ đó chính là giao tiếp.

Buổi sinh hoạt diễn ra trong không khí sôi nổi và hiệu quả vì đây là hai kỹ năng quan trọng, luôn song hành không chỉ trên giảng đường mà còn ngoài xã hội. Các giảng viên Bộ môn Tiếng Anh đã lắng nghe và cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc tổ chức các hoạt động giảng dạy kỹ năng nghe nói tiếng Anh; từ đó mỗi giảng viên tự lựa chọn, vận dụng, nâng cao chất lượng dạy Tiếng Anh tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương trong thời gian tới./.

Dưới đây là hình ảnh của buổi sinh hoạt chuyên môn:

1551-shcm-thang-03.2019-1
 
1551-shcm-thang-03.2019-2