Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà (PGS, TS Trường Đại học Ngoại thương), Trần Hải Phú (ThS Trường Đại học Ngoại thương), Võ Khắc Thường (PGS, TS, Hiệu trưởng trường ĐH Phan Thiết)
Với mong muốn phổ biến kiến thức, chuyển giao công nghệ cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình triển khai ứng dụng thẻ điểm cân bằng (BSC) và chỉ số hoạt động chính (KPI), Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức chuỗi Hội thảo với chủ đề “BSC & KPI: Kinh nghiệm triển khai tại các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam” tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng và Hà Nội. Đây là chuỗi hội thảo chuyên đề nhằm phổ biến, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công cụ chỉ số hoạt động chính KPI cho gần 500 tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc Chương trình “Nhân rộng áp dụng công cụ Chỉ số hoạt động chính vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam năm 2018” cấp quốc gia do PGS. TS Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Cơ sở II Trường Đại học Ngoại Thương làm chủ nhiệm đề tài.
Đánh giá hiệu quả làm việc của người lao động có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trong bất kì một tổ chức nào, là cơ sở để đưa ra các quyết định chiến lược về nhân sự và định hướng phát triển lâu dài cho tổ chức. Bởi vì, đánh giá hiệu quả làm việc sẽ cung cấp các thông tin phản hồi về mức độ hoàn thành công việc của nhân viên so với kỳ vọng và mục tiêu đã đề ra, giúp nhà quản lý phát hiện tiềm năng và nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân, từ đó giúp nhân viên có định hướng nghề nghiệp và xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Đồng thời, kết quả đánh giá nhân viên cũng chính là cơ sở để hoạch định nguồn nhân lực, giúp nhà quản lý đưa ra những quyết định về nhân sự một cách hợp lý như: quyết định về thi đua khen thưởng; điều động, luân chuyển và thăng tiến nhân sự; tổ chức đào tạo để nâng cao năng lực và kiến thức chuyên môn; quy hoạch cán bộ cho doanh nghiệp. Tùy thuộc vào đặc điểm ngành nghề, quy mô tổ chức, các tổ chức có thể lựa chọn những công cụ khác nhau để đánh giá hiệu quả thực hiện công việc của người lao động. KPI (Key Performance Indicators) hiện là công cụ đánh giá đã được áp dụng rất phổ biến và hiệu quả trong các tổ chức trên khắp thế giới, và đang có xu hướng sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Hiện tại, KPI được áp dụng cho nhiều loại công việc trong nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có giáo dục.
Hiện tại, trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế, các cơ sở giáo dục đang có sự cạnh tranh rất mạnh mẽ. Căn cứ những đặc điểm cơ bản về năng lực cạnh tranh, các cơ sở giáo dục công lập thường có lợi thế hơn về tài chính, năng lực quản lý, chất lượng dịch vụ, định vị thương hiệu, hệ thống mạng lưới, trình độ công nghệ, …. Trong khi đó, để có thể trụ vững và phát triển trước sức ép gay gắt và sự cạnh tranh khốc liệt, các cơ sở giáo dục ngoài công lập cần có một nền tảng vững chắc và định hướng quản trị đúng đắn, đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.
Trường Đại học Phan Thiết là một trường đại học tư thục trong hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Do đó, Trường Đại học Phan Thiết cũng chịu tác động và áp lực từ việc cạnh tranh trên thị trường trong quá trình hội nhập toàn cầu. Thấu hiểu được những vấn đề quan trọng trên, trong những năm gần đây, Trường Đại học Phan Thiết cũng đã nghiên cứu và áp dụng hệ thống KPI để đánh giá hiệu quả hoạt động của mình.
Một số chỉ tiêu tiêu biểu của Trường Đại học Phan Thiết:
Chỉ tiêu | Năm 2018 | Năm 2019 (dự kiến) | Tỷ lệ tăng |
---|---|---|---|
Số lượng SV đại học | 1784 | 1950 | 9,3% |
Số lượng HV cao học | 176 | 195 | 10,8% |
Tỷ lệ SV có việc làm | 95,03% | 96% | 0,97% |
Số lượng đề tài NCKH | 15 | 18 | 20% |
(Nguồn: Phòng Đào tạo)
Trường Đại học Phan Thiết được thành lập theo Quyết định số 394/2009/QĐ -TTg, ngày 25 tháng 3 năm 2009, của Thủ tướng Chính phủ. Trường Đại học Phan Thiết là trường Đại học đầu tiên và duy nhất tại tỉnh Bình Thuận, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực với tôn chỉ “Cơ sở vật chất – Phương pháp đào tạo – Chăm sóc sinh viên”.
Để hoạt động ổn định trong lĩnh vực đào tạo giáo dục, Trường Đại học Phan Thiết đã phát huy tốt một số điểm mạnh của mình như:
Trường đã xây dựng được môi trường văn hóa kỷ luật: “Suy nghĩ kỷ luật – Hành động kỷ luật – Con người kỷ luật” với việc xác định cụ thể tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi cũng như mục đích phát triển của mình. Điều này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược, định hướng phát triển dài hạn của nhà trường.
Trường là cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học đào tạo đa ngành và đa lĩnh vực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh các phòng học và khối làm việc khang trang hiện đại; khu thể thao đã được nhà trường quan tâm, trường cũng quy tụ được đội ngũ giảng viên gồm những thạc sĩ, tiến sĩ, PGS, GS có kinh nghiệm từ TP. HCM đến giảng dạy. Trải qua 0810 năm từ khi thành lập, Trường Đại học Phan Thiết đã có những bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà nhà trường đã đặt ra. Hiện nay, trường đã đào tạo cho hơn 1500 sinh viên tốt nghiệp cử nhân và 100 thạc sĩ chuyên ngành QTKD. Tỉ lệ sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp chiếm trên 85%.
Để tối ưu hóa hoạt động cũng như hoạch định một chiến lược phát triển hiệu quả, nhóm phân tích trường ĐH Ngoại Thương CSII đã áp dụng phân tích SWOT, mô hình 5S và từ đó đề xuất, triển khai hệ thống KPI&BSC đối với khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Phan Thiết.
Kết hợp với bản đồ chiến lược và dòng chảy chức năng, nhóm phân tích đã hệ thống được bộ tiêu chí KPIs cấp trường và tiếp tục thực hiện việc phân tích chức năng nhiệm vụ để đưa ra các mục tiêu theo chức năng nhiệm vụ và hình thành lên KPI theo chức năng nhiệm vụ (KPIf) cho Khoa Quản trị Kinh doanh.
Việc triển khai và đánh giá theo hệ thống các tiêu chí này trước mắt sẽ giúp nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động giai đoạn cuối năm 2018 với các mục tiêu cụ thể như: nâng cao chất lượng đầu vào, chất lượng đầu ra, chất lượng giảng dạy, quy mô đào tạo… Đây là những hoạt động cụ thể hóa cho các chiến lược phát triển trong ngắn hạn của nhà trường với mức độ tận dụng cơ hội, phát huy điểm mạnh.
Trong dài hạn, hệ thống KPI sẽ giúp cho tổ chức đang triển khai và sẽ triển khai hệ thống đánh giá hiệu suất, giúp các đơn vị giảm thời gian và công sức đi xây dựng các mục tiêu và chỉ tiêu đo lường. Mục tiêu trong giai đoạn cuối 2018 – đầu 2019 của Trường Đại học Phan Thiết sẽ gồm các hành động nhằm khắc phục điểm yếu, tận dụng các cơ hội để tạo bước ngoặt phát triển: đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà tuyển dụng và sinh viên, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực … Đây là những công tác cần nhiều thời gian thực hiện hơn nhưng mang lại hiệu quả lâu dài, góp phần tạo lập sự phát triển bền vững. Có thể thấy, việc triển khai hệ thống chỉ tiêu KPI mang lại những tác động tích cực đối với không chỉ nhận thức của lãnh đạo về tình hình nhà trường mà còn góp phần tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy, hoạch định kế hoạch và chiến lược trong ngắn hạn, dài hạn đối với Trường Đại học Phan Thiết.