Năm 2015 được coi là năm bước ngoặt trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là những Hiệp định có mức độ cam kết mở cửa thị trường cao hơn cam kết trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trước đây. Đặc biệt, TPP là Hiệp định toàn diện, cân bằng lợi ích, với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng và những cam kết về thể chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công,… nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng. Các Hiệp định này sẽ tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN với các nền kinh tế lớn thế giới.
Cùng với những cơ hội, các Hiệp định này cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia, đặc biệt là cạnh tranh về môi trường kinh doanh. Trước sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp nếu không vươn lên được có thể phải giải thể hoặc phá sản, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm; khoảng cách giàu nghèo sẽ bị cách xa nếu không thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhanh, bền vững và toàn diện. Thách thức về thực thi cũng rất lớn, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, chuyên gia kỹ thuật và pháp lý.
Nhằm trao đổi và tăng cường mối liên hệ giữa các nhà nghiên cứu với các doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế và các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thời cơ mới để chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế cũng như trong hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường tại Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “TPP, AEC và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong hội nhập quốc tế” vào chiều ngày 16/6/2017.
Tham dự Hội thảo, có sự hiện diện PGS, TS Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc Cơ sở II, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Cơ sở II, Trưởng, phó các đơn vị, giảng viên Cơ sở II, các nhà khoa học tham gia viết bài đến từ các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Mở đầu hội thảo, PGS, TS Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP. Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu khai mạc cũng như chỉ đạo định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học tại Cơ sở II trong năm học 2017-2018.
Sau phần tình bày tham luận và phản biện, Hội thảo có phần tọa đàm để chia sẻ những kinh nghiệm về biên tập, phản biện do PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Cơ sở II và TS Nguyễn Tiến Hoàng – Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ chủ trì. Tất cả giảng viên, sinh viên, các nhà khoa học có dịp giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học của mình.
Tại buổi hội thảo, cùng với 16 bài viết, 04 bài tham luận đã được trình bày bởi các giảng viên, sinh viên và 08 bài phản biện xoay quanh vấn đề về quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và xúc tiến các thương lượng hướng đến việc ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hội thảo khoa học cấp Trường với chủ đề “TPP, AEC và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong hội nhập quốc tế” đã diễn ra thành công tốt đẹp, mang lại cơ hội quý báu để giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ khoa học và góc độ quản lý.
Sau đây là một số hình ảnh của buổi hội thảo: