* Generation Z – Challenging themselves in competitions
Far gone the days when students considered university years are just hours of sitting ardently in the lecture hall to ponder and learnt about in-depth knowledge. The new generation of students – commonly known as Generation Z – have completely changed their minds about studying and participating in academic competitions. Academic competitions have truely become interesting playground and not only helped students apply their accumulated knowledge but also given them opportunities to learn useful things and valuable experiences during their student life.
Đã qua rồi thời đại sinh viên suy nghĩ thời gian học đại học chỉ là hàng giờ đồng hồ ngồi miệt mài trên giảng đường để nghiền ngẫm, tìm tòi về những kiến thức chuyên sâu. Nếu muốn tiếp cận kiến thức thực tiễn, đi làm sẽ là cách duy nhất đem lại cho sinh viên những trải nghiệm thực tế cùng cơ hội được giao lưu, tiếp xúc với các doanh nghiệp. Thế hệ sinh viên trong thời đại mới – hay thường được gọi là Thế hệ Z – có những suy nghĩ khác biệt về học tập và rèn luyện. Các cuộc thi học thuật, nơi giúp sinh viên có cơ hội củng cố kiến thức chuyên môn và tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế, trở thành sân chơi thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Các cuộc thi học thuật trong và ngoài nước thực sự trở thành môi trường rèn luyện đầy thách thức và thú vị, nơi giúp sinh viên có cơ hội áp dụng những kiến thức đã được học trên giảng đường, rèn dũa các kỹ năng mềm và làm quen với môi trường kinh doanh thực sự. Các cuộc thi học thuật cũng là nơi giúp sinh viên có được những trải nghiệm quý giá trong quãng thời gian học đại học.
Sự thay đổi trong tư duy đó đã khiến việc lựa chọn một cuộc thi học thuật để phát huy khả năng của bản thân, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế hay đơn giản là tạo một bước ngoặt lớn trong những năm tháng học đại học trở thành một trong những hướng đi được số đông các bạn sinh viên chọn lựa gần đây. Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài cuộc thi học thuật nổi bật đang được các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện để có một cái nhìn cụ thể hơn về hoạt động bổ ích này.
Đầu tiên chúng ta cần nhắc đến các cuộc thi nghiên cứu khoa học có chất lượng và uy tín cao như “Sinh viên nghiên cứu khoa học” hay cuộc thi Euréka. Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” là giải thưởng quan trọng của sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học. Hàng năm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức và trao Giải thưởng cấp cơ sở. Các đề tài đoạt giải cao được hội đồng khoa học cấp cơ sở đánh giá, chọn lựa và gửi tham dự vòng chung kết trong phạm vi toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức. Giải thưởng này nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, giúp sinh viên phát huy năng lực tư duy sáng tạo, hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực.
Euréka – Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học do Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức, cũng là giải thưởng cao quý khác dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên toàn quốc, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường. Hàng năm, các nhóm sinh viên cơ sở II, trường Đại học Ngoại thương vẫn tích cực tham gia các cuộc thi này. Điểm qua thành tích 2 năm gần đây, các nhóm sinh viên của Cơ sở II đã giành được 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 4 giải Khuyến Khích ở cả 2 cuộc thi trong năm học 2019-2020 và nửa đầu năm học 2020-2021.
Hult Prize – cuộc thi khởi nghiệp lớn giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết nhất – còn được mệnh danh là “Giải Nobel” dành cho sinh viên, được sáng lập bởi Ahmad Ashkar, nhận sự bảo trợ từ cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Liên Hợp Quốc, cùng với trường Đại học Hult International Business School. Từ khi ra đời đến nay, Hult Prize đã tạo ra sân chơi đầy hấp dẫn cho thế hệ trẻ khởi nghiệp cùng với những ý tưởng kinh doanh sáng tạo để giải quyết các vấn đề liên quan đến xã hội. Với sức lan tỏa mạnh mẽ cùng với sự hưởng ứng của hàng triệu sinh viên, Hult Prize đã tiếp cận được hơn 120 quốc gia cùng với hơn 1,200 trường đại học trên toàn thế giới.
Năm 2019, nhóm Gaplink đến từ Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương, đã giành tấm vé vào vòng Hult Prize Regionals 2019. Năm 2020, đội ENZIMA của Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP. HCM đã trở thành quán quân Hult Prize Đông Nam Á 2020, trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam trong suốt hơn 10 năm tiến thẳng đến vòng Global Accelerator tại Boston, Hoa Kỳ. Năm 2021, có 5 dự án chính thức đến từ Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương xuất sắc được lựa chọn vào vòng bán kết Hult Prize Đông Nam Á 2021.
“Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam và Học viện Tài chính được tổ chức thường niên vào dịp tháng 5 hàng năm cũng là một hội thi khoa học thu hút đông đảo sinh viên toàn quốc tham gia. Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 300 sinh viên đến từ 25-35 trường trên toàn quốc với khoảng 120-150 đề tài. Cuộc thi hướng đến ứng dụng các mô hình toán, mô hình kinh tế lượng và tin học để giải quyết bài toán trong kinh tế xã hội. Đây là sân chơi để sinh viên mạnh dạn trình bày kết quả nghiên cứu ban đầu, không nhất thiết các kết quả phải quá hoàn thiện, mà quan trọng đó là sự tự tin của sinh viên, khuyến khích phát triển những ý tưởng, nghiên cứu để được giao lưu, học hỏi. Năm 2020, các đội thi của Cơ sở 2 cũng đạt được những thành tích đáng nể với 1 giải Đặc biệt, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 15 giải Khuyến Khích.
Cuộc thi Phân tích đầu tư CFA® (CFA® Institute Research Challenge) là cuộc thi toàn cầu được tổ chức hàng năm bởi Viện CFA. Mỗi trường đại học tại Việt Nam, chỉ được lựa chọn duy nhất một đội thi tham gia vòng thi cấp quốc gia. Vòng thi cấp quốc gia kéo dài 5 tháng liên tục, đòi hỏi tinh thần quyết tâm và ý chí bền bỉ rất lớn từ các đội thi. Đội chiến thắng vòng thi cấp quốc gia sẽ đại diện cho Việt Nam, tham gia vòng thi khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tại cuộc thi CFA Research Challenge, Trường đại học Ngoại thương – Cơ sở 2 tại TP.HCM đã có 06 lần liên tiếp tham gia chung kết quốc gia và trở thành đại diện của Việt Nam tham gia vòng chung kết khu vực.
Nielsen Case Competition và HSBC Business Case competition là 2 cuộc thi về phân tích tình huống kinh doanh bằng tiếng Anh được tổ chức thường niên dành cho sinh viên các trường đại học, nhằm nâng cao kỹ năng và rèn luyện tư duy giải quyết vấn đề trong lĩnh vực kinh tế. Đây được xem như là cầu nối giữa kiến thức học thuật và công việc kinh doanh, đồng thời mang đến một nền tảng mới về phương pháp học tập kinh doanh thực tế cho sinh viên Việt Nam.
The Pyramind 2021 là cuộc thi học thuật toàn thành đầu tiên chuyên sâu về Coaching tại miền Nam, được Học viện Khai vấn và Huấn luyện Học tập Self Hiil cố vấn và bảo trợ chuyên môn, cùng với sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp. Trong lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã thu hút hơn 200 thí sinh của 12 trường đại học trên địa bàn TP. HCM tham gia. Với mục đích giúp sinh viên nâng cao năng lực tư duy lý luận, khám phá và phát triển bản thân thông qua phương pháp truy vấn Socrates dưới hình thức coaching, cùng sự đồng hành của các huấn luyện viên, cố vấn đến từ 6 tổ chức, doanh nghiệp khác nhau, cuộc thi mang đến sứ mệnh tìm ra thế hệ người trẻ hiểu mình, hiểu người, không ngừng hoàn thiện bản thân qua những trải nghiệm học mà thi, thi mà học. Sinh viên Nguyễn Huỳnh Tuyết Minh – Sinh viên năm 3, Lớp K57A, Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II tại TP. HCM xuất sắc đạt giải Quán quân với dự án cộng đồng mang tính ứng dụng cao nhằm nâng cao năng lực tự học của sinh viên trên địa bàn TP. HCM
Bên cạnh đó hàng năm rất nhiều cuộc thi khác như “KPMG Ideation Challenge”, “Tin học văn phòng thế giới”, “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và “Tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam” đã và đang tạo ra cho các bạn sinh viên nhiều sân chơi sôi động, sáng tạo, thử thách và thực sự bổ ích. Kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đến từ việc tham gia các cuộc thi này giúp sinh viên nâng cao bản lĩnh. Đây là nền tảng giúp các bạn sinh viên tự tin tiến bước trên con đường sự nghiệp sau này.
Ngoài các cuộc thi học thuật do các tổ chức bên ngoài khởi xướng, các câu lạc bộ học thuật trong Trường đại học Ngoại Thương – Cơ sở 2 tại TP.HCM hàng năm cũng tích cực tổ chức các cuộc thi học thuật liên quan đến chuyên ngành của câu lạc bộ. Các cuộc thi học thuật do các câu lạc bộ tại Trường đại học Ngoại Thương – Cơ sở 2 tại TP.HCM tổ chức thu hút được đông đảo sinh viên tham gia. Một số cuộc thi điển hình có thể kể đến như cuộc thi “Doanh nhân tập sự” của Câu lạc bộ Kỹ năng doanh nhân (AC Club), cuộc thi “Sinh viên với tài chính” của Câu lạc bộ Chứng khoán (SeSC), cuộc thi The Audit Proud của Câu lạc bộ Kế toán – Kiểm toán (FAC), cuộc thi Makerting Arena của Câu lạc bộ Marketing Creatio và cuộc thi hung biện tiếng anh thương mại E-Con của Câu lạc bộ Kinh doanh và tiếng anh (BEC). Các cuộc thi này không chỉ kiến tạo môi trường rèn luyện cho các bạn sinh viên Trường đại học Ngoại Thương mà còn mang đến cơ hội giao lưu học hỏi với sinh viên các trường đại học khác tại TP.HCM.