Tọa đàm khoa học chuyên môn bộ môn ngoại ngữ học kỳ 1 năm học 2021 – 2022

361

In the first semester of the academic year 2021-2022, the Faculty of Foreign Languages organized fruitful series of seminars. With the diversity of the expertise and knowledge of the faculty, these seminars are expected to facilitate constructive conversation, stimulate reflections, promote fruitful academic-professional exchanges, but also provide useful materials for teaching and research development.

Nhằm mục đích trao đổi chuyên môn và chia sẻ những thông tin cập nhật để các giảng viên áp dụng vào trong bài giảng của mình, giúp sinh viên nắm bắt được kiến thức và áp dụng vào thực tiễn tốt hơn, học kỳ I năm học 2020-2021, Bộ môn Ngoại ngữ đã tổ chức tọa đàm khoa học chuỗi các chuyên đề chuyên môn với nhiều thông tin thú vị bổ ích thông qua các chủ đề tham luận sau.

Trong nhóm tham luận đầu tiên vào tháng 9/2021, ThS Nguyễn Thị Như Ý đã chia sẻ ứng dụng giảng dạy Project Learning (Học theo dự án) trong giờ học Tiếng Nhật chuyên ngành. Trong nội dung báo cáo, ThS Nguyễn Thị Như Ý đã trình bày các nội dung thực tế quan trọng liên quan đến việc dạy học theo dự án, phân tích các ưu điểm và nhược điểm khi áp dụng phương pháp này trong giảng dạy môn tiếng Nhật. Báo cáo viên đã chia sẻ về dự án hợp tác doanh nghiệp Mitsu, cho thấy học theo dự án giúp nâng cao tính thực tiễn của môn học cũng như khả năng thuyết trình dự án bằng tiếng Nhật cho sinh viên. Về giảng dạy các học phần Tiếng Anh cơ sở, ThS Đỗ Anh Thư đã chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy viết email/letter cho sinh viên. Báo cáo viên đã miêu tả những tiêu chí của việc viết thư trong đó phải đảm bảo nội dung thư phù hợp với yêu cầu nêu ra, sự chính xác của ngôn ngữ; trên cơ sở đó, giảng viên tăng cường tạo lập môi trường học tập và học liệu phù hợp để người học phát triển khả năng viết. Cùng học phần tiếng Anh cơ sở, ThS Lê Thanh Hà chia sẻ phương pháp đánh giá học tập cho các học phần Pathways. Trong đó, đánh giá để cải tiến việc học tập (Assessment for Learning) giúp đảm bảo chất lượng dạy học cũng như đặt người học vào trung tâm. Giáo viên có thể thực hiện quy trình này bằng việc sử dụng Portfolio để SV và GV có thể nhìn thấy được quá trình học tập xuyên suốt cũng như những tiến bộ có được trong cả học kỳ. Ngoài ra GV cũng cần chú ý đến việc sử dụng Marking Rubrics trong việc chấm điểm, cách đưa ra nhận xét mang tính xây dựng và hướng dẫn SV cách tự đánh giá và cho SV tham gia vào quá trình đánh giá. Tiếp nối tham luận, ThS Nguyễn Thanh Dương đã chia sẻ một số thuật ngữ Tiếng Anh cơ bản về tài chính trên sàn giao dịch tiền điện tử. Báo cáo viên đã đưa ra ví dụ cụ thể về sàn giao dịch Binance và chia sẻ chi tiết các thuật ngữ liên quan đến giao dịch trên sàn giao dịch điện tử này. Qua đó, giảng viên có thể áp dụng các thuật ngữ trên vào việc cập nhật bài giảng liên quan đến chủ đề tài chính, thương mại.

Nhóm tham luận tiếp theo thực hiện vào tháng 10/2021, ThS Phan Thị Thu Hiền đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng thực tế vào bài học cho sinh viên. Báo cáo viên đã trình bày về bảng ý tưởng ứng dụng thực tế tương ứng mỗi bài giảng. Đối với từng bài học, giảng viên xác định rõ mẫu câu, mục tiêu, giới thiệu văn hóa và kế hoạch áp dụng vào thực tế. Tiếp theo, ThS Vũ Phương Hồng Ngọc chia sẻ kinh nghiệm sử dụng video trong giảng dạy Tiếng Anh. Báo cáo viên đã trình bày các ưu điểm và nhược điểm của việc sử dụng video, tiêu chí lựa chọn video gồm có thời lượng ngắn, phù hợp về văn hóa, trình độ người học, chất lượng tốt, khuyến khích sử dụng video có trong giáo trình. Ngoài ra, báo cáo viên còn chia sẻ các video minh họa cho một số bài học cụ thể và các hoạt động liên quan gồm thảo luận, điền bảng thông tin, tóm tắt nội dung và các hoạt động khác.

Trong nhóm tham luận vào tháng 11/2021, ThS Trần Nam Thiên Hương chia sẻ về phong cách học của sinh viên và cách dạy tương ứng. Báo cáo viên đã trình bày nhiều lý thuyết về phong cách học tập bao gồm học bằng thị giác, thính giác, lời nói, vận động, suy nghĩ logic. Đó là những phương pháp giúp người học xử lý thông tin hiệu quả nhất. Việc quan sát một số phong cách học tập nổi bật sẽ giúp giảng viên xây dựng được môi trường lớp học và kế hoạch bài học đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người học. Tiếp theo, ThS Tô Thị Kim Hồng chia sẻ về việc sử dụng podcast của Vietcetera trong giảng dạy kỹ năng nghe mở rộng. Báo cáo viên nhấn mạnh lợi ích của những bài nghe podcast giúp cập nhật những xu hướng mới nhất và đồng thời mở rộng kiến thức thực tiễn cho người học về các lĩnh vực khác nhau. Trong nghe mở rộng, người học chủ động trong việc lựa chọn tài liệu nghe phù hợp với sở thích và thời gian luyện tập nghe với sự hướng dẫn của giảng viên trên lớp, qua đó giúp tăng hứng thú cho người học. Tiếp nối tham luận trên, ThS Phan Chí Hiếu chia sẻ về một số khái niệm cơ bản về thị trường giao dịch tiền điện tử (NFT, DEFI, ICO, ILO, DEX và STAKING). Báo cáo viên đã giải thích chi tiết ý nghĩa của các khái niệm trên và ứng dụng của chúng trong giao dịch mua bán bằng tài khoản tiền điện tử.

Nhóm tham luận cuối cùng tháng 12/2021, TS Nguyễn Thành Lân chia sẻ khảo sát tiếng Anh trong giao nhận vận tải. Báo cáo viên trình bày các kiểu loại tiếng Anh trong ngành hàng hải, trong đó nhấn mạnh tiếng Anh hàng hải sử dụng trong các chứng từ vận tải và thư tín thương mại. Báo cáo viên hướng dẫn phân biệt cách sử dụng từ vựng trang trọng mang tính pháp lý với từ vựng sử dụng thông thường cho người học. Ngoài ra, báo cáo viên còn đưa ra các thuật ngữ, thành ngữ có nguồn gốc từ tiếng Anh hàng hải giúp nâng cao vốn từ vựng khi viết cho người học. Tiếp nối tham luận, ThS Dương Ngọc chia sẻ về giảng dạy kỹ năng viết online cho các môn tiếng Anh thương mại. Báo cáo viên trình bày cách đưa ra ví dụ minh họa để giải thích các thuật ngữ kinh tế cho người học hiểu và áp dụng thực tiễn. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cung cấp các nguồn tài liệu tin cậy trên trang báo điện tử nước ngoài như CNBC và hướng dẫn cụ thể cách viết báo cáo cho các chủ đề được giao. Ngoài ra, báo cáo viên giới thiệu các công cụ giúp kiểm tra chất lượng bài viết như Hemingway App, giúp tiết kiệm thời gian sửa lỗi để tập trung hơn cho ý tưởng của bài viết.

Phát huy những kiến thức và phương pháp giảng dạy đã lĩnh hội tại các buổi tọa đàm khoa học, toàn thể giảng viên Bộ môn Ngoại ngữ sẽ tối ưu hóa các nội dung và vận dụng nâng cao chất lượng giảng dạy các môn ngoại ngữ tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương Tp. HCM trong thời gian tới.

Sau đây là một số hình ảnh của buổi Tọa đàm khoa học chuyên môn. toa-dam-khoa-hoc-chuyen-mon-ngoai-ngu-hoc-ky-1-nam-học-2021-2022-1toa-dam-khoa-hoc-chuyen-mon-ngoai-ngu-hoc-ky-1-nam-học-2021-2022-2