Home TIN TỨC Sự kiện tiêu biểu “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”

“Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”

“Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”

Đây là chủ đề Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 do Bộ Y tế – Cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm ban hành tại công văn số 2652/BYT-AIDS ngày 15/5/2024. Tháng cao điểm sẽ diễn ra từ 01/6 đến 30/6/2024.

Kể từ năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên đã được phát động trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh cách tiếp cận toàn diện cho chương trình này. Sau đó, Bộ Y tế đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đến nay, sau 15 năm triển khai, kết quả cho thấy số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.huong-toi-loai-tru-lay-truyen-hiv-tu-me-sang-con-2030-

Tháng cao điểm năm nay nhằm hướng tới mục tiêu: Thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể mà từng đơn vị, địa phương tăng cường triển khai các hoạt động trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 như sau: Tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong đó, truyền thông chú trọng vào các nội dung: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; Lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, Lợi ích của theo dõi tải lượng vi rút HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; Lợi ích của điều trị dự phòng ARV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoặc mẹ có xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ, khi sinh; Lợi ích của việc thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; Lợi ích của điều trị ARV sớm cho trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ sang con; Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV khác: Lợi ích của các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV dành cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai; Quyền sinh con của phụ nữ nhiễm HIV với đầy đủ thông tin; Quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương v.v…; Đảm bảo tài chính cho chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Ngoài ra, nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức trong Tháng cao điểm: Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV; dự phòng, chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ để họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng; Tổ chức mở rộng việc cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như tư vấn xét nghiệm HIV lưu động; xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điều trị ARV trong ngày, cấp thuốc ARV nhiều tháng, cấp thuốc ARV tại các trạm y tế xã; Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong nhóm phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ; Huy động sự tham gia của nam giới trong các hoạt động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc…) tích cực tham gia các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong đồng bào vùng dân tộc và miền núi; Vận động các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự khác và mạng lưới người nhiễm HIV tại địa phương tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động nhân Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; Dự trù và cung ứng đầy đủ thuốc dự phòng lây truyền HIV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) – Cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động trong Tháng cao điểm phù hợp với chức năng nhiệm vụ và hoàn cảnh thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Nguồn: Cục Phòng, Chống HIV/AIDS – Bộ Y Tế