Khảo sát các bên liên quan là yêu cầu cần thiết để đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đại học

448

1. Giới thiệu

Cơ sở giáo dục (CSGD) đại học là một hệ thống kết nối các đối tượng gồm: Người học, giảng viên, nhân viên, đội ngũ lãnh đạo và quản lý, nhà sử dụng lao động, các đối tác, gia đình người học, nhà đầu tư, cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, tổ chức, cá nhân có liên quan khác. Tập hợp những đối tượng trên gọi là các bên liên quan. Sự hài lòng của các bên liên quan và chất lượng của CSGD, Chương trình đào tạo (CTĐT) đại học có mối liên hệ chặt chẽ và cùng chiều với nhau. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu chu trình PDCA trong từng Tiêu chuẩn của Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/03/2016 của Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/05/2017 của Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng CSGD đại học thì minh chứng cụ thể và rõ ràng là kết quả về mức độ hài lòng của các bên liên quan tại các chủ đề khảo sát. CSGD cần phải định kỳ, thường xuyên thực hiện khảo sát các bên liên quan để tổng hợp, thống kê, đánh giá và đề xuất giải pháp cải tiến để từng bước nâng cao chất lượng CTĐT và CSGD đại học, đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Ngoài ra, những minh chứng báo cáo, kết quả cải tiến khảo sát các bên liên quan còn là tài liệu không thể thiếu cho CSGD đại học thực hiện trách nhiệm đảm bảo chất lượng theo Điều 50 và trách nhiệm giải trình đối với chủ sở hữu, người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan theo Khoản 6 Điều 32 của Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học có hiệu lực thi hành ngày 01/07/2019.

Như vậy, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14, Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT thì công tác khảo sát các bên liên quan yêu cầu cần thiết để đảm bảo chất lượng CSGD và CTĐT đại học.

2. Một số khái niệm liên quan

CSGD đại học là CSGD thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng [1].

CTĐT của một ngành học ở một trình độ cụ thể bao gồm: Mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ của người học cần đạt được sau khi tốt nghiệp: nội dung, phương pháp và hoạt động đào tạo; Điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động học thuật của đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai đào tạo ngành học đó [2].

Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là quá trình liên tục, mang tính hệ thống, bao gồm các chính sách, cơ chế, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học [1].

3. Phạm vi thực hiện khảo sát

CSGD đại học thực hiện khảo sát theo những Thông tư, Thông báo, Quyết định, Hướng dẫn của Bộ giáo dục đào tạo yêu cầu và những văn bản của CSGD đã ban hành nhằm mục đích nâng cao chất lượng và đảm bảo chất lượng CTĐT và CSGD hàng năm.

Tùy theo tình hình và đặc thù công tác của từng CSGD mà công tác khảo sát được triển khai tập trung tại đơn vị chuyên môn khảo sát hoặc đến từng đơn vị chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện ngay sau khi kết thúc hoạt động nhằm đáp ứng các quy định và yêu cầu về đảm bảo chất lượng.

4. Quy trình thực hiện khảo sát

Để nhận biết chất lượng của CSGD năm sau cao hay thấp hơn năm trước thì CSGD phải tiến hành khảo sát liên tục hàng học kỳ/năm học để có số liệu liên tục đối sánh, rút ra những điểm nào cần phải cải tiến cho những năm học tiếp theo. Quy trình khảo sát được thực hiện như sau:

Bước 1: Thiết kế, xây dựng hoặc cập nhật bảng hỏi khảo sát đáp ứng đầy đủ hoặc cao hơn những tiêu chí cơ bản của vấn đề cần khảo sát.
Bước 2: Thông báo nội dung đến đối tượng cần khảo sát.
Bước 3: Đôn đốc đối tượng khảo sát.
Bước 4: Xử lý và báo cáo kết quả khảo sát đầy đủ, chính xác, trung thực, khách quan.
Bước 5: Đơn vị chuyên môn căn cứ báo cáo kết quả khảo sát, ban hành kế hoạch cải tiến mang tính chiến lược, hiệu quả.
Bước 6: Các đơn vị/cá nhân nghiêm túc thực hiện những nội dung cải tiến theo kế hoạch và đảm bảo nội dung cải tiến chất lượng, hiệu quả.
Bước 7: Thực hiện so sánh kết quả khảo sát hàng năm để điều chỉnh nội dung, cách thức triển khai cải tiến cho phù hợp hơn.

5. Kết luận

Trong bối cảnh hiện nay, các CSGD đại học muốn tự nâng cao chất lượng của mình để cạnh tranh với các CSGD đại học trong và ngoài nước thì công tác tổ chức khảo sát các bên liên quan để cải tiến nâng cao chất lượng CTĐT và CSGD là yêu cầu cần thiết. Đồng thời đây cũng là công tác cung cấp minh chứng khách quan để phục vụ công tác kiểm định chất lượng theo yêu cầu.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2018). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. Luật số 34/2018/QH14, ngày 01/07/2019.
2. Bộ giáo dục và Đào tạo (2017). Thông tư quy định về kiểm định chất lượng CSGD đại học. Thông tư số 12/2017/TT-BGD&ĐT, ngày 19/05/2017.