Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong các trường đại học ở Việt Nam

725

Văn hóa chất lượng là một thành tố quan trọng, tác động trực tiếp đến toàn bộ hệ thống đảm bảo chất lượng và sự phát triển của mỗi cơ sở giáo dục. Văn hóa chất lượng không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh, giúp các trường đại học hội nhập tốt hơn mà còn thúc đẩy hiệu quả công việc và mang lại sự hài lòng cho các bên liên quan . Phạm vi bài viết này đề cập đến một số nội dung cơ bản liên quan đến công tác xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.

1. Khái niệm chung về văn hóa chất lượng

Văn hóa chất lượng là một loại văn hóa tổ chức trong đó việc nâng cao chất lượng được xem là việc làm thường xuyên. Văn hóa chất lượng được đặc trưng bởi hai yếu tố:

– Yếu tố con người (văn hóa/tâm lý): Giá trị chung, niềm tin, kỳ vọng và cam kết về chất lượng.

– Yếu tố hệ thống (cấu trúc/quản lý): Các quy trình được xác định nhằm nâng cao chất lượng và nhằm mục đích phối hợp các nỗ lực cá nhân.

2. Đặc điểm của văn hóa chất lượng

– Văn hóa chất lượng là một hệ thống văn hóa của tổ chức, hướng đến việc đảm bảo chất lượng, cải tiến chất lượng và sự hài lòng của các bên liên quan.

– Văn hóa chất lượng gắn cá nhân và tập thể, trong đó vai trò của người lãnh đạo là rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong nhà trường; Tất cả mọi thành viên, tổ chức đều biết, hiểu những yêu cầu về chất lượng đối với công việc, tự giác làm để đáp ứng những yêu cầu chất lượng.

3. Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay

Xây dựng văn hóa chất lượng thực chất là thiết lập một hệ thống môi trường cho các hoạt động có chất lượng (môi trường học thuật, môi trường xã hội, môi trường nhân văn, môi trường văn hóa, môi trường tự nhiên) và không ngừng cải tiến chất lượng của tổ chức.

Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong mỗi cơ sở giáo dục đại học nhằm mục đích giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng trong giáo dục đại học, cụ thể là vai trò và nghĩa vụ của mỗi cá nhân trong việc đóng góp vào chất lượng tại đơn vị. Văn hóa chất lượng giúp mọi thành viên tuân theo các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực của tổ chức với tinh thần tự giác, thái độ hợp tác, trách nhiệm và chia sẻ. Nhờ vậy, Nhà trường và các cá nhân có khả năng thích ứng với những thay đổi của bên ngoài, thể hiện rõ cam kết chất lượng với người học, với xã hội; hình thành môi trường quản lý chất lượng; có định hướng rõ ràng trong việc phát triển nguồn nhân lực. Đối với cấp độ cá nhân, văn hóa chất lượng được biểu hiện qua việc hoàn thành công việc có chất lượng cao, đúng thời hạn, đảm bảo đủ số lượng sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu, chi phí hợp lí, đáp ứng kỹ năng làm việc nhóm, đoàn kết, dân chủ.

Trong mỗi cơ sở giáo dục, xây dựng văn hóa chất lượng là xây dựng môi trường mà các thành phần trong đó chính là các giá trị mang tính chất định hướng cho các hoạt động có chất lượng. Việc phát triển chất lượng được cộng đồng của cơ sở giáo dục đại học đó đồng thuận xây dựng và thực hiện, thể hiện ở các công tác cụ thể như:

– Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng;
– Xây dựng hệ thống văn bản, công cụ quản lý chất lượng;
– Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đảm bảo chất lượng;
– Tổ chức đánh giá, rà soát chất lượng nội bộ;
– Triển khai kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế;
– Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đảm bảo chất lượng….

* Các bước thực hiện phát triển văn hóa chất lượng: gồm 06 bước:

Đảm bảo chất lượng giáo dục muốn được bền vững cần phải xây dựng văn hóa chất lượng. Vì vậy, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng đang là mối quan tâm lớn của giáo dục đại học Việt Nam, là một trong các yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của mỗi Nhà trường. Khi văn hóa chất lượng được đặt đúng vị trí, mọi hoạt động của các thành viên, tổ chức đều hướng đến chất lượng thì uy tín và thương hiệu của cơ sở giáo dục đại học sẽ được khẳng định. Phát triển văn hóa chất lượng là một quá trình dài lâu, do đó cần phải duy trì việc triển khai thực hiện để đạt các chuẩn mực chất lượng trong suốt quá trình đào tạo.