Võ Thúy Hằng – Cô gái của “cộng đồng”

738

Họ tên: Võ Thúy Hằng

DOB: 3/8/1991

Khóa lớp: K48

Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh quốc tế

Công việc hiện tại: Làm việc tại quỹ Villgro Innovations Foundation

Thành tích nổi bật:

– Quản lý dự án tại ECO Vietnam Group

– Chuyên viên tài chính tại Regina Coffee

– Lọt vào vòng chung kết quốc gia cuộc thi CIMA Global Business Challenge

– Một trong 40 sinh viên xuất sắc nhất nhận được học bổng AMCHAM của Hiệp hội thương mại Mỹ năm 2011.

Ắt hẳn với mỗi “Người Ngoại thương” khi nhắc đến cuộc thi Hult Prize 2013 thì hình ảnh cô gái đội trưởng Võ Thúy Hằng không còn mấy xa lạ. Với sự tự tin, năng động, luôn đi đầu cả về tác phong lẫn tinh thần làm việc, Thúy Hằng luôn tạo một phong cách chuyên nghiệp và sự tin tưởng đối với mọi người. Chính vì lẽ đó mà cô gái này đã được giao trọng trách đảm nhận chức đội trưởng cho đội tuyển Việt Nam tham gia vòng chung kết châu Á của Hult Prize.

Trong suốt 4 năm học ở Ngoại Thương, với những sự cố gắng không ngừng nghĩ, Thúy Hằng đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức hữu ích. Khi nhiều bạn học cùng trang lứa vẫn còn đang loay hoay để định hướng ngành nghề cho tương lai thì Thúy Hằng đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. Trở về từ cuộc thi Hult Prize 2013, cô gái này càng định rõ hơn cho mình những kế hoạch trong tương lai gần. Đạt được những dấu ấn khá ấn tượng trong quãng đời sinh viên nhưng Thúy Hằng luôn nghĩ rằng chưa bao giờ nghĩ mình thành công. “Thời sinh viên không có và cũng không nên có khái niệm thành công. Tất cả chỉ là cơ hội để mình thử và lỗi, học cách sử dụng ưu điểm và khắc phục nhược điểm để hoàn thiện bản thân”. Trường đại học là nơi tốt nhất để mỗi người vấp ngã và tự mình đứng lên. “Mỗi học bổng, giải thưởng không phải mục đích của việc học hay làm việc. Chúng chỉ là cột mốc để sau này nhìn lại, ta thấy được quá trình phát triển của bản thân”. Chính những suy nghĩ khác biệt đã giúp Thúy Hằng có những bước đi vững chắc trong việc theo đuổi niềm đam mê của mình.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất của cô gái Thúy Hằng chính là những vấn đề xoay quanh cộng đồng: ở một trong những đất nước xuất khẩu lương thực nhiều nhất thế giới, vẫn còn quá nhiều người dân thiếu miếng ăn, nhiều trẻ em chậm phát triển, thậm chí chết vì đói kém, suy dinh dưỡng. Chính điều đó cũng là cơ duyên khiến Thúy Hằng tham gia cuộc thi Hult Prize nói riêng và bắt đầu viết nên những câu chuyện kinh doanh cộng đồng của riêng mình. Kết thúc 4 năm Đại học ở Ngoại thương, cô gái này hiện đang làm việc cho quỹ Villgro Innovations Foundation, là một quỹ đầu tư xã hội có trụ sở tại Ấn Độ. Quỹ chuyên hỗ trợ cho các khởi nghiệp sử dụng ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lương và nông nghiệp. Và cơ duyên đến với công việc này cũng bắt nguồn từ một hoạt động vì cộng đồng khác. Đó là lúc cô gái Thúy Hằng đang kiếm tìm lời giải đáp cho cho việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp thân thiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nói chuyện với Thúy Hằng ta thấy được sự say mê của cô với những công việc hỗ trợ, phát triển cho cộng đồng.

Chính những thử thách, những “cột mốc” của thời sinh viên như những bàn đạp để Thúy Hằng tiếp tục với đam mê, khát khao của mình. 4 năm Đại học đối với cô gái này luôn là một khoảng thời gian đẹp và đáng nhớ nhất tính đến tận thời điểm này.

“Cách duy nhất để học nhiều hơn là thử nhiều hơn. Các thầy cô ở Ngoại Thương đã cung cấp những kiến thức nền tảng rất vững chắc. Hãy tập sử dụng lượng kiến thức thông qua những thử thách thực tế”. Đó cũng chính là lời khuyên mà cô gái Thúy Hằng gửi đến tất cả các bạn sinh viên Ngoại thương về việc học cũng như những dự định khởi nghiệp trong tương lai.

Khép lại bài viết, chúng ta cùng chúc cho cô gái bản lĩnh Thúy Hằng sẽ tiếp tục thành công hơn với công việc và những dự án cho cộng đồng của mình. Ngoại thương sẽ luôn tự hào vì có những sinh viên tài năng như cô gái Võ Thúy Hằng và cái tên này sẽ luôn được các thầy cô nhắc đi nhắc lại với sự hãnh diện trong mỗi bài giảng của mình cho các thế hệ mai sau.