6. Sinh viên có nên học thêm ngoại ngữ thứ 2 hay không? Nên học ngoại ngữ gì? Ở đâu? Khi lựa chọn nơi học sinh viên nên lưu ý gì?

9

Học thêm ngoại ngữ thứ 2 mang lại nhiều lợi ích vượt trội, đặc biệt đối với sinh viên trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên, việc có nên học hay không phụ thuộc vào nhu cầu, định hướng nghề nghiệp và khả năng học tập của mỗi sinh viên.

Lợi ích của việc học thêm ngoại ngữ thứ 2

1. Cơ hội nghề nghiệp mở rộng: Biết thêm một ngoại ngữ giúp sinh viên tiếp cận được nhiều cơ hội làm việc tại các công ty đa quốc gia hoặc làm việc ở nước ngoài.

2. Tăng khả năng cạnh tranh: Trên thị trường lao động và môi trường làm việc, biết nhiều ngoại ngữ là một điểm cộng, giúp sinh viên nổi bật hơn so với các ứng viên khác, có thể làm việc với nhiều đối tác quốc tế.

3. Hỗ trợ học tập và nghiên cứu: Ngoại ngữ thứ 2 có thể giúp sinh viên tiếp cận với nhiều tài liệu quốc tế, mở rộng kiến thức và tư duy.

4. Phát triển bản thân: Học ngoại ngữ không chỉ giúp rèn luyện kỹ năng tư duy mà còn mang đến sự hiểu biết về văn hóa, phong tục của các quốc gia khác.

Nên học ngoại ngữ gì?

Việc lựa chọn ngoại ngữ thứ 2 phụ thuộc vào nhiều yếu tố như xu hướng của thị trường lao động, sở thích cá nhân và định hướng nghề nghiệp. Ví dụ đó là ngôn ngữ sử dụng phổ biến tại các nền kinh tế lớn trên thế giới, có nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam; các đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam; ngôn ngữ phổ biến tại nhiều tổ chức quốc tế; ngôn ngữ nhiều người dùng trên thế giới.

Nên học ngoại ngữ ở đâu?

1. Học ngay tại Cơ sở II

Chọn học ngoại ngữ 2 ngay tại trường có các lợi thế sau đây:

– Chương trình giảng dạy như chương trình chính khóa, được Nhà trường thông qua, chú trọng thực tiễn giao tiếp trong môi trường kinh doanh.

– Học phí tương tự như học phần chính khóa, mang tính ưu đãi dành cho SV.

– Lịch học được Cơ sở II bố trí phù hợp với các môn học khác trong học kì giúp tối ưu hóa quỹ thời gian và tiết kiệm chi phí di chuyển, SV không lo lắng về việc bị trùng lịch.

– Đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm. Với ngoại ngữ tiếng Nhật, SV được học với giảng viên người bản xứ ngay từ những bài học đầu tiên.

– Có các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ chuyên gia, nhà lãnh đạo đến từ các doanh nghiệp.

– Có sự sự hỗ trợ đắc lực từ các Mentor là các sinh viên khóa trên, cựu sinh viên và giảng viên chia sẻ phương pháp học tập môn học hiệu quả và giúp định hướng lộ trình học tập phù hợp.

– Tất cả công tác quản lý thực hiện như học phần chính khóa, mục đích là phục vụ người học, không mang tính dịch vụ để tăng nguồn thu.

– Kết quả học tập được ghi nhận trên tại Phụ lục văn bằng như là học phần tự chọn tự do, không tính vào điểm trung bình chung học tập của SV.

2. Các trung tâm ngoại ngữ

Khi lựa chọn nơi học, sinh viên nên lưu ý các vấn đề sau:

– Uy tín và chất lượng: Tìm hiểu về đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy, và kết quả của các học viên trước đây.

– Chi phí: Chọn nơi học có mức học phí phù hợp với khả năng tài chính.

– Thời gian học: Nên chọn các khóa học linh hoạt để phù hợp với lịch học chính khóa.

– Phương pháp giảng dạy: Ưu tiên những nơi tập trung vào thực hành giao tiếp và ứng dụng thực tế.

– Đánh giá từ học viên cũ: Tìm hiểu qua các đánh giá trên mạng hoặc hỏi ý kiến từ bạn bè để lựa chọn nơi học tốt nhất.

Sinh viên chỉ nên đóng tiền học nhiều khóa hoặc một khóa với nhiều cấp độ với thời gian dài và số tiền lớn sau khi có đủ thông tin về chất lượng đào tạo và sự phù hợp với bản thân sinh viên. Sinh viên không nên dành quá nhiều quan tâm đến các ưu đãi, chọn các trung tâm có ưu đãi tốt mà không quan tâm đầy đủ về chất lượng.

3. Các khóa học trực tuyến

Sử dụng các nền tảng trực tuyến để học tập để có thể linh hoạt về thời gian và địa điểm học tập. SV cần tìm hiểu kỹ thông tin, đánh giá của cộng động nguời dùng để lựa chọn nền tảng uy tín và khóa học phù hợp. SV cũng cần lưu ý đề phòng các rủi ro khi giao dịch thanh toán trực tuyến.

4. Học qua các câu lạc bộ

– Tham gia câu lạc bộ ngôn ngữ tại trường hoặc ngoài trường để thực hành giao tiếp.

Khi nào chưa nên đầu tư học ngoại ngữ 2?

– Sinh viên chưa nên đầu tư học ngoại ngữ 2 khi chưa nắm vững ngoại ngữ chính (ví dụ như tiếng Anh) vì việc này có thể gây quá tải.

– Khi lịch học chính khóa và các hoạt động khác quá bận rộn.