Bộ môn Ngoại ngữ tổ chức tọa đàm khoa học “Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hoạt động giảng dạy các môn Ngoại ngữ” (HK2 năm học 2023-2024)

74

In the second half of the 2023-2024 school year, the Department of Foreign Languages conducted a beneficial series of seminars. Drawing upon the diverse expertise of our faculty, these seminars aim to foster constructive dialogue, prompt critical reflection, encourage meaningful exchanges between academia and professional spheres, and furnish valuable resources for both teaching and research endeavors.

Sáng ngày 27/3/2024 Bộ môn Ngoại ngữ đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hoạt động giảng dạy các môn Ngoại ngữ” nhằm chia sẻ, trao đổi kiến thức thực tiễn giảng dạy với đa dạng các chủ đề và thu hút sự trao đổi sôi nổi từ các giảng viên tham dự.

Mở đầu tọa đàm ThS. Huỳnh Thanh Bình chia sẻ tham luận các yếu tố ảnh hưởng bản sắc nghề nghiệp của giảng viên nói chung và giảng viên ngoại ngữ nói riêng, trong đó năm yếu tố cốt lõi là hình ảnh bản thân, lòng tự trọng, động lực làm việc, nhận thức về nhiệm vụ, và viễn cảnh tương lai. Nhận thức xã hội và yếu tố văn hóa có tác động lớn đến Bản sắc nghề nghiệp của giảng viên, vì vậy xây dựng một môi trường làm việc đáp ứng tốt hai khía cạnh này sẽ giúp giảng viên nhận thức sâu sắc hơn nữa bản sắc về nghề nghiệp của mỗi giảng viên. Nối tiếp tọa đàm, ThS. Ngô Thị Thanh Vân chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong giảng dạy và hỗ trợ sinh viên thực hiện các dự án thuyết trình, sáng tạo nội dung câu chuyện và hỗ trợ lồng ghép giọng nói từ những nhân vật do AI cung cấp ở dạng phim hoạt hình hoặc truyện tranh. Việc ứng dụng công cụ AI hiệu quả vào giảng dạy và học tập là xu thế và cũng là yêu cầu cầu thiết yếu trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy nói chung và giảng dạy ngoại ngữ nói riêng hiện nay.

ThS. Nguyễn Quỳnh Trang và ThS. Nguyễn Thị Hà cũng chia sẻ ứng dụng phương pháp giảng dạy môn viết và viết theo dự án để nâng cao kỹ năng viết Thương mại Tiếng Anh và viết luận bậc cơ sở đối với môn Tiếng Nhật. Các giảng viên chia sẻ với sự phát triển vượt bậc của AI hiện nay, giảng dạy môn Viết cần kết hợp song song các hình thức đánh giá chặt chẽ nhằm xác định đúng năng lực của sinh viên để kịp thời đưa ra sự điều chỉnh phù hợp.

Kết thúc chuỗi tọa đàm sinh hoạt chuyên môn của HK2 năm học 2023-2024 là tham luận của ThS. Phan Thị Thu Hiền về kinh nghiệm vận dụng giáo trình phụ trợ Dekiru Nihongo vào giảng dạy tiếng Nhật cơ sở tại Cơ sở II trường đại học Ngoại Thương. Với việc phân tích cấu trúc giáo trình Minnano Nihongo và đặc trưng của giáo trình Dekiru Nihongo giảng viên đã đưa ra các giải pháp bổ sung hiệu quả nội dung giảng dạy, tăng cường bài tập phụ trợ nhằm giúp tối đa hoá năng lực của sinh viên.

Sau đây là một số hình ảnh của buổi Tọa đàm khoa học chuyên môn:

bm-ngoai-ngu-nang-cao-chat-luong-da-dang-hoa-hoat-dong-giang-day-1
Các Giảng viên của Bộ môn Ngoại Ngữ tham gia buổi Tọa đàm khoa học chuyên môn HK2 năm học 2023-2024

bm-ngoai-ngu-nang-cao-chat-luong-da-dang-hoa-hoat-dong-giang-day-2

bm-ngoai-ngu-nang-cao-chat-luong-da-dang-hoa-hoat-dong-giang-day-3
ThS. Ngô Thị Thanh Vân cùng bài chia sẻ về ứng dụng AI vào công tác giảng dạy Ngoại ngữ
bm-ngoai-ngu-nang-cao-chat-luong-da-dang-hoa-hoat-dong-giang-day-4
ThS. Phan Thị Thu Hiền chia sẻ về việc sử dụng giáo trình mới trong giảng dạy tiếng Nhật cơ sở