Chuẩn bị hành trang cho cơ hội nghề nghiệp quốc tế cùng chuyên ngành kinh tế đối ngoại tại Cơ sở II: Những kỹ năng cần thiết cho sinh viên thời đại mới

95

Bước chân vào ngưỡng cửa đại học là một trải nghiệm đầy thú vị nhưng cũng không kém phần lo lắng đối với các bạn học sinh – sinh viên. Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu chính là việc chọn lựa chuyên ngành học phù hợp. Khi đứng trước quyết định quan trọng này, ngoài việc cân nhắc đến năng khiếu và sở thích cá nhân, các bạn còn đặc biệt chú ý đến triển vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Tại Cơ sở II của Trường Đại học Ngoại Thương tại TP.HCM, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đang thu hút sự chú ý và quan tâm đặc biệt từ phía các bạn học sinh – sinh viên. Để cung cấp thêm thông tin chi tiết và cụ thể về cơ hội nghề nghiệp của chuyên ngành này, Bộ môn Kinh doanh & Thương mại Quốc tế đã có một buổi phỏng vấn với anh Hà Thanh Nghĩa, cựu thủ khoa chuyên ngành Kinh tế đối ngoại Khóa 56. Hiện anh đang là Quản lý ngành hàng Sức khỏe – Sắc đẹp Nhà bán hàng xu hướng (Head KAM) tại Shopee Việt Nam. Buổi phỏng vấn này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích và giúp các bạn có cái nhìn rõ nét hơn về tương lai nghề nghiệp trong lĩnh vực này.

Entering the doors of university is an exciting yet anxiety-inducing experience for students. One of the top concerns is choosing the right major. When faced with this important decision, students not only consider their talents and personal interests but also pay special attention to their career prospects after graduation. At Foreign Trade University Ho Chi Minh City Campus, the International Business Economics major is attracting significant attention and interest from students. To provide more detailed and specific information about the career opportunities in this field, the Department of Business & International Trade conducted an interview with Mr. Ha Thanh Nghia, the valedictorian of the International Business Economics major, Class 56. He is currently serving as Head KAM at Shopee Vietnam. This interview promises to provide valuable insights and help students gain a clearer understanding of their future career prospects in this field.

Chào Thanh Nghĩa, bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân, chuyên ngành học ở Ngoại thương và công việc hiện tại của mình?

Xin chào, mình là Thanh Nghĩa, cựu sinh viên Khóa 56, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP.HCM. Hiện tại, Nghĩa đang đảm nhiệm vị trí Quản lý ngành hàng Sức khỏe – Sắc đẹp Nhà bán hàng xu hướng (Head KAM) tại Shopee Việt Nam. Trong suốt thời gian học tại Ngoại thương, Nghĩa đã có cơ hội tiếp cận và nghiên cứu sâu về các khía cạnh của kinh tế quốc tế, thương mại và quản lý chuỗi cung ứng. Những kiến thức này không chỉ giúp mình hiểu rõ hơn về thị trường toàn cầu mà còn trang bị cho tôi những kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề hiệu quả. Công việc hiện tại của mình tại Shopee Việt Nam tập trung vào việc phát triển và quản lý các chiến lược kinh doanh cho ngành hàng Sức khỏe – Sắc đẹp. Nghĩa chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì mối quan hệ với các nhà bán hàng chiến lược, đảm bảo cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Nghĩa cũng theo dõi xu hướng thị trường, phân tích dữ liệu bán hàng và tối ưu hóa các chiến dịch tiếp thị để đạt được kết quả kinh doanh tốt nhất.

nhung-ky-nang-can-thiet-cho-sv-thoi-dai-moi-1
Anh Hà Thanh Nghĩa – Quản lý ngành hàng Sức khỏe – Sắc đẹp Nhà bán hàng xu hướng tại Shopee Việt Nam.
Mr. Ha Thanh Nghia – Head KAM at Shopee Vietnam

Theo Nghĩa, đâu là nguyên nhân khiến cho sinh viên mới tốt nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc?

Trước hết, một số kỹ năng mềm thiết yếu như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, và quản lý thời gian thường chưa được phát triển đầy đủ ở các bạn sinh viên. Những kỹ năng này không chỉ quan trọng trong công việc hàng ngày mà còn là yếu tố quyết định giúp các bạn dễ dàng hòa nhập và thích nghi với môi trường làm việc mới. Nhiều bạn sinh viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng mềm trong suốt quá trình học tập, dẫn đến việc họ gặp khó khăn khi bước vào thị trường lao động. Hơn nữa, một yếu tố quan trọng khác mà mình muốn đề cập là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động. Mỗi năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng, tạo ra áp lực lớn về cung lao động. Trong khi đó, số lượng vị trí công việc phù hợp lại không đủ để đáp ứng tất cả các ứng viên. Điều này đòi hỏi sinh viên phải có những ưu thế nổi bật, không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn về kinh nghiệm và kỹ năng. Bên cạnh đó, trong thời đại toàn cầu hóa và công nghệ số, việc thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin là yêu cầu gần như bắt buộc. Tuy nhiên, một số bạn sinh viên vẫn chưa đạt được trình độ cần thiết, khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm yêu cầu cao về những kỹ năng này.

Ngoài ra, qua quá trình tiếp xúc và làm việc với các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp, mình nhận thấy một số bạn chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng và dường như chưa có kế hoạch phát triển bản thân dài hạn. Trong suốt thời gian học tập, có thể các bạn chưa dành đủ thời gian để tìm hiểu về thị trường lao động, xu hướng nghề nghiệp và tự đánh giá khả năng, sở thích của bản thân. Điều này dẫn đến việc các bạn chưa thực sự biết mình muốn gì và cần làm gì để đạt được mục tiêu nghề nghiệp. Khi đối mặt với nhà tuyển dụng, họ khó có thể thuyết phục về khả năng và tiềm năng của mình.

Vậy theo Nghĩa, nhà tuyển dụng sẽ mong muốn, tìm kiếm điều gì ở các bạn sinh viên mới ra trường?

Bản thân mình cũng là cựu sinh viên của Cơ sở II, được học tập và hoạt động trong một môi trường sáng tạo, năng động, mình nhận thấy rõ được sự nhiệt huyết ở các bạn. Thương hiệu “năng động” dường như gắn liền với các bạn sinh viên Ngoại thương. Đây là một điểm cộng và lợi thế lớn của các bạn. Tuy nhiên, theo mình quan sát, khi lọc CV cũng như khi phỏng vấn thì các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những ứng viên có nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, điều này thể hiện qua kết quả học tập và hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực mà họ theo đuổi. Mặc dù vậy, kiến thức lý thuyết thôi là chưa đủ; các nhà tuyển dụng còn đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm thực tiễn mà sinh viên đã tích lũy được trong quá trình học tập, thông qua các kỳ thực tập, dự án nghiên cứu, hoặc các hoạt động ngoại khóa liên quan đến ngành nghề. Bên cạnh đó, kỹ năng mềm là một yếu tố không thể thiếu. Nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng làm việc nhóm hiệu quả, và kỹ năng quản lý thời gian. Những kỹ năng này giúp sinh viên dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc mới, làm việc hiệu quả với đồng nghiệp, và quản lý công việc một cách khoa học. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng cũng tìm kiếm những ứng viên có thái độ tích cực, tinh thần cầu tiến và ham học hỏi. Nhà tuyển dụng thường sẽ đánh giá cao những sinh viên có khả năng tự học, chủ động tìm kiếm kiến thức mới và không ngừng nỗ lực để phát triển bản thân. Tinh thần làm việc chăm chỉ, trách nhiệm và khả năng thích nghi với những thay đổi trong môi trường làm việc cũng là những phẩm chất mà nhà tuyển dụng mong muốn ở các ứng viên.

Một yếu tố quan trọng không kém chính là sự đam mê và định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Nhà tuyển dụng muốn thấy được sự nhiệt huyết và cam kết của sinh viên đối với ngành nghề mà họ chọn. Họ cần những người có mục tiêu nghề nghiệp cụ thể, biết mình muốn gì và có kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó. Sự quyết tâm và định hướng rõ ràng không chỉ giúp sinh viên thuyết phục được nhà tuyển dụng mà còn tạo động lực để họ phát triển trong công việc sau này.

Như Nghĩa vừa chia sẻ, các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những ứng viên có nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc. Vậy theo học chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Cơ sở II đã giúp ích gì cho công việc hiện tại của bạn?

Thật sự chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP.HCM đã giúp ích rất nhiều và mang lại rất nhiều lợi ích quan trọng cho mình. Đầu tiên, chương trình học đã cung cấp cho mình một nền tảng kiến thức sâu rộng về kinh tế quốc tế, thương mại và đầu tư. Những kiến thức này không chỉ giúp mình hiểu rõ về các quy luật và xu hướng của thị trường toàn cầu mà còn giúp mình có thể áp dụng hiệu quả vào công việc hàng ngày. Bên cạnh đó, quá trình học tập tại Trường Đại học Ngoại thương còn giúp Nghĩa phát triển nhiều kỹ năng quan trọng. Quyết định theo học ngành Kinh tế đối ngoại tại Cơ sở II là một quyết định đúng đắn của bản thân mình bởi tính thực tế và ứng dụng linh hoạt mà chuyên ngành mang lại. Chương trình không chỉ cung cấp kiến thức vững về kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế, quan hệ quốc tế mà còn đề cao tính ứng dụng thực tiễn trong chương trình học, đáp ứng chặt chẽ với những yêu cầu thực tế của ngành, giúp sinh viên có sự cọ xát và áp dụng kiến thức đã học vào môi trường doanh nghiệp. Khi theo học chuyên ngành này, bản thân Nghĩa nhận thấy rất rõ chương trình được Nhà trường thiết kế theo hướng không nặng về lý thuyết như các trường kinh tế khác mà thiên về đào tạo và phát triển kỹ năng thông qua việc tập trung vào trải nghiệm cũng như sự tư duy về kinh tế, kinh doanh ở sinh viên. Thêm vào đó, sinh viên FTU2 còn được rèn luyện trong môi trường chú trọng thực hành và phát triển kỹ năng, có nhiều cơ hội thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết các case study, lập kế hoạch kinh doanh. Điều này sẽ giúp các bạn sinh viên mài dũa những kỹ năng quan trọng để phục vụ cho nghề nghiệp của mình sau này như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện…

Đồng thời, Nghĩa cũng muốn nhấn mạnh rằng, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã giúp mình mở rộng mạng lưới quan hệ. Trong suốt thời gian học, Nghĩa đã có cơ hội gặp gỡ và kết nối với nhiều giảng viên giàu kinh nghiệm, các bạn học cùng chí hướng, cũng như các doanh nhân và chuyên gia trong các buổi hội thảo, sự kiện ngành. Mạng lưới này không chỉ mang lại những cơ hội nghề nghiệp mà còn cung cấp cho Nghĩa nhiều thông tin và góc nhìn quý báu về ngành nghề. Ngoài ra, việc học tại một trường đại học có uy tín như Trường Đại học Ngoại thương cũng giúp mình có được sự tự tin và uy tín khi bước vào thị trường lao động. Tên tuổi và chất lượng đào tạo của trường đã giúp Nghĩa dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm và tạo dựng niềm tin với nhà tuyển dụng. Vì thế, sự định hướng rõ ràng và tinh thần cầu tiến được hình thành trong suốt quá trình học tại trường đã giúp Nghĩa rất nhiều trong việc phát triển sự nghiệp. Những kiến thức và kỹ năng tích lũy từ chuyên ngành Kinh tế đối ngoại không chỉ là nền tảng vững chắc cho công việc hiện tại mà còn là động lực để mình không ngừng học hỏi và phấn đấu trong tương lai.

Được biết khi còn là sinh viên, bên cạnh thành tích học tập tốt, Nghĩa còn là một cán bộ Đoàn tiêu biểu, năng nổ trong các hoạt động phong trào của Đoàn Thanh niên. Các hoạt động này có lợi ích thiết thực gì cho bạn?

Khi được hỏi về lợi ích của các hoạt động phong trào Đoàn Thanh niên đối với bản thân, mình luôn tự hào khi nói rằng những trải nghiệm này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực và to lớn. Trước hết, tham gia các hoạt động Đoàn giúp mình phát triển kỹ năng lãnh đạo và quản lý. Việc tổ chức các sự kiện, điều hành các cuộc họp, và dẫn dắt đội nhóm đã rèn luyện cho mình khả năng lập kế hoạch, quản lý thời gian, và phân công nhiệm vụ hiệu quả. Những kỹ năng này rất hữu ích trong công việc hiện tại của mình, giúp mình điều phối công việc một cách khoa học và hiệu quả. Đồng thời, các hoạt động Đoàn còn giúp mình cải thiện kỹ năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ. Tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau, Nghĩa có cơ hội gặp gỡ, làm việc với nhiều người từ các ngành nghề, hoàn cảnh khác nhau. Điều này không chỉ mở rộng mạng lưới quan hệ mà còn giúp Nghĩa học hỏi được nhiều kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và thuyết phục, từ đó nâng cao khả năng tương tác xã hội.

Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP.HCM luôn tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, hỗ trợ sinh viên. Nhà trường luôn dành sự quan tâm rất lớn cho các hoạt động câu lạc bộ của sinh viên. Với hơn 30 câu lạc bộ, đội, nhóm, Đoàn, Hội sinh viên, đã tạo ra môi trường rèn luyện và phát triển các kỹ năng mềm cho sinh viên, vì thế sinh viên Ngoại thương luôn được biết đến bởi sự năng động, sáng tạo và đa tài. Việc tham gia các hoạt động phong trào cũng giúp Nghĩa phát triển tinh thần đồng đội và khả năng làm việc nhóm. Những dự án và chương trình Đoàn yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, giúp Nghĩa hiểu rõ hơn về sức mạnh của làm việc nhóm và tinh thần hợp tác. Kỹ năng này rất cần thiết trong môi trường làm việc hiện tại, nơi mà sự thành công thường đến từ nỗ lực của cả tập thể.

Thanh Nghĩa muốn nhắn gửi đến các em sinh viên còn đang đi học nên chuẩn bị những gì cho tương lai?

Trong thời đại ngày nay, các kỹ năng cần thiết đã có nhiều thay đổi so với thế hệ trước. Đầu tiên, các bạn sinh viên cần chú trọng vào kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là Tiếng Anh. Tiếng Anh gần như trở thành ngôn ngữ bắt buộc không chỉ trong công việc mà cả trong đời sống hàng ngày. Tiếp theo, kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cứng cũng rất quan trọng, bao gồm việc thành thạo tin học văn phòng và sử dụng các công cụ hỗ trợ công việc như Canva, AI, Trello, Slack, và nhiều ứng dụng khác. Như mình đã chia sẻ ở đầu buổi phỏng vấn, kỹ năng mềm đóng vai trò quan trọng không kém. Vì thế, các bạn cần phát triển khả năng giao tiếp khéo léo, biết cách tạo thiện cảm với người khác và nắm bắt được ngôn ngữ cơ thể của đối phương. Khả năng xử lý tình huống khéo léo trong giao tiếp sẽ giúp các bạn có ưu thế lớn khi tương tác trong môi trường công việc.

Ngoài ra, các bạn cũng cần chuẩn bị và liên tục cập nhật kiến thức, theo kịp xu thế xã hội và duy trì tư duy cởi mở. Sẵn sàng chấp nhận những ý kiến trái chiều, không tự ái khi được góp ý hoặc bị phủ nhận ý kiến, và rèn luyện khả năng chịu áp lực công việc là những yếu tố quan trọng. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, hầu hết những người thành công trong lĩnh vực của họ đều sở hữu những tố chất này. Đồng thời, khả năng thích nghi và cam kết lâu dài với một công việc là rất quan trọng. Nếu không hòa hợp được với môi trường công sở và thường xuyên nhảy việc hàng năm, hồ sơ của các bạn có thể bị đánh giá thấp. Điều này cũng gây khó khăn trong việc thăng tiến, vì các bạn sinh viên chưa chứng minh được sự cam kết lâu dài, năng lực và khả năng chịu áp lực trong một đơn vị trong khoảng thời gian ít nhất 2-3 năm. Do đó, sự ổn định và sự kiên trì trong công việc sẽ là nền tảng vững chắc cho thành công trong tương lai.

Cảm ơn Thanh Nghĩa. Bộ môn Kinh doanh và Thương mại quốc tế chúc Nghĩa nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành công. Hy vọng Nghĩa sẽ có dịp chia sẻ nhiều hơn với Bộ môn và với các bạn sinh viên trong tương lai.