CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ ĐỐI NGOẠI TẠI CƠ SỞ 2 TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG: BƯỚC KHỞI ĐẦU VỮNG CHẮC CHO TƯƠNG LAI

116

Với chiến lược phát triển trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo, Cơ sở 2 Trường Đại học Ngoại thương tại TP.HCM đặt ra mục tiêu luôn không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt, ngành Kinh tế đối ngoại được coi là một trong những ngành học trọng điểm của Nhà trường. Với hướng thiết kế đề cao tính ứng dụng và thực tiễn, chuyên ngành này không chỉ là cầu nối giữa lý thuyết và thực tế mà còn mở ra cơ hội để sinh viên tự tin bước vào thị trường lao động ở nhiều vị trí việc làm phù hợp với niềm đam mê và chuyên môn. Qua đó, sinh viên có khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc đa dạng và bản lĩnh vượt qua những thách thức trong bối cảnh kinh doanh quốc tế ngày nay.

With the strategy of becoming a university of innovation and creativity, Foreign Trade University (FTU) – HCMC Campus has set a goal to continuously improve the quality of education, leading the country in the fields of economics, business, and the startup ecosystem. In particular, International Business Economics is considered one of the key majors of FTU. With a design that emphasizes application and practice, this major is not only a bridge between theory and practice but also opens up opportunities for students to confidently enter the labor market in many positions that are suitable for their passion and expertise. Through this, students can adapt flexibly to a diverse working environment and dare to overcome challenges in the context of international business today.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, kinh tế đối ngoại đã trở thành một lĩnh vực quan trọng, đóng góp to lớn cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Nắm bắt được xu thế đó, Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên ngành Kinh tế đối ngoại ngay từ khi mới thành lập trường cho tới nay với mục tiêu cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành những ứng viên am hiểu về chuyên môn, vững vàng nghiệp vụ và có năng lực thích ứng với môi trường làm việc quốc tế. Khi theo học chương trình, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức, nghiệp vụ từ cơ bản đến chuyên sâu trong các khía cạnh của kinh tế đối ngoại, bao gồm thanh toán quốc tế, giao dịch thương mại quốc tế, vận tải, bảo hiểm và những vấn đề khác trong quan hệ kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Chuyên ngành đảm bảo đầu ra về các kỹ năng cần thiết cho sinh viên để phục vụ cho công việc sau này như kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, lập luận, phân tích, làm việc nhóm, thu thập và xử lý thông tin, xây dựng mô hình, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn, v.v. Chính những kỹ năng này sẽ là chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa cơ hội việc làm và định hướng nghề nghiệp theo đúng với đam mê và khả năng chuyên môn của sinh viên.

Với hơn 14 năm kinh nghiệm phụ trách quản lý nhân sự ở tất cả các mảng tại hai ngân hàng nước ngoài hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Hồng Cúc – Giám đốc Nhân sự Ngân hàng KEB Hana, chi nhánh Hồ Chí Minh, đã tham gia tư vấn tuyển dụng, đào tạo và xây dựng định hướng nghề nghiệp ứng viên, đặc biệt cho các bạn sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Bà Cúc chia sẻ: “Bản thân tôi cảm nhận rất rõ tính ứng dụng thực tiễn cao của chương trình đào tạo chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại FTU2 trong yêu cầu công việc tại doanh nghiệp, đặc biệt về lĩnh vực hợp tác thương mại trong nước và quốc tế.” Theo bà Hồng Cúc, chương trình học tại Cơ sở II không nặng về lý thuyết như các trường kinh tế khác, mà thiên về đào tạo và phát triển kỹ năng thông qua việc tập trung vào trải nghiệm cũng như sự tư duy về kinh tế, kinh doanh ở sinh viên. Cụ thể, sinh viên được tham gia nhiều hoạt động thực hành như thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết các case-study, lập kế hoạch kinh doanh,… Đặc biệt, bà đánh giá cao về môi trường học tập năng động, sáng tạo ở FTU2. Nhờ có môi trường học tập tích cực này đã giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm và sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách.

chuyen-nganh-kinh-te-doi-ngoai-tai-co-so-2-buoc-khoi-dau-vung-chac-cho-tuong-lai-1
Bà Nguyễn Thị Hồng Cúc – Giám đốc Nhân sự Ngân hàng KEB Hana, chi nhánh Hồ Chí Minh
Ms. Nguyen Thi Hong Cuc – Human Resources Director of KEB Hana Bank, Ho Chi Minh branch

Qua quá trình nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bà Cúc cho rằng nhu cầu nhân sự đối với ngành tại thời điểm hiện tại sẽ không có nhiều biến động, đặc biệt là nhân sự có trình độ chuyên môn bậc đại học và sau đại học chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Tài chính – Ngân hàng hoặc các chuyên ngành khác phù hợp với vị trí của từng phòng ban. Tuy nhiên, trong thời gian tới, trước áp lực của quá trình hội nhập toàn cầu, thương mại quốc tế và quan hệ kinh tế sâu rộng sẽ tạo điều kiện cho các lĩnh vực ngân hàng, tài trợ thương mại xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế, logistics và vận tải quốc tế của các doanh nghiệp thương mại xuất nhập khẩu ngày càng được nở rộ, tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp các trường và các ngành học có liên quan.

Đối với ngành ngân hàng nói chung và tại Ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh TP.HCM nói riêng, các kiến thức và kỹ năng cơ bản có thể kể đến như khả năng phân tích đầu tư tài chính, quản trị rủi ro, vận hành và hoạt động của ngân hàng, quản lý nguồn vốn, nắm bắt xu hướng thị trường, hiểu các quy định của pháp luật, khả năng ngoại ngữ tốt, v.v. Đây là những kỹ năng quan trọng giúp sinh viên có thể đưa ra những quyết định đầu tư hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao. Quá trình này đòi hỏi sự hiểu biết về các yếu tố tác động đến thị trường tài chính, khả năng phân tích và dự báo xu hướng thị trường, cũng như khả năng phân tích và đánh giá thông tin.

Trong quá trình tuyển dụng tại Ngân hàng KEB Hana, bà Cúc đã có dịp tiếp xúc và phỏng vấn với nhiều sinh viên đến từ Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương. Bà nhận thấy các bạn rất năng động, được trang bị kiến thức chuyên môn một cách đầy đủ, sở hữu kỹ năng tiếng Anh tốt và một thái độ tích cực. Hơn nữa, bà Cúc đặc biệt ấn tượng về sinh viên Cơ sở II ngành Kinh tế đối ngoại bởi tính cầu thị, ham học hỏi, có khả năng thích nghi cao trong nhiều môi trường làm việc, ngành nghề khác nhau. Hiện tại, Ngân hàng KEB Hana – Chi nhánh TPHCM cũng đang tuyển dụng các nhân viên là cựu sinh viên của Cơ sở II và bà đánh giá cao về trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn và năng lực làm việc của các nhân viên này.

Tại Cơ sở II, sinh viên được biết đến với sự sáng tạo, năng động và xông xáo. Điều này không chỉ là do năng khiếu bẩm sinh của mỗi cá nhân mà còn là nhờ vào môi trường giáo dục cởi mở, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển sở trường riêng. Nhà trường luôn đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, hỗ trợ sinh viên phát triển toàn diện. Các hội thảo chuyên đề, định hướng nghề nghiệp giúp sinh viên lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp. Những chương trình ngày hội việc làm đã giúp sinh viên cọ xát trực tiếp với nhà tuyển dụng, tích lũy kinh nghiệm làm việc. Bên cạnh đó, nhà trường cũng dành sự quan tâm lớn cho các hoạt động câu lạc bộ của sinh viên. Nhờ đó, sinh viên Cơ sở II luôn được trau dồi và rèn luyện những kỹ năng mềm thiết yếu như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, v.v. Đặc biệt, đại đa số sinh viên Ngoại thương có vốn ngoại ngữ tốt, là nền tảng vững chắc để họ phát huy khả năng của mình và tỏa sáng trong bất kỳ môi trường nào. Chính nhờ những yếu tố trên, sinh viên Cơ sở II luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao bởi khả năng học hỏi, sự chủ động và nhiệt huyết. Đó là những nhân tố tiềm năng, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng phức tạp của ngành, bà Cúc muốn nhắn gửi một số lời khuyên đến các bạn sinh viên đang theo học ngành này. Đối với các sinh viên đang theo học tại trường, có quan tâm đến cơ hội việc làm trong ngành ngân hàng, trong thời gian còn theo học tại trường nên tập trung trao dồi kiến thức thật tốt, cũng như cần phải chú trọng phát triển các kỹ năng xã hội khác. Đối với những sinh viên ở giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp thì nên tích cực tìm hiểu các vai trò vị trí của từng phòng ban, từ đó xác định rõ định hướng nghề nghiệp của bản thân. Sau khi tốt nghiệp hoặc thậm chí trong thời gian còn đi học, các bạn sinh viên có thể tìm hiểu và tham gia các vị trí thực tập ở các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính lớn để có kinh nghiệm làm việc. Ngoài ra, để có được các tham vấn chính xác và phù hợp nhất, các bạn sinh viên cũng nên tạo dựng và duy trì mối quan hệ tốt với các anh chị đi trước trong ngành. Qua đó, giúp mở rộng cơ hội nghề nghiệp, tạo tiền đề để các bạn sinh viên Cơ sở II trở thành những ứng viên tiềm năng trên thị trường lao động khốc liệt như hiện nay.

Trong bối cảnh chuyển động không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, Kinh tế đối ngoại vẫn giữ vững sức hấp dẫn và độ “hot” của mình. Với cách tiếp cận một cách khoa học, thực tiễn và sáng tạo, sinh viên tại Cơ sở II không chỉ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mà còn được rèn luyện trong một môi trường học thuật năng động, sáng tạo, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển và trải nghiệm thực tế. Với những nỗ lực này, bài viết hi vọng mang lại cái nhìn sâu sắc và lời khuyên hữu ích từ chuyên gia ngành, giúp sinh viên đánh giá chính xác về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình và tìm kiếm những tiềm năng phát triển đầy hứa hẹn trong ngành kinh tế đối ngoại.