Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương – Tích cực hưởng ứng, triển khai hành động vì bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành giáo dục

65

Foreign Trade University – HCMC Campus actively responded and implemented actions for gender equality and for the advancement of women in agencies, units in particular and in the education sector in general, contributing to the promotion of gender equality, for the advancement of women in the country.

Ngày nay, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển hiện đại, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thì không những các chỉ số phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường hay thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa được quan tâm mà việc thực hiện bình đẳng giới gắn với việc thúc đẩy phát huy vai trò của phụ nữ cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng tới sự phát triển kinh tế – xã hội, là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá mức độ phát triển và đã trở thành mục tiêu phấn đấu quan trọng của các quốc gia trên thế giới.

tich-cuc-huong-ung-trien-khai-hanh-dong-vi-binh-dang-gioi-
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Trong thời gian qua, nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng về thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ngân hàng thế giới đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có sự thay đổi nhanh chóng về xóa bỏ khoảng cách giới. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có khung pháp lý về bình đẳng giới khá tiến bộ, việc thực hiện bình đẳng giới trong thực tiễn cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, những thành quả đạt được là kết quả của Đảng, Nhà nước ta trong việc vận dụng đúng đắn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện bình đẳng giới.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ hy sinh cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân… mà Người còn đặc biệt quan tâm đến bình đẳng giới, sinh thời Người đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”

Trước lúc ra đi, Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam một bản Di chúc quý giá, trong đó có những dòng viết riêng cho Phụ nữ Việt Nam: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới, về vai trò của người phụ nữ đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng và phát triển một cách toàn diện và đã được thể chế hóa thành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngay từ khi thành lập vào năm 1930, trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu “nam nữ bình quyền” là một trong những nhiệm vụ cần thực hiện. Quan điểm chỉ đạo của Đảng về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được thể hiện xuyên suốt qua từng thời kỳ, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về công tác phụ nữ như: Nghị quyết số 04/NQ-TƯ ngày 12/7/1993 về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước…; Chỉ thị 37-CT/TƯ ngày 16/5/1994 về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết 11-NQ/TƯ ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/20218 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới… Các Nghị quyết, Chỉ thị được ban hành đã nhấn mạnh quan điểm, chủ trương của Đảng nhằm nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ, thúc đẩy làm tốt hơn nữa công tác cán bộ nữ và tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới và xây dựng đất nước, đồng thời đề ra mục tiêu: “Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất cả khu vực”.

Thực hiện các chỉ đạo, quan điểm, chủ trương của Đảng về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật cụ thể nhằm tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi để phụ nữ tham gia tích cực vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại Điều 9, Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 cũng nêu rõ “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” và trong các bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 cũng quy định: “Công dân nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và gia đình. Nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Lao động nam nữ làm việc như nhau thì hưởng lương như nhau. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội”. Điều 26 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”.

Ngày 12 tháng 2 năm 1985, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập, đây là một dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta vì sự tiến bộ phụ nữ và thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới. Đến nay, sau gần 40 năm thành lập và hoạt động, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực, tham mưu mang tính chiến lược, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc hoạch định chính sách, pháp luật, góp phần ngày càng nâng cao vai trò, vị thế, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, thúc đẩy các hoạt động thực hiện bình đẳng giới ở nước ta.

Ngày 29 tháng 11 năm 2006, Quốc hội thông qua Luật Bình đẳng giới, đây tiếp tục là sự kiện thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta và ý chí của nhân dân về vấn đề thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và thực hiện quyền phụ nữ. Bên cạnh đó, nội dung về bình đẳng giới, quyền phụ nữ cũng được chú trọng trong các luật: Hôn nhân và gia đình; Phòng, chống bạo lực gia đình; Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân; Bảo hiểm xã hội,…

Ngày 24 tháng 12 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, đây là một trong những công cụ quan trọng để đưa luật bình đẳng giới vào cuộc sống. Sau 10 năm thực hiện, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ đang ngày càng được triển khai đồng bồ, tạo sự chuyển rõ rệt trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong đội ngũ công chức, viên chức và nhân dân. Kế thừa những giá trị đó, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2021-2030 đã được ban hành kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ, trong đó nêu rõ mục tiêu: Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo nước ta đã có vai trò chiến lược, cùng các ngành, các cấp, triển khai thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, nữ giới chiến 47,3% lực lượng lao động chính của cả nước, có khoảng trên 285,6 nghìn doanh nghiệp do nữ doanh nhân đứng đầu, chiếm 24% số doanh nghiệp cả nước. Ở góc độ giáo dục, tỷ lệ nữ biết chữ trong độ tuổi 15-60 đạt 97,33%, tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 54,25%, tỉ lệ nữ tiến sĩ đạt 30,8%, đây là kết quả đáng trân trọng, thể hiện được vai trò chiến lược, đóng góp quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo nói chung và công tác giáo dục cho phụ nữ nói riêng.

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 383/QĐ-BGDĐT ngày 26/01/2022 về kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó nêu rõ mục tiêu: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Đây là cơ sở quan trọng để các ngành giáo dục cả nước ra sức phấn đấu, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục cả nước trong thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, góp phần hoàn thành mục tiêu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, Trường Đại học Ngoại thương nói chung và Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực hưởng ứng, triển khai hành động vì bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong cơ quan, đơn vị nói riêng và trong ngành giáo dục nói chung, góp phần vào công cuộc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ của đất nước.

Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Trường Đại học Ngoại thương (được thành lập theo Quyết định số 3097/QĐ-ĐHNT ngày 14 tháng 12 năm 2021) luôn được quan tâm, kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, cá nhân mỗi viên chức, người lao động của Trường Đại học Ngoại thương nói chung và Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương nói riêng luôn tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch do Ủy ban vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai.

Đảng, Bác Hồ đã phong tặng phụ nữ Việt Nam Tám chữ vàng “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ đổi mới đất nước không chỉ là sự khích lệ, động viên mà còn là sự thừa nhận và đánh giá vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam. Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu quan trọng của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Cùng hướng tới mục tiêu xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ thiết lập và củng cố mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ nam nữ.

Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận thức rõ và xác định việc phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần đoàn kết, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới là mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt quan trọng trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành giáo dục. Mỗi viên chức, người lao động và đặc biệt đội ngũ viên chức quản lý, viên chức là đảng viên trong đơn vị không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo nhằm góp phần xây dựng ngành giáo hiện đại, đổi mới, sáng tạo, hướng tới hoàn thành mục tiêu của ngành giáo dục trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.