Đề án trợ giảng – Bệ phóng nuôi dưỡng tài năng – Hành trình của Trợ giảng Lê Vũ Thu Hằng từ Ngoại Thương đến Đại Học Sydney

816

*Teaching Assistant Program – A Launchpad for Nurturing Talents: Teaching Assistant Le Vu Thu Hang’s Journey from Foreign Trade University to the University of Sydney

In line with Foreign Trade University’s Development Strategy for the period 2021-2030, with a vision towards 2040, FTU aims to become a leading innovative university in Asia. With this goal in mind, the University has been implementing numerous activities to enhance the innovative capacity of its staff. Adhering to the educational philosophy of “liberating education, grounded in practice; fostering honesty, responsibility, and creativity”, FTU has become a hub for talented individuals, where passion is nurtured and innovative ideas are encouraged. To realize this key mission, FTU has developed a “Pilot Program for Training and Developing Teaching Assistants”, which has attracted outstanding graduates who are passionate about teaching and eager to contribute to FTU. The program is tailored to the specific needs of each individual, fostering development in a dynamic and creative environment, and is designed with a detailed three-year roadmap. Let’s listen to Lê Vũ Thu Hằng, a teaching assistant in the Department of International Business and Trade, to gain a deeper understanding of the overseas study environment, her attachment to FTU, and the benefits enjoyed by teaching assistants participating in this program.

Thực hiện Chiến lược phát triển trường Đại học Ngoại thương giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2040, trường Đại học Ngoại thương đặt mục tiêu phấn đấu trở thành đại học đổi mới sáng tạo, nằm trong nhóm các đại học hàng đầu Châu Á. Với mục tiêu đó, Nhà trường đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho đội ngũ viên chức của Nhà trường. Với triết lý giáo dục “Giáo dục hướng tới khai phóng, gắn với thực tiễn; nuôi dưỡng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo”, trường Đại học Ngoại thương đã trở thành nơi hội tụ của những tài năng, nơi nuôi dưỡng đam mê, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo. Để hiện thực hóa nhiệm vụ trọng tâm này, Nhà trường đã xây dựng “Đề án thí điểm đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức trợ giảng” 2021 qua đó đã thu hút các cựu sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, tâm huyết với nghề giáo, mong muốn gắn bó với Nhà trường. Đề án được xây dựng dựa trên những nhu cầu thực tế của từng cá nhân, phát triển trong điều kiện môi trường năng động, sáng tạo, được thiết kế đầy đủ, chi tiết theo lộ trình phát triển 03 năm. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ Lê Vũ Thu Hằng, Trợ giảng Bộ môn Kinh doanh & Thương mại quốc tế, Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương tại TP. Hồ Chí Minh, để hiểu rõ hơn về môi trường đang học tập ở nước ngoài, tình cảm gắn bó với Nhà trường và các quyền lợi của viên chức trợ giảng khi tham gia Đề án này.

Xin chào Thu Hằng, bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và chia sẻ lý do tại sao bạn lựa chọn tham gia Đề án Trợ giảng tại Cơ sở 2?

Mình là Thu Hằng, cựu sinh viên Khóa 56, chương trình chất lượng cao chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Cơ sở 2 trường Đại học Ngoại Thương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại mình đang theo học chương trình thạc sĩ Kinh doanh quốc tế tại Đại học Sydney (Úc), với tư cách là một Trợ giảng của Nhà trường được cử đi đào tạo để nâng cao trình độ.

Chặng đường từ những ngày đầu bước chân vào Ngoại Thương cho đến khi được chọn tham gia Đề án trợ giảng này đã mang lại cho mình nhiều bài học quý giá. Tại Ngoại Thương, mình đã tích lũy được những kiến thức nền tảng vững chắc, cùng với niềm đam mê cháy bỏng trong lĩnh vực Kinh doanh quốc tế. Với những kinh nghiệm thực tế khi làm việc cho doanh nghiệp đa quốc gia, thông qua chương trình tuyển dụng vị trí trợ giảng, mình đã quay trở lại Ngoại Thương với tâm thế, kiến thức vững vàng hơn và luôn nuôi trong mình đam mê được truyền tải các kiến thức, kĩ năng bổ ích cho các bạn sinh viên, cũng chính là mình ngày xưa khi nhìn lại.

Ngoài ra, mình cảm nhận được rằng Nhà trường luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để mình và các viên chức trợ giảng khác có thể phát triển và phát huy hết năng lực của bản thân. Việc tham gia vào đề án thí điểm đào tạo và bồi dưỡng trợ giảng đã giúp mình phát triển bản thân một cách toàn diện thông qua việc định hướng, xây dựng lộ trình đào tạo, tham gia các khóa bồi dưỡng tự chọn, phối hợp cùng với các Thầy Cô trong đơn vị thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Đây là cơ hội tuyệt vời để các viên chức trợ giảng được học hỏi, cọ xát với thực tế, nâng cao kiến thức và các kỹ năng cần thiết cho bản thân. Đặc biệt, mình và các viên chức trợ giảng còn được tham gia vào các hoạt động nhóm mentoring, có cơ hội học hỏi từ các giảng viên giàu kinh nghiệm và được các Thầy Cô xây dựng, định hướng và hỗ trợ trong suốt quá trình làm việc. Trong khuôn khổ Đề án, các trợ giảng có cơ hội được tham gia vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, phù hợp với hướng nghiên cứu và năng lực của bản thân.

de-an-tro-giang-be-phong-nuoi-duong-tai-nang-1
Trợ giảng Lê Vũ Thu Hằng tham gia chương trình thạc sĩ tại Đại học Sydney (Úc)
Le Vu Thu Hang participates in the master’s program at the University of Sydney (Australia)

Thu Hằng có thể chia sẻ những trải nghiệm học tập tại Úc và bạn có gặp phải những khó khăn gì khi phải tự lập và thích nghi với cuộc sống ở một đất nước mới?

Khi đặt chân đến Úc, mình đã có những trải nghiệm đầu tiên về cuộc sống tại một đất nước hoàn toàn mới lạ. Đại học Sydney không chỉ là một môi trường học tập xuất sắc, mà còn là nơi mình gặp gỡ những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới. Những góc nhìn đa dạng từ họ đã mở rộng tầm nhìn của mình, giúp mình hiểu sâu hơn về những vấn đề quốc tế dưới nhiều lăng kính khác nhau. Cuộc sống ở Úc cũng mang đến cho mình những thử thách và cơ hội tuyệt vời. Mình phải học cách tự lập, quản lý thời gian, và làm quen với nhịp sống nhanh chóng nơi đây. Sự cố gắng không ngừng nghỉ trong các bài tập, dự án đổi lại mình được tiếp xúc, mở rộng mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, bạn bè khác nhau và những cơ hội được trình bày ý tưởng của bản thân cho các đại diện đến từ doanh nghiệp hàng đầu tại Úc – tất cả đều là những kỷ niệm đáng nhớ mà mình luôn trân trọng. Trong vai trò trợ giảng, ngoài việc học tập, mình còn tham gia vào việc xây dựng và góp ý cho các đề cương, bài giảng cho các thầy cô tại đây cũng như hỗ trợ các sinh viên khác. Đây là cơ hội quý giá giúp mình tiếp cận với các phương pháp giảng dạy tiên tiến và rèn luyện kỹ năng chuyên môn. de-an-tro-giang-be-phong-nuoi-duong-tai-nang-2de-an-tro-giang-be-phong-nuoi-duong-tai-nang-3

de-an-tro-giang-be-phong-nuoi-duong-tai-nang-4
Trợ giảng Thu Hằng và những người bạn quốc tế
Teaching assistant Thu Hang and her international friends

Thu Hằng có thể chia sẻ về chặng đường mà bạn đã hoàn thành của Đề án trợ giảng và dự định sắp tới của bạn sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ ở Úc?

Nhìn lại nửa chặng đường trợ giảng đã qua, mình thấy bản thân đã trưởng thành hơn rất nhiều. Từ việc tham dự các sự kiện học thuật, khoa học, đến việc tham gia các diễn đàn và hoạt động thực tế tại doanh nghiệp, mình đã học được rất nhiều điều mới mẻ và bổ ích. Khi có cơ hội được giao lưu với các doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, mình có cái nhìn bao quát hơn về các hoạt động tiếp cận thị trường quốc tế, hiểu rõ hơn những cơ hội và khó khăn đối với các doanh nghiệp. Từ đó cùng với họ trao đổi kiến thức và cũng là cơ hội để mình học hỏi nhằm hoàn thiện hơn về bài giảng cho các bạn sinh viên khoá sau. Ngoài ra, trong chương trình trợ giảng, mình được tài trợ tham gia học tập tại các tổ chức về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng chuyên môn, tiếng Anh để nâng cao trình độ. Mình cũng được luân chuyển nội bộ giữa các đơn vị trong Nhà trường với 3 tháng làm việc ở Trụ sở chính để có thể học tập kinh nghiệm giảng dạy từ các thầy cô để hoàn thiện hơn kỹ năng của bản thân.

de-an-tro-giang-be-phong-nuoi-duong-tai-nang-5
Lê Vũ Thu Hằng, trợ giảng tại Bộ môn Kinh doanh & Thương mại quốc tế
Le Vu Thu Hang, teaching assistant at the Department of International Business & Trade

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, mình dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực Kinh doanh quốc tế, với hy vọng có thể mang những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được quay về đóng góp cho trường Đại học Ngoại thương, nơi đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho ước mơ của mình. Mình thật sự rất biết ơn và tự hào khi có cơ hội được trở thành một phần của Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương. Với niềm đam mê và lòng biết ơn sâu sắc ấy, mình tự nhủ bản thân sẽ nỗ lực hết mình, luôn giữ một tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi và trau dồi kiến thức không ngừng để trở thành một trợ giảng xuất sắc, cống hiến sức lực, thời gian và tâm huyết của mình, góp phần vào sự phát triển chung của trường Đại học Ngoại thương. Bên cạnh đó, với vai trò đại sứ sinh viên quốc tế của trường Đại học Sydney về kinh doanh, mình dự định tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng và phát triển mối quan hệ giữa hai trường thông qua các cuộc thi, chương trình trao đổi và nhiều sự kiện khác. Nếu các bạn cũng có chung niềm đam mê trong việc truyền tải kiến thức và trải nghiệm học tập nghiên cứu, Đề án trợ giảng của trường Đại học Ngoại thương chắc chắn sẽ là một lựa chọn tuyệt vời để bạn phát triển bản thân. Mình rất mong chờ được gặp các bạn trong hành trình này!

Cảm ơn những chia sẻ của Thu Hằng, chúc bạn nhiều sức khỏe và hoàn thành xuất sắc chương trình thạc sỹ tại Úc và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của Nhà trường sau khi kết thúc chương trình học.

Như vậy, có thể thấy trong suốt quá trình hình thành và phát triển, trường Đại học Ngoại thương đã không ngừng khẳng định vị thế là nơi nuôi dưỡng và phát huy tối đa tiềm năng của người học, đồng thời giúp họ tự tin vươn ra thế giới và khẳng định bản thân trên sân chơi quốc tế. Với phương châm “Khác biệt để dẫn đầu”, trường Đại học Ngoại thương luôn tiên phong xây dựng và phát triển mô hình mới trong quản trị đại học, trong đào tạo và nghiên cứu, trong khởi nghiệp sáng tạo, trong liên kết giữa Nhà trường và doanh nghiệp, trong hội nhập và quốc tế hóa giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục mở, linh hoạt hướng tới phục vụ người học, phục vụ cộng đồng ngày một tốt hơn. Thông qua những chia sẻ về cơ hội phát triển trong môi trường học tập quốc tế của trợ giảng Lê Vũ Thu Hằng, có thể thấy đề án thí điểm đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức trợ giảng tại trường Đại học Ngoại thương thật sự đã mang đến cho cựu sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc một cơ hội được trở thành nhà giáo, được hết mình thể hiện những sự đổi mới, sáng tạo của thế hệ trẻ. Đây không chỉ là một cơ hội quý báu để các tài năng trẻ thể hiện bản thân mà còn là một bước đi chiến lược của Nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu trên toàn quốc và quốc tế.