Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS: nguyên nhân và hậu quả

170

Ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra, với các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Vậy đâu là nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người nhiễm HIV/AIDS? Có nhiều nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người nhiễm HIV/AIDS, nhưng phổ biến là những nguyên nhân sau đây:

– Do bản chất của bệnh: Vì bản chất của kỳ thị và phân biệt đối xử nói chung thường gắn liền với những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khó chữa như trước đây người dân rất sợ và tránh xa những người bệnh phong (hủi) hay bệnh lao vì không có thuốc điều trị. Trong khi HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh. Một vấn đề khác là HIV lây qua đường tình dục vốn bị kỳ thị như các bệnh hoa liễu. Do vậy mọi người sợ bị lây nhiễm HIV khi tiếp xúc với người nhiễm HIV.

– Do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS: Nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường hoặc nhiều người lại cho rằng chỉ có những người tiêm chích ma túy hoặc người mua, bán dâm tức là những người cho là xấu xa mới bị nhiễm HIV/AIDS, họ coi nhiễm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, cứ nhiễm HIV là có tội, có lỗi.

– Do trong một thời gian dài, việc truyền thông quá nhấn mạnh chú trọng đến đường lây truyền mà không giải thích rõ ràng, nhất là đường không lây của HIV. Điều đó đã khiến mọi người sợ hãi, xa lánh và là một trong các nguyên nhân dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Hậu quả của việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS:

Trước tiên phải khẳng định rằng quan niệm của nhiều người hiện nay, ngay cả khi hiểu rằng HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường vẫn cho rằng “tốt nhất cứ tránh xa họ ra” đã để lại nhiều khó khăn cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

– Do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS. Cán bộ chuyên môn khó có thể gặp và tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác, làm cho người nhiễm HIV/AIDS trở thành “quần thể ẩn”, rất khó tiếp cận. Do đó họ khó có thể tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh và do vậy họ hoàn toàn có thể truyền HIV cho người khác.

– Do thiếu sự thông cảm giúp đỡ của cộng đồng có thể dẫn đến tâm lý bi quan, thậm chí “uất ức và trả thù đời” của người nhiễm HIV.

– Do không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cũng khó có được số ca bệnh chính xác, từ đó khó ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch.

– Một vấn đề khác là chúng ta đã bỏ phí một nguồn lực lớn, không phát huy được tiềm năng của người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV vẫn có thời gian dài khỏe mạnh nên họ vẫn có thể cống hiến cho gia đình và xã hội. Khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV bị tách biệt, không được làm việc, không được chăm sóc và như vậy người nhiễm HIV có thể chết sớm hơn, để lại vợ, con, bố mẹ già làm tăng tác động của HIV/AIDS đến gia đình, đến kinh tế xã hội của đất nước. Nhiều người nhiễm HIV có thể là những tuyên truyền viên rất hiệu quả nên sự kỳ thị đã làm mất đi một lực lượng tham gia công tác phòng, chống HIV/ AIDS.

– Cuối cùng là kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến hạn chế một số quyền cơ bản của công dân như quyền được chăm sóc sức khoẻ, làm việc, học hành, tự do đi lại… là những quyền mà người nhiễm HIV được pháp luật bảo vệ. Khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV sẽ bị hạn chế một số quyền cơ bản trên.

Như vậy có thể thấy rằng, các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn./.