Đổi mới giảng dạy Tiếng Anh Thương mại theo hướng phát huy tính tích cực của người học

981

* Renovation of Education in Teaching Business English targeted at Optimization of Students’ Active Learning

On May 14th & 22th, 2020, English Department, FTU Ho Chi Minh City Campus organized the Monthly Seminar Exchange on Business English Teaching Practice for in-depth discussion on practical issues in teaching and learning Business English at Foreign Trade University HCMC ranging from the enhancement of students’ Business English skills to the facilitation of technology in English teaching.

Trong điều kiện xã hội hiện đại ngày nay, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Dạy – Học Tiếng Anh là một trong những nhu cầu tất yếu và là một trong những điều kiện tiên quyết để hội nhập kinh tế thế giới. Hoạt động giảng dạy tiếng Anh không đơn thuần là việc truyền đạt ghi nhớ, tiếp thu kiến thức từ bài giảng và sách vở mà còn trong thực tiễn giao lưu, hội nhập. Việc phát triển kỹ thuật tư duy bậc cao cùng các kỹ năng mềm ở người học và ứng dụng các phương tiện truyền thông, công nghệ thông tin; thông qua đó phát huy tính tích cực, chủ động của người học là một trong những định hướng tư duy phù hợp, đồng thời là giải pháp có ý nghĩa quan trọng cho công tác giảng dạy tiếng Anh Kinh tế – Thương mại trong thời đại mới.

Nhằm tạo diễn đàn giao lưu học thuật, kinh nghiệm giảng dạy Tiếng Anh Kinh tế – Thương mại bậc đại học, cập nhật xu thế và phương pháp giảng dạy tiên tiến vào quá trình giảng dạy Tiếng Anh chuyên ngành tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương, vào các ngày 14 & 22/5/2020, Bộ môn Tiếng Anh Cơ sở II đã tổ chức chuỗi các Chuyên đề Sinh hoạt chuyên môn trong Học kỳ II năm học 2019-2020. Tại hai buổi sinh hoạt, các giảng viên Bộ môn Tiếng Anh Cơ sở II đã có những chia sẻ chuyên sâu về kinh nghiệm tổ chức lớp học, trao đổi và thảo luận về phương pháp giảng dạy cũng như sự tích hợp các công cụ hiện đại của Công nghệ 4.0 vào quá trình dạy và học Tiếng Anh chuyên ngành tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương thông qua 9 chủ đề tham luận.

Trong bài tham luận đầu tiên, ThS Lê Hồng Linh trình bày những vấn đề thường gặp trong giảng dạy kỹ năng biên dịch Hợp đồng Tiếng Anh, những lỗi sai thông thường của người học trong phân biệt nghĩa của ngữ cảnh; các khía cạnh khác nhau trong ngôn ngữ Tiếng Anh của Hợp đồng thương mại gồm hình thái, cú pháp, ngữ nghĩa; trên cơ sở đó, giảng viên tăng cường tạo lập môi trường học tập và học liệu phù hợp để người học phát triển khả năng tự học và tự nghiên cứu, nắm bắt các khía cạnh khác nhau trong ngôn ngữ đặc thù của Hợp đồng thương mại. Cùng lĩnh vực nghiên cứu, ThS Trịnh Ngọc Thanh nhấn mạnh hơn đến phương pháp – nghệ thuật giảng dạy “gợi mở – định hướng” theo hướng tiếp cận hiện đại của thế giới ngày nay; theo đó quá trình “học” của người học diễn ra một cách chủ động và có ý thức thông qua việc tổ chức đa dạng các hoạt động của người dạy gồm học theo nhóm, cặp, trò chơi, thảo luận, giải quyết tình huống, case studies. Xuất phát từ tư tưởng chủ đạo xuyên suốt ‘lấy tập thể để bổ trợ cá nhân’, ‘lấy máy móc thiết bị làm phương tiện’, việc tổ chức giảng dạy, quản lý lớp, theo dõi tiến trình tiếp thu kiến thức của người học nhằm đạt được mục đích cuối cùng: người dạy có thể khơi gợi và phát huy động lực học tập, tính tính cực và chủ động của người học đối với môn học.

Xuất phát từ nhu cầu tăng cường kỹ năng Viết học thuật, đặc biệt đối với sinh viên hệ Chất lượng cao, ThS Nguyễn Thị Hải Thúy đã trình bày, phân tích các kỹ thuật bậc cao trong viết luận Tiếng Anh học thuật dành cho sinh viên được đào tạo 100% bằng Tiếng Anh. Viết luận học thuật là một hình thức Viết đặc trưng thường được sử dụng trong các trường đại học, cao đẳng, yêu cầu người viết phải tạo lập giọng văn phù hợp trong nghiên cứu trên cơ sở lựa chọn hợp lý về từ ngữ (word choice), cấu trúc ngữ pháp (grammatical structure), độ dài câu văn – đoạn văn (text length), cách tổ chức, sắp xếp thông tin một cách khoa học (information organization). Trong quá trình học tập tại trường, sinh viên hệ Chất lượng cao tại Cơ sở II phải hoàn thành các tiểu luận, báo cáo thực tập giữa kỳ và khóa luận tốt nghiệp bằng Tiếng Anh. Việc trang bị cho sinh viên kỹ năng và kinh nghiệm Viết luận học thuật chuyên sâu thông qua việc giới thiệu các kỹ thuật Viết đặc trưng trong nghiên cứu khoa học gồm Expository Essay, Persuasive Essay, Argumentative Essay và Analytical Essay bên cạnh các loại hình viết luận thông thường đã góp phần làm tăng thêm sự phong phú và tính thực tiễn trong các bài giảng Tiếng Anh thương mại tại trường.

Nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của người học trong các môn học Tiếng Anh Cơ sở tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương, làm tiền đề cho việc phát triển kỹ năng Tiếng Anh cho các môn học chuyên ngành tiếp theo, ThS Đỗ Anh Thư & ThS Nguyễn Ngọc Trân đã có những chia sẻ về kinh nghiệm trong tổ chức giảng dạy kỹ năng Đọc hiểu và Nghe hiểu trong Tiếng Anh thương mại đặc thù tại Cơ sở II. Quá trình giảng dạy kỹ năng Đọc hiểu trong Tiếng Anh thông thường gồm có 3 bước: trước khi đọc, trong khi đọc, và sau khi đọc. Tuy nhiên, ThS Đỗ Anh Thư nhấn mạnh xuất phát từ đặc thù Tiếng Anh chuyên ngành Kinh tế – Thương mại, để tạo hứng thú cho người học, giúp người học có sự hình dung ban đầu về chủ đề của bài học, người dạy có thể sử dụng các thủ thuật hữu ích gồm hình ảnh, câu trích dẫn nổi tiếng hoặc xem và nghe các trích đoạn clip ngắn về chủ đề. Trong quá trình đọc hiểu, thông qua sự hướng dẫn của người dạy, người học có thể phân tích sâu về cấu trúc văn bản (text structure), cách thức tổ chức, sắp xếp thông tin từ dưới lên (bottom-up) hoặc từ trên xuống (top-down). Ngoài ra, người học có thể được yêu cầu phải tóm tắt nội dung dựa vào thông tin của bài học (content-based summarizing). Và đặc biệt, sau khi đọc hiểu, người dạy có thể hướng dẫn sinh viên thủ thuật đoán nghĩa của từ hoặc gợi mở thông qua các câu hỏi tư duy để mở rộng bài học thêm phần sinh động.

Về phương pháp giảng dạy kỹ năng Nghe chủ động nhằm tăng cường quá trình lĩnh hội từ vựng của người học ngôn ngữ, ThS Nguyễn Ngọc Trân đã trình bày cụ thể về các bước trong quá trình tổ chức, sắp xếp tài liệu và nội dung giảng dạy cũng như cách thức tổ chức giảng dạy của người dạy; để từ đó, người học có thể nâng cao ý niệm về từ vựng và việc sử dụng từ vựng phù hợp theo chủ đề. Trên cơ sở tiếp thu từ vựng theo ngữ cảnh cụ thể, người học có thể nắm bắt cách thức sử dụng từ ngữ trong ngữ cảnh và ngữ nghĩa cụ thể. Việc tiếp thu từ vựng theo nhóm chủ đề sẽ giúp người học khái quát hóa trường từ vựng, qua đó người học sẽ ghi nhớ từ vựng dễ dàng hơn. Để thực hiện được điều này, giảng viên nên chọn lựa những tài liệu và chủ đề phù hợp với trình độ của người học.

Về phương pháp giảng dạy môn Market Leader, ThS Phan Chí Hiếu đã chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như cập nhật một số nguồn tài liệu tham khảo. Báo cáo viên nhấn mạnh rằng bên cạnh việc lồng ghép kiến thức kinh tế vào việc giảng giải các thuật ngữ chuyên ngành, kèm liên hệ kiến thức với thực tiễn; giảng viên còn cần phải kết hợp các hoạt động như pair work, group work để tăng tính tương tác và tạo hứng thú cho sinh viên. Đồng thời, khuyến khích sinh viên tự mở rộng tìm đọc thêm các tài liệu, bài báo chuyên ngành để tăng khả năng nhớ và thuộc các thuật ngữ đã học trong lớp học.

Bên cạnh các nội dung trao đổi chuyên sâu về học thuật và chuyên môn giảng dạy, tại buổi sinh hoạt, các công cụ và kỹ thuật công nghệ hỗ trợ cho tiến trình giảng dạy Tiếng Anh cũng đã được các giảng viên chia sẻ, phân tích và đánh giá. ThS Nguyễn Thịnh Phát giới thiệu tổng quan về những nguyên tắc cơ bản trong trình chiếu Powerpoint, cập nhật các tính năng mới của Powerpoint 2019 và các mẫu trình bày Powerpoint hiệu quả có thể ứng dụng trong thực tiễn giảng dạy Tiếng Anh; để từ đó, các giảng viên có những ứng dụng phù hợp trong quá tổ chức giảng dạy các môn học Tiếng Anh cụ thể. Với sự hỗ trợ từ các tính năng mới của Powerpoint, các giảng viên có thêm sự lựa chọn đa dạng, tiện ích trong trình chiếu các nội dung của bài giảng, góp phần giúp cho nội dung bài học thêm sinh động, không khí học tập thêm sôi nổi.

Với cùng chủ đề về áp dụng công nghệ vào việc giảng dạy, trong buổi Sinh hoạt thứ hai, ThS Vũ Phương Hồng Ngọc đã giới thiệu về ứng dụng Flipgrid- một nền tảng thảo luận nhóm cho phép sinh viên thảo luận và trả lời các chủ đề với bằng các video ngắn. Báo cáo viên đã hướng dẫn cách tạo tài khoản trên ứng dụng, cách tạo “Grid”, quay video câu hỏi gửi đến sinh viên và giới thiệu một số hoạt động có thể áp dụng trên Flipgrid (discussion, article review, feedback, reflection…). Đồng thời, báo cáo viên cũng minh hoạ bằng một số video do chính sinh viên trong lớp thực hiện khi trả lời câu hỏi, và chia sẻ những phản hồi khá tích cực từ sinh viên đã trải nghiệm ứng dụng này. Tuy vẫn còn một số những hạn chế, nhưng Flipgird đã phần nào hỗ trợ hoạt động giảng dạy bằng việc tăng sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh phải tổ chức học online trong thời gian qua.

Tính tương tác trong một lớp học, đặc biệt là lớp học ngôn ngữ là vô cùng quan trọng. Để đem lại sự hiệu quả tốt nhất đối với một lớp học số lượng tương đối đông, bên cạnh tương tác giữa giảng viên và sinh viên, giảng viên cần chú ý đẩy mạnh hoạt động tương tác giữa sinh viên với sinh viên và sinh viên với tài liệu học. Cùng với thiết bị điện tử cầm tay (như điện thoại, ipad, tablet…) và mạng lưới wifi phủ sóng toàn trường, ThS Lê Thanh Hà đã chia sẻ các ứng dụng công nghệ số như Edpuzzle, Padlet hay Mentimeter giúp tăng cường sự tương tác nhiều chiều và có ý nghĩa, đem lại hiệu quả lớn nhất cho số đông sinh viên.

Phát huy những kiến thức và phương pháp giảng dạy đã lĩnh hội tại các buổi sinh hoạt, toàn thể giảng viên Bộ môn Tiếng Anh Cơ sở II sẽ tối ưu hóa các nội dung và vận dụng nâng cao chất lượng giảng dạy Tiếng Anh thương mại tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương tp. HCM trong thời gian tới./.

Các giảng viên Bộ môn Tiếng Anh, Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương tại các Buổi Sinh hoạt chuyên môn

(Lecturers of English Department – Foreign Trade Univeristy, HCMC Campus  at Monthly Exchange on Business English Teaching Practice in 2020)