Sinh hoạt chuyên môn Bộ môn Tiếng Anh

1495

For the in-depth discussion on practical issues in teaching and learning at Foreign Trade University to adapt new challenges in the context of globalization and international integration towards the 60th anniversary of the Foreign Trade University’s founding, the English Faculty organized fruitful series of seminars in the first semester of the academic year 2020-2021.

Nhằm nâng cao năng lực của giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đáp ứng những yêu cầu mới trong trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Đại học Ngoại thương, học kỳ I năm học 2020-2021, Bộ môn Tiếng Anh đã tổ chức chuỗi các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn với nhiều thông tin thú vị bổ ích thông qua các chủ đề tham luận sau.

Trong bài tham luận đầu tiên, ThS Đỗ Anh Thư chia sẻ các hoạt động nâng cao từ vựng, những lỗi sai thông thường của người học trong phân biệt nghĩa của ngữ cảnh; các khía cạnh khác nhau trong ngôn ngữ Tiếng Anh gồm hình thái, cú pháp, ngữ nghĩa; trên cơ sở đó, giảng viên tăng cường tạo lập môi trường học tập và học liệu phù hợp để người học phát triển khả năng tự học và tự nghiên cứu, nắm bắt các khía cạnh khác nhau trong ngôn ngữ đặc thù của tiếng Anh thương mại. Cùng lĩnh vực nghiên cứu, ThS Tô Thuỳ Trang nhấn mạnh hơn đến phương pháp tận dụng bài đọc để giúp sinh viên cải thiện từ vựng và kĩ năng viết; theo đó quá trình “học” của người học diễn ra một cách chủ động và có ý thức thông qua việc tổ chức đa dạng các hoạt động của người dạy gồm học theo nhóm, cặp, trò chơi, thảo luận, giải quyết tình huống.

Xuất phát từ nhu cầu tăng cường kỹ năng Viết học thuật, đặc biệt đối với sinh viên hệ Chất lượng cao, ThS Trương Thị Thanh Cảnh đã chia sẻ mô hình hoạt động dạy lớp học đảo ngược để tăng kỹ năng viết cho sinh viên. Tại buổi sinh hoạt, báo cáo viên giới thiệu cách thiết kế bài giảng trực tuyến cung cấp cho sinh viên để tiết kiệm thời gian trên lớp. Trong giờ học, sinh viên sẽ thảo luận, xem lại bài tập đã chữa và thực hành viết. Qua đó, sinh viên tự tin, chủ động hơn và được lặp đi lặp lại nội dung bài học.

Nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của người học trong các môn học Tiếng Anh Cơ sở tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương, làm tiền đề cho việc phát triển kỹ năng Tiếng Anh cho các môn học chuyên ngành tiếp theo, ThS Vũ Phương Hồng Ngọc đã có những chia sẻ về kinh nghiệm dạy Pathways dựa trên nguồn tài liệu National Geographic, và một số ứng dụng của mindmap trong giảng dạy Tiếng Anh tại Cơ sở II. Qua đó, báo cáo viên chia sẻ cách hướng dẫn người học đọc tài liệu để tìm ý chính trả lời câu hỏi qua sơ đồ tư duy. Đối với việc dạy môn Thư tín cho sinh viên, ThS Lê Hồng Linh đã chia sẻ việc giảng bài nhập môn Thư tín Thương mại với định hướng nâng cao tính tự học của sinh viên và gắn với thực tiễn, qua đó nhấn mạnh cách tạo động lực và định hướng cho sinh viên ngay lúc đầu để giúp sinh viên chủ động và có trách nhiệm hơn đối với môn học. Ngoài ra, báo cáo viên cũng chia sẻ việc áp dụng những thuật ngữ trong hợp đồng quốc tế vào thực tiễn môi trường kinh doanh tại Việt Nam qua các ví dụ cụ thể từ các hợp đồng kinh doanh thực tế, từ đó giúp người học hiểu và áp dụng với kiến thức được học trong giáo trình.

Về phương pháp giảng dạy kỹ năng Nghe chủ động nhằm tăng cường quá trình lĩnh hội ngôn ngữ của người học, ThS Nguyễn Thịnh Phát đã trình bày về các bước trong quá trình tổ chức, sắp xếp tài liệu và nội dung giảng dạy cũng như cách thức tổ chức giảng dạy của người dạy; để từ đó, người học có thể nâng cao ý niệm về việc sử dụng ngôn từ phù hợp theo chủ đề. Trên cơ sở tiếp thu ngôn ngữ theo ngữ cảnh cụ thể, sinh viên sẽ hiểu rõ cách sử dụng từ ngữ trong các ngữ cảnh thực tế khác nhau. Để thực hiện được điều này, giảng viên nên chọn lựa chủ đề phù hợp với trình độ của người học.

Tại buổi tham luận tiếp theo, ThS Hoàng Thị Thanh Nga chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng Đọc trong Tiếng Anh thông thường gồm có 3 bước: trước khi đọc, trong khi đọc, và sau khi đọc. Xuất phát từ đặc thù Tiếng Anh chuyên ngành Kinh tế – Thương mại, để tạo hứng thú cho người học, giúp người học có sự hình dung ban đầu về chủ đề của bài học, người dạy có thể sử dụng các thủ thuật hữu ích gồm hình ảnh, câu trích dẫn nổi tiếng hoặc xem và nghe các trích đoạn clip ngắn về chủ đề. Trong quá trình đọc hiểu, thông qua sự hướng dẫn của người dạy, người học có thể phân tích sâu về cấu trúc văn bản (text structure), cách thức tổ chức, sắp xếp thông tin từ dưới lên (bottom-up) hoặc từ trên xuống (top-down). Ngoài ra, người học có thể được yêu cầu phải tóm tắt nội dung dựa vào thông tin của bài học (content-based summarizing). Và đặc biệt, sau khi đọc hiểu, người dạy có thể hướng dẫn sinh viên thủ thuật đoán nghĩa của từ hoặc gợi mở thông qua các câu hỏi tư duy để mở rộng bài học thêm phần sinh động.

Về phương pháp giảng dạy Pathways Listening-Speaking, ThS Lê Hữu Phước đã chia sẻ cách thiết kế workshop nhằm nâng cao tính thực tiễn vào bài giảng. Báo cáo viên nhấn mạnh rằng bên cạnh việc lồng ghép kiến thức kinh tế vào bài giảng, kèm liên hệ kiến thức với thực tiễn; giảng viên còn cần phải kết hợp các hoạt động như pair work, group work để tăng tính tương tác và tạo hứng thú cho sinh viên. Đồng thời, khuyến khích sinh viên tự đưa ra các chủ đề tranh luận liên quan đến chủ đề bài học để tăng khả năng hùng biện và giúp mở rộng kiến thức cho sinh viên.

Bên cạnh hai kỹ năng nghe và nói trong tiếng Anh, ThS Lê Thị Minh Tâm đã chia sẻ về kinh nghiệm dạy Viết cho sinh viên năm 1, 2. Viết học thuật là một hình thức Viết đặc trưng thường được sử dụng trong các trường đại học, cao đẳng, yêu cầu người viết phải tạo lập giọng văn phù hợp trên cơ sở lựa chọn hợp lý về từ ngữ (word choice), cấu trúc ngữ pháp (grammatical structure), độ dài câu văn – đoạn văn (text length), cách tổ chức, sắp xếp thông tin một cách khoa học (information organization). Vì vậy, báo cáo viên nhấn mạnh việc cần phải hướng dẫn cho sinh viên cách viết các đoạn văn ngắn thuộc nhiều thể loại khác nhau để từ đó hiểu được quy trình viết, mở rộng từ, luyện tập cách chuyển từ câu đơn sang câu phức và tránh lối suy nghĩ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh trong khi viết.

Ngoài ra, trong quá trình học tập tại trường, sinh viên hệ chính quy tại Cơ sở II phải hoàn thành các tiểu luận, báo cáo thực tập giữa kỳ và khóa luận tốt nghiệp bằng Tiếng Anh nên việc trang bị cho sinh viên kỹ năng và kinh nghiệm Viết từ cơ bản như cách viết đoạn văn đến chuyên sâu thông qua việc giới thiệu các kỹ thuật Viết đặc trưng trong nghiên cứu khoa học là hết sức cần thiết. Do đó, ThS Nguyễn Thị Hải Thuý đã chia sẻ cách hướng dẫn cho sinh viên cách viết Báo cáo trong tiếng Anh thương mại bên cạnh các loại hình viết luận thông thường đã góp phần làm tăng thêm sự phong phú và tính thực tiễn trong các bài giảng Tiếng Anh thương mại tại trường.

Bên cạnh các nội dung trao đổi chuyên sâu về học thuật và chuyên môn giảng dạy, tại buổi sinh hoạt, ThS Trương Trúc Quỳnh đã chia sẻ một số ứng dụng và hoạt động lấy người học làm trung tâm. Qua đó, báo cáo viên giới thiệu việc áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, qua các ứng dung như Quizziz tạo bài test online, Quizlet để dạy và học từ vựng góp phần giúp cho nội dung bài học thêm sinh động, không khí học tập thêm sôi nổi. Ngoài ra, báo cáo viên còn chia sẻ về hoạt động dạy viết ‘Reading to Writing’, trong đó sinh viên sẽ được cung cấp bài đọc để lấy ý tưởng và đồng thời tiếp thu những từ vựng có liên quan đến chủ đề bài viết được nêu trong bài đọc. Các hoạt động này giúp người học chủ động trong quá trình tiếp thu và biến kiến thức thành của riêng mình.

Phát huy những kiến thức và phương pháp giảng dạy đã lĩnh hội tại các buổi sinh hoạt, toàn thể giảng viên Bộ môn Tiếng Anh Cơ sở II sẽ tối ưu hóa các nội dung và vận dụng nâng cao chất lượng giảng dạy Tiếng Anh thương mại tại Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương tp. HCM trong thời gian tới./.

Các giảng viên Bộ môn Tiếng Anh, Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương

tại các Buổi Sinh hoạt chuyên môn

(Lecturers of English Department – Foreign Trade Univeristy, HCMC Campus at Monthly Exchange on Business English Teaching Practice in 2020)