Thúc đẩy bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ trong giáo dục và đào tạo tại Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương

49

Ngày nay, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu quan trọng của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó, bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và xây dựng một xã hội công bằng.

Bình đẳng giới là nam giới và nữ giới cùng có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau; cùng được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy khả năng và thực hiện các mong muốn của mình; cùng có cơ hội để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, bình đẳng cho thù lao trong công việc, bình đẳng trong việc hưởng thụ các thành quả, bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội (bình đẳng trong tiếng nói).

Ngày 18 tháng 12 năm 1979, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn, Việt Nam là một trong những Quốc gia đầu tiên ký tham gia Công ước vào ngày 29 tháng 7 năm 1980 và được phê chuẩn vào ngày 27 tháng 11 năm 1981. Đến nay, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ quan trọng về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ. Cơ hội tiếp cận của phụ nữ với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và sự tham gia của họ trong lĩnh vực lao động ngày càng tăng. Vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trở thành nội dung được quan tâm hàng đầu tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội lần thứ 13 do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức vào ngày 17/8/2020 và Đại hội đồng 41 Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) tổ chức tại Hà Nội đã khẳng định vai trò và đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, trong đó có đại dịch Covid-19.

Tại Việt Nam, công tác Bình đẳng giới được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai và hoàn thiện các văn bản về Bình đẳng giới, đồng thời lồng ghép giới trong luật pháp và chính sách. Từ năm 1982, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, từ năm 2006 thông qua Luật Bình đẳng giới, năm 2007 thông qua Luật Ngăn chặn và chống bạo lực gia đình, cùng rất nhiều các văn bản khác nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác Bình đẳng giới. Nhiều tổ chức phi chính phủ trên thế giới hay của Việt Nam cũng đang hoạt động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề Bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về thúc đầy quyền năng của phụ nữ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và bước đầu cũng đã đạt được thành quả: Tỷ lệ lao động chính là nữ giới chiếm 47,3% trong cả nước; Tính đến tháng 10/2019, có khoảng trên 285,6 nghìn doanh nghiệp có người đứng đầu là nữ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tỉ lệ nữ thạc sỹ đạt 54,25%, tỉ lệ tiến sĩ đạt 30,8%,….

Một số vấn đề quan trọng về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như: Truy cập bình đẳng (Cả nam và nữ đều có cơ hội như nhau trong việc truy cập vào hệ thống giáo dục); Chất lượng giáo dục bình đẳng (Đảm bảo cả nam và nữ đều được đào tạo một cách thống nhất, công bằng, được hưởng chất lượng giáo dục như nhau); Loại bỏ kỳ thị giới tính trong môi trường giáo dục (Không có sự kỳ thị giới tính trong hệ thống giáo dục, đặc biệt là việc chống lại bạo lực giới và đảm bảo môi trường học tập an toàn); Giám sát và đánh giá (Theo dõi và đánh giá các chỉ số về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo). Luật Bình đẳng giới năm 2006 đưa ra ba nguyên tắc cụ thể áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như sau:

Thứ nhất, nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ hai, nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo

Thứ ba, nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngày 02 tháng 10 năm 2015, Quyết định số 1696/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020, theo đó, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc. Thông qua việc triển khai Tháng hành động đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Sau 10 năm thục hiện, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ đang ngày càng được triển khai đồng bồ, tạo sự chuyển rõ rệt trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong đội ngũ công chức, viên chức và nhân dân. Kế thừa những giá trị đó, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2021-2030 đã được ban hành kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ, trong đó nêu rõ mục tiêu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo gồm:

– Chỉ tiêu 1: Nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi.

– Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 90% vào năm 2025 và khoảng 99% vào năm 2030; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt khoảng 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.

– Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

– Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Nhằm phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 26 tháng 01 năm 2022, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 383/QĐ-BGDĐT về kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đó nêu rõ mục tiêu: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Đây là cơ sở quan trọng để các ngành giáo dục cả nước ra sức phấn đấu, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục cả nước trong thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, góp phần hoàn thành mục tiêu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030”.

Trường Đại học Ngoại thương nói chung và Cơ sơ II Trường Đại học Ngoại thương tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là cơ sở giáo dục đại học có lực lượng nữ viên chức, người lao động đông đảo, đặc biệt viên chức quản lý nữ tham gia vào nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo các đơn vị hành chính, chuyên môn. Trong thời gian qua, tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động của Trường Đại học Ngoại thương nói chung, Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cá nhân các viên chức, người lao động nữ luôn có tinh thân phấn đấu không ngừng cho công tác thúc đẩy nâng cao bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trong đơn vị và trong hoạt động giáo dục, đào tạo, thực hiện sứ mệnh giáo dục đại học cao cả, qua đó đã đã được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, tích cực tham gia các phong trào của nữ giới, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng môi trường giáo dục ổn định, chuẩn mực, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Nhà trường luôn chú trọng, quan tâm đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Trường Đại học Ngoại thương được thành lập theo Quyết định số 3097/QĐ-ĐHNT ngày 14 tháng 12 năm 2021 đã nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch do Ủy ban vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Người nhận xét: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người luôn căn dặn các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác vận động phụ nữ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Thấm nhuần những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới, nam nữ bình quyền và vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, trên tinh bám sát theo các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước nói chung và phấn đấu thực hiện những mục tiêu của ngành giáo dục, đào tạo nói riêng, Trường Đại học Ngoại thương nói chung và Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ không ngừng nổ lực hoàn thiện sứ mệnh giáo dục đại học, xây dựng một môi trường giáo dục bình đẳng, góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trong ngành giáo dục và đào tạo.