Vài nét về trường Đại học Ngoại thương

1423

Trường Đại học Ngoại thương được thành lập năm 1960, là trường đại học đầu tiên trong cả nước đào tạo chuyên sâu đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và trên đại học trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế. Với bề dày lịch sử hơn 50 năm xây dựng và phát triển, trường đã trải qua 4 giai đoạn phát triển cơ bản.
GIAI ĐOẠN 1960-1963
Tổ chức tiền thân của Trường Đại học Ngoại thương
Trường Đại học Ngoại thương chính thức ra đời vào năm 1960, sơ khai là một bộ môn trong Khoa Quan hệ quốc tế do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý nhưng đặt tại Trường Đại học Kinh tế – Tài chính. Trong Khoa Quan hệ quốc tế có 2 bộ môn là Bộ môn Ngoại giao và Bộ môn Ngoại thương. Khóa 1 của Bộ môn Ngoại thương được chiêu sinh vào năm học 1960-1961 với 42 sinh viên.
GIAI ĐOẠN 1963-1967
Trường cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương
Năm 1963, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Khoa Quan hệ quốc tế tách khỏi Trường Đại học Kinh tế – Tài chính để thành lập Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương trực thuộc Bộ Ngoại giao. Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương có trụ sở đặt tại làng Láng, nay là phường Láng Thượng, trên khu đất của Trường Đại học Ngoại thương và Học viện Ngoại giao hiện nay. Ngoài các phòng chức năng, Trường vẫn chỉ có 2 khoa là Khoa Ngoại giao và Khoa Ngoại thương. Trong thời gian trường đi sơ tán khỏi Hà Nội do cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Khoa Ngoại thương trực tiếp quản lý 3 khóa sinh viên cũ và tuyển thêm khóa 4 và khóa 5. Ngoài việc đào tạo sinh viên chính quy, trường còn mở các lớp bồi dưỡng về lý luận và nghiệp vụ ngoại thương cho các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các tổng công ty xuất nhập khẩu, văn phòng các Bộ và các đơn vị liên quan.
GIAI ĐOẠN 1967-1984
Trường Đại học Ngoại thương ra đời
Năm 1967, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại thương, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 123/CP ngày 05/8/1967 chia tách Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương thành hai trường: Trường Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao và Trường Đại học Ngoại thương thuộc Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công thương). Tên hiệu chính thức của Trường Đại học Ngoại thương có từ thời gian này. Ngay sau khi thành lập, Trường Đại học Ngoại thương phải sơ tán về huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Được sự quan tâm của Bộ Ngoại thương, cơ cấu của Trường đã bắt đầu được củng cố và tăng cường. Ngoài một số phòng chức năng, Trường đã có các đơn vị chuyên môn như Khoa Nghiệp vụ ngoại thương, Khoa Ngoại ngữ và Bộ môn Chính trị. Trường đã bắt đầu tăng quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Cuối năm 1967, Trường chuyển từ nơi sơ tán về Hà Nội.
GIAI ĐOẠN 1984 ĐẾN NAY
Trường Đại học Ngoại thương ngày nay
Năm 1984, Trường Đại học Ngoại thương chuyển từ Bộ Ngoại thương sang Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh và phát triển thêm một bước.
Sứ mạng: Sứ mạng của trường Đại học Ngoại thương là Đào tạo nhân tài và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực: kinh tế, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, công nghệ và ngoại ngữ; sáng tạo và chuyển giao tri thức khoa học đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển năng lực học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỹ năng làm việc và lối sống trong môi trường quốc tế hiện đại. Trường còn là nơi phổ biến tri thức khoa học, nghề nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội; là trung tâm giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Mục tiêu: Từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trường Đại học Ngoại thương đạt được các mục tiêu sau: “Không ngừng nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo và danh tiếng của Trường Đại học Ngoại Thương; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; Nâng cao năng lực nghiên cứu, phấn đấu trở thành trường đại học nghiên cứu vào năm 2030; Khai thác tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài trường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng tối đa nhu cầu của sinh viên, giảng viên và cán bộ công nhân viên, đảm bảo khả năng phát triển bền vững của Nhà trường; Phát triển văn hóa Đại học Ngoại thương, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế”.
Cơ cấu tổ chức: Cơ cấu tổ chức của trường bao gồm: Hội đồng trường, Hội đồng khoa học và đào tạo, Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Cơ Sở II, Cơ sở Quảng Ninh, các phòng ban chức năng, các khoa và bộ môn.
Về ngành, chuyên ngành đào tạo: cho tới cuối năm 1998, Trường vẫn chỉ đào tạo một ngành là ngành Kinh tế với chuyên ngành Kinh tế đối ngoại. Từ năm học 1999-2000, Trường Đại học Ngoại thương được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở thêm 2 ngành mới: ngành Tiếng Anh (chuyên ngành Tiếng Anh thương mại) và ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế và Luật kinh doanh quốc tế).
Đến nay, Trường đã có những ngành đào tạo và chương trình đào tạo sau:
NGÀNH ĐÀO TẠO

Bậc Cao đẳng:
Ngành Quản trị kinh doanh: chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế.

Bậc Đại học:
1. Ngành Kinh tế: chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Thương mại quốc tế, Thuế và Hải quan.
2. Ngành Quản trị kinh doanh: chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, Luật Kinh doanh quốc tế, Kế toán, Thương mại điện tử.
3. Ngành Tài chính – Ngân hàng: chuyên ngành Tài chính quốc tế, Đầu tư chứng khoán, Ngân hàng.
4. Ngành Kinh doanh quốc tế: chuyên ngành Marketing quốc tế.
5. Ngành Kinh tế quốc tế: chuyên ngành Kinh tế quốc tế.
6. Ngành Tiếng Anh: chuyên ngành Tiếng Anh thương mại.
7. Ngành Tiếng Nhật: chuyên ngành Tiếng Nhật thương mại.
8. Ngành Tiếng Pháp: chuyên ngành Tiếng Pháp thương mại.
9. Ngành Tiếng Trung: chuyên ngành Tiếng Trung thương mại.

Bậc Thạc sỹ:
1. Kinh tế quốc tế
2. Quản trị kinh doanh
3. Thương mại
4. Tài chính ngân hàng

Bậc Tiến sỹ:
1. Kinh tế quốc tế
2. Quản trị Kinh doanh

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Chương trình tiên tiến: Đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh quốc tế hợp tác giữa Đại học Ngoại thương và Đại học Tổng hợp bang California Fullerton (Hoa Kỳ).
Chương trình chất lượng cao:
1. Chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh.
2. Chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao chuyên ngành Kinh tế đối ngoại giảng dạy bằng tiếng Anh.
3. Chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng giảng dạy bằng tiếng Anh.
Chương trình hợp tác quốc tế:
1. Chương trình liên kết đào tạo Thạc sỹ Quản trị kinh doanh (chuyên sâu về logistics), giảng dạy bằng tiếng Anh, hợp tác với Trường BI (Na Uy).
2. Chương trình liên kết đào tạo Thạc sỹ Luật kinh doanh quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Pháp, hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Francois Rebelais Tours (Pháp).
3. Chương trình liên kết đào tạo Thạc sỹ Kinh doanh quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, hợp tác với Trường Đại học La Trobe (Úc).
4. Chương trình liên kết 2+1 đào tạo cử nhân Luật, Kinh tế và quản lý, giảng dạy bằng tiếng Pháp, hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Francois Rebelais Tours (Pháp).
5. Chương trình liên kết 2+2 đào tạo cử nhân Kinh tế, cử nhân Kế toán, giảng dạy bằng tiếng Anh, hợp tác với Trường Đại học Bedfordshire (Vương quốc Anh).
6. Chương trình liên kết 2+2 đào tạo cử nhân Kinh doanh quốc tế và Tài chính quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, hợp tác với Trường Đại học Latrobe (Úc).
7. Chương trình liên kết 2+2 đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh, giảng dạy bằng tiếng Anh, hợp tác với Trường Đại học Asia Pacific University (Nhật Bản).
8. Chương trình liên kết 1+3 đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh, giảng dạy bằng tiếng Anh, hợp tác với Đại học Meiho (Đài Loan).