Chuỗi bài viết phỏng vấn doanh nghiệp/cựu sinh viên FTU: Sinh viên kinh tế đối ngoại có nên học tài chính – kế toán không?

70

In the interview series with FTU alumni and firms: Should foreign economics students study finance – accounting?

The Faculty of Business Administration & Finance – Accounting, Foreign Trade University – HCMC Campus have being hosted an interview series with FTU alumni and firms, aiming to bring the unlimited mindset and share the practical lessons based on the stories from the industry excutives and the firms’ expectation for the future workforce. The Faculty then had an intimate conversation with Nguyen Thi Hong Hanh, an alumnus of K50CLC Foreign Economics. After graduating, Hanh developed her career in the field of Corporate Finance, then completed a Master’s degree in Finance and Strategic Management at Copenhagen Business School with a full scholarship from the Danish government, and gained a professional accounting certificate from ACCA. She is currently working at the international pharmaceutical group Novo Nordisk.

Nhằm mang đến tư duy không giới hạn và chia sẻ bài học thực tiễn dựa trên những câu chuyện của nhà điều hành các cấp và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với lực lượng lao động trong tương lai, Bộ môn Quản trị Kinh doanh & Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Ngoại thương – Cơ sở II tại TP.HCM đã thực hiện chuỗi phỏng vấn cựu sinh viên và các doanh nghiệp. Gần đây, BM QTKD&TC-KT đã có buổi trò chuyện thân mật cùng Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cựu sinh viên K50CLC Kinh tế đối ngoại. Sau khi tốt nghiệp, Hạnh đã phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực Tài chính doanh nghiệp, hoàn thành học vị Thạc sĩ Tài chính và Quản trị chiến lược tại Copenhagen Business School do chính phủ Đan Mạch cấp học bổng toàn phần, hoàn thành chứng chỉ kế toán ACCA, và hiện nay đang công tác tại tập đoàn dược phẩm quốc tế Novo Nordisk.

Công việc hiện tại của em có gì thú vị? Cuộc sống và công việc ở Đan Mạch có gì khác so với Việt Nam?

Hiện tại em đang công tác ở bộ phận Group Reporting, nhiệm vụ chủ yếu là lên kế hoạch ngân sách, phân tích tình hình tài chính cũng như chuẩn bị các báo cáo quản trị cấp tập đoàn. Công việc này giúp cho em có cách nhìn doanh nghiệp ở góc độ toàn cầu, về vận hành ở những thị trường khác nhau hoặc những khâu khác nhau trong chuỗi giá trị có tác động lẫn nhau và ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của toàn tập đoàn như thế nào. Đây là điều em cảm thấy rất hứng thú vì được rèn luyện một góc nhìn mới so với trước đây khi em làm việc ở Unilever và FrieslandCampina Việt Nam, vốn tập trung chủ yếu vào tác động tài chính một sản phẩm/phòng ban nhất định.

Sự khác biệt về lối sống lẫn văn hóa làm việc giữa Đan Mạch và Việt Nam cũng khá thú vị với em. Ví dụ như ở Đan Mạch, thông thường mọi người chỉ ăn trưa trong khoảng nửa tiếng rồi quay lại làm việc, và tan làm trong khoảng 3h30 – 5h chiều. Sau khi tan làm cũng rất hiếm khi gặp gỡ đồng nghiệp. Trong khi đó, mọi người ở Việt Nam thường dành thời gian nhiều hơn cho bữa trưa để hàn huyên, sau giờ làm thường xuyên gặp nhau. Mỗi phong cách đều thể hiện rõ bản sắc của mỗi nước và đều có cái hay riêng. Ở Đan Mạch thì sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống có được nhờ vào việc tập trung xử lý hiệu quả công việc trong thời gian ngắn. Ở Việt Nam thì các tương tác xã hội với đồng nghiệp lại đa dạng và sâu sắc hơn.

Tại sao em quyết định theo đuổi một lĩnh vực khác với chuyên ngành đại học?

Thật ra, quyết định theo đuổi nghề nghiệp ở mảng kế toán – tài chính được vun đắp từ từ qua những năm tháng em còn học đại học. Trong chương trình ngành KTĐN có một vài môn tài chính – kế toán căn bản mà em cảm thấy hứng thú nhất khi học. Khoảng đầu năm 3 em tham dự chuỗi workshop về những nhóm ngành khác nhau của CLB Kỹ năng doanh nhân (Action Club) tổ chức, được nghe các khách mời chia sẻ thêm về nhóm ngành tài chính – kế toán rồi quyết định thử sức. Em cố gắng bù đắp xuất phát điểm trái ngành bằng cách tự tìm học các khóa trên Coursera về phân tích tài chính, các module ACCA, và tham dự những buổi chia sẻ hướng nghiệp từ các anh chị trong ngành…

Với sinh viên Kinh tế đối ngoại, làm sao để biết mình phù hợp với lĩnh vực tài chính?

Một trong những điều quan trọng là các bạn yêu thích và cảm thấy thoải mái khi làm việc với những con số. Không chỉ là ghi nhận sổ sách, hay xây dựng mô hình tính toán, mà còn đảm bảo những con số mình tính ra phù hợp với các quy tắc tài chính – kế toán hiện hành, và đặc biệt là diễn giải, liên hệ những con số với hoạt động của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp có những quyết định đúng đắn. Nếu bạn vừa đam mê những con số vừa hứng thú việc giải mã những con số đó và kết hợp với kiến thức những mảng khác như marketing, quản trị nhân lực… (vốn cũng là những môn trong chương trình học của KTĐN), thì đây là một hướng đi đáng cân nhắc.

Ngoài ra, làm tài chính – kế toán không chỉ có số, mà còn cần những kỹ năng mềm mà mọi công việc khác đều có, như làm việc nhóm, quản lý thời gian và giao tiếp hiệu quả. Vì các bạn sẽ cần truyền đạt kết quả tính toán và đề xuất của mình đến khách hàng, đồng nghiệp ở những phòng ban khác, lãnh đạo cấp cao – không phải ai cũng có nền tảng vững chắc về những thuật ngữ, quy tắc tài chính. Ở công việc hiện tại, em có cơ hội làm “process owner” – chẳng hạn như đảm nhận dẫn dắt cả quá trình tổng hợp và báo cáo kết quả hoạt động giữa năm và cuối năm của doanh nghiệp. Đây có thể xem như một dự án nhỏ, nhưng lại là một cơ hội lớn để thể hiện và trau dồi kỹ năng quản lý dụ án và phối hợp với các đồng nghiệp ở nhiều bộ phận, chức vụ khác nhau (stakeholder management).

Khi đã xác định theo đuổi lĩnh vực tài chính, một sinh viên trái ngành cần lưu ý, chuẩn bị điều gì?

Ngoài việc chủ động trang bị kiến thức chuyên ngành và rèn luyện những kỹ năng mềm đề cập ở trên, tinh thần “bắt kịp xu hướng” cũng khác quan trọng, nhất là khi nhà nhà AI, người người ChatGPT. Những công cụ này được dự đoán sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nhiều đầu việc trong nhóm ngành kế toán – tài chính. Các bạn cũng có thể bắt đầu bằng việc sử dụng thuần thục những công cụ căn bản như Excel, PowerBI, rồi từ đó tìm hiểu thêm những công cụ phức tạp hơn hoặc ngôn ngữ như VBA, Python, SQL…để tối ưu hóa việc tính toán và tăng giá trị cho những đề xuất tài chính của mình.

Làm sao để đạt được học bổng chính phủ Đan Mạch? Chương trình học bổng và thạc sĩ ở Copenhagen Business School có gì đặc biệt, thú vị, và đã thay đổi em như thế nào?

Học bổng chính phủ Đan Mạch đặc biệt ở chỗ dù là học bổng chính phủ nhưng việc đưa ra yêu cầu để đạt học bổng, mức học bổng cũng như lựa chọn người được nhận lại là quyết định của trường. Hàng năm có khá nhiều sinh viên Việt Nam được nhận học bổng này, trong số đó cũng có các bạn đến từ FTU.

Một trong những ấn tượng của em về việc học ở Đan Mạch nói chung và Copenhagen Business School nói riêng là sự giao tiếp không có rào cản trong lớp học và giữa thầy – trò (mọi người thoải mái gọi nhau bằng tên thay vì họ và chức danh, và thoải mái tranh luận trong tiết học bất kể thầy – trò). Bên cạnh đó, chương trình học cũng chú trọng việc áp dụng thực tế. Một trong những khoảnh khắc ấn tượng với em là ở lớp Tài chính doanh nghiệp, khi một bài tập yêu cầu tìm ra thời điểm tối ưu để đầu tư vào một dự án sao cho NPV cao nhất. Ngoài cách làm thông thường tính NPV cho dự án cho từng viễn cảnh đầu tư ở từng năm, chỉ cần nhìn bài toán thành một bài toán cực trị và dùng đạo hàm bậc 1 đã giúp việc tính toán đơn giản, nhanh chóng hơn rất nhiều, đồng thời khiến em thấy những kiến thức học được không hề khô khan chút nào.

Nếu bạn nào muốn biết thêm góc nhìn về học bổng chính phủ Đan Mạch và việc học ACCA có thể liên hệ trực tiếp em ạ.

Bộ môn chúc Hạnh thành công hơn nữa với những dự định trong tương lai. Mong rằng Hạnh sẽ chia sẻ nhiều hơn với Bộ môn và các em sinh viên khi có dịp thuận tiện.sinh-vien-doi-ngoai-co-nen-hoc-tai-chinh-ke-toan-