Hội thảo “Khủng hoảng truyền thông trong kỷ nguyên số”: Giải mã “bài toán” truyền thông hiệu quả

54

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự đột phá của công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế xã hội, đặc biệt là sự bùng nổ của mạng xã hội. Trong bối cảnh đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp, tổ chức với công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, truyền thông số cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến khủng hoảng truyền thông. Khủng hoảng truyền thông có thể xuất hiện bất ngờ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức.

The Industrial Revolution 4.0, with its breakthrough in digital technology and artificial intelligence, has had a profound impact on many aspects of society, especially the explosion of social media. In this context, communication plays a more important role than ever, becoming a bridge between businesses, organizations and the public. However, in addition to the benefits, digital communication also carries many potential risks leading to communication crises. Media crises can appear unexpectedly, causing serious damage to the image, reputation and business operations of businesses and organizations.

Nhằm giúp quý thầy cô và các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về bản chất của khủng hoảng truyền thông trong kỷ nguyên số, cũng như trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phòng ngừa và xử lý hiệu quả các tình huống khủng hoảng, ngày 25/04/2024, Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức hội thảo “Khủng hoảng truyền thông trong kỷ nguyên số” với sự tham gia của khách mời, các doanh nhân, các giảng viên và đông đảo sinh viên quan tâm đến lĩnh vực truyền thông và marketing.

Tham dự buổi hội thảo, về phía khách mời, báo cáo viên của chương trình có sự hiện diện của ông Trần Nguyễn Phi Long – Head of Retail Marketing tại Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận và ông Nguyễn Tố Bình – Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Báo Người Lao động. Về phía Cơ sở II có sự tham dự của PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Cơ sở II cùng các thầy cô là Trưởng, Phó các đơn vị và toàn thể các bạn sinh viên đam mê, hứng thú với lĩnh vực truyền thông và marketing.

Phát biểu tại chương trình, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Cơ sở II đã bày tỏ niềm vinh dự và gửi lời cảm ơn đến các báo cáo viên đã làm diễn giả buổi hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên. Trong thời đại số hiện nay, vai trò của việc kiểm soát khủng hoảng truyền thông trở nên cực kỳ quan trọng. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mạng internet, thông tin được truyền tải và lan truyền với tốc độ chóng mặt, tạo ra một không gian truyền thông mở và đa dạng. Tuy nhiên, điều này cũng dễ dẫn tới tình trạng tràn lan thông tin sai lệch, tin giả mạo và thậm chí là những thông tin gây hại. Do đó, cần có các biện pháp kiểm soát linh hoạt và hiệu quả, kết hợp với việc tăng cường giáo dục và tinh thần trách nhiệm của người dùng mạng. Thông qua sự hợp tác và nỗ lực chung, doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên có thể đối phó hiệu quả với những thách thức từ khủng hoảng truyền thông trong kỷ nguyên số này. Ngoài ra, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà cũng chia sẻ thêm năm nay là năm thứ ba Cơ sở II tuyển sinh chương trình Truyền thông Marketing tích hợp (IMC) nên sinh viên rất quan tâm đến lĩnh vực này.

Tiếp nối những thành công và giá trị mà các hội thảo khoa học mang lại, Hội thảo lần này tiếp tục được tổ chức với mục tiêu hình thành một diễn đàn khoa học để các giảng viên, các chuyên gia và các bạn sinh chia sẻ các nghiên cứu của mình. Trong phần tham luận của mình, Ông Trần Nguyễn Phi Long – Head of Retail Marketing tại Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận, đã giải thích một loạt các khía cạnh quan trọng của kỷ nguyên số. Đầu tiên, ông Long đã trình bày định nghĩa của kỷ nguyên số là gì? Theo ông, kỷ nguyên số là thời kỳ mà công nghệ thông tin và mạng internet đóng vai trò trung tâm trong mọi hoạt động xã hội và kinh doanh. Đây là thời đại của sự kết nối liên tục, dữ liệu lớn và tính tương tác cao giữa con người và máy móc. Kế tiếp, ông Long đã trình bày về các giai đoạn trong khủng hoảng truyền thông và làm cách nào để chuẩn bị đối phó trong từng giai đoạn. Ông nhấn mạnh rằng khủng hoảng có thể xảy ra trước, trong và sau khi thông tin xấu được phát tán. Để chuẩn bị đối phó, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch khủng hoảng chi tiết, đào tạo nhân viên và thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro. Cuối cùng, ông Long đã thảo luận về thách thức mà người làm truyền thông và marketing phải đối mặt trong kỷ nguyên số. Theo ông, một trong những thách thức lớn nhất là sự nhanh chóng và không đoán trước được của thông tin trên mạng. Điều này đòi hỏi các chuyên gia phải có khả năng phản ứng linh hoạt và sáng tạo, đồng thời luôn giữ sự nhạy bén với các xu hướng và biến động trong thị trường.

hoi-thao-khung-hoang-truyen-thong-trong-ky-nguyen-so-1
Ông Trần Nguyễn Phi Long – Head of Retail Marketing tại Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), trình bày phần tham luận tại hội thảo
Mr. Tran Nguyen Phi Long, Head of Retail Marketing at Phu Nhuan Jewelry Joint Stock Company (PNJ), presented at the seminar

Tiếp nối chương trình, ông Nguyễn Tố Bình – Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Báo Người Lao động trình bày phần tham luận của mình với chủ đề “Kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông”. Trước hết, ông Bình đã làm rõ định nghĩa thế nào là khủng hoảng truyền thông? Theo đó, khủng hoảng truyền thông là những tình huống khẩn cấp, vượt qua tầm kiểm soát của chủ thể, thường nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân, cơ quan báo chí, truyền thông. Đồng thời, nó tràn lan thông tin ra ngoài xã hội theo hướng tiêu cực, gây tổn thất uy tín, thương hiệu với chủ thể, các đối tượng liên quan. Kế tiếp, ông Bình đã phân loại cách nhận diện khủng hoảng truyền thông xảy ra đối với doanh nghiệp theo từng cấp độ khác nhau, bao gồm: xung đột lợi ích, cạnh tranh không công bằng, khủng hoảng theo kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”, khủng hoảng liên đới, khủng hoảng tự sinh, khủng hoảng chồng khủng hoảng… Đối với từng loại khủng hoảng, ông Bình đã phân tích chi tiết, cách phân biệt và đi kèm với những ví dụ, casestudy thực tiễn thu hút sự quan tâm rất lớn đến từ phía các bạn sinh viên tham dự hội thảo.

hoi-thao-khung-hoang-truyen-thong-trong-ky-nguyen-so-2
Ông Nguyễn Tố Bình – Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Báo Người Lao động, trình bày phần tham luận tại hội thảo
Mr. Nguyen To Binh – Member of the Editorial Board, Deputy General Secretary of the Lao Dong Newspaper, presented at the seminar

Kết thúc phần trình bày của mình, ông Bình đã đưa ra một số giải pháp thiết thực để xử lý khủng hoảng truyền thông hiệu quả. Cụ thể, khi đã nhận diện được khủng hoảng, điều doanh nghiệp cần thực hiện chính là xử lý, giải quyết những vấn đề đó nhanh chóng, hiệu quả, không để ảnh hưởng quá nhiều đến uy tín, thương hiệu. Một số cách xử lý phổ biến hiện nay đó là nhận định, đánh giá vụ việc và phân công xử lý (tìm hiểu nguyên nhân) thông qua việc đặt ra một số câu hỏi như: Vấn đề này liên quan đến ai, điều gì? Ai là người đứng sau khủng hoảng này? Khủng hoảng này mang lại lợi ích cho những ai?… Ông Bình chia sẻ, sai lầm lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp mắc phải khi xử lý khủng hoảng truyền thông đó chính là che giấu, cố tình im lặng. Điều này càng khiến cho khủng hoảng bị đẩy cao hơn, công chúng, khách hàng sẽ càng mất niềm tin. Thay vào đó, doanh nghiệp cần tìm cách trấn an khách hàng, đưa ra lời xin lỗi, trình bày rõ ràng những vấn đề mà doanh nghiệp phải đối mặt cùng phương án giải quyết. Một khi đã tham gia hoạt động truyền thông, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc minh bạch thông tin. Đối mặt với những tin đồn trên mạng xã hội, đơn vị cần chủ động tự vệ bằng cách minh bạch hóa thông tin. Quan trọng hơn, cần phản ứng nhanh khi tin đồn xảy ra thông qua chiến lược truyền thông rõ ràng để ngăn chặn tin đồn. Đúc kết lại, để xử lý ổn thỏa mọi chuyện, doanh nghiệp cần biết cách tiếp nhận, xem xét những phản hồi mà khách hàng đưa ra, từ đó giải đáp toàn bộ thắc mắc của họ. Nếu doanh nghiệp mãi im lặng thì sẽ càng khiến khách hàng hoài nghi, rơi vào tình trạng “khủng hoảng chồng khủng hoảng”.

Buổi hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia tích cực từ phía khách mời và sự hứng thú của các sinh viên tham dự. Các bạn sinh viên đã tích cực đặt ra nhiều câu hỏi thú vị, phản ánh sự quan tâm và mong muốn học hỏi. Những câu hỏi này không chỉ thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về chủ đề được thảo luận mà còn phản ánh mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về khủng hoảng truyền thông và cách xử lý, quản trị khủng hoảng truyền thông trong kỷ nguyên số. Đồng thời, báo cáo viên đã giải đáp mọi câu hỏi một cách thuyết phục, kèm theo những dẫn chứng cụ thể từ các case study thực tế, giúp sinh viên hiểu rõ hơn và phân tích sâu hơn về vấn đề. Với sự tham gia tích cực của cả khách mời và sinh viên, buổi hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Không chỉ là một cơ hội để học hỏi và trao đổi kiến thức, mà còn là một dịp để mở rộng mạng lưới quan hệ và tạo ra những cơ hội hợp tác trong tương lai.

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi hội thảo:
Below are some pictures at the conference:

hoi-thao-khung-hoang-truyen-thong-trong-ky-nguyen-so-3
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Cơ sở II tặng hoa cho báo cáo viên
Assoc. Prof., Dr. Nguyen Thi Thu Ha – Deputy Director of Campus II, presented flowers to the presenter

hoi-thao-khung-hoang-truyen-thong-trong-ky-nguyen-so-4
Báo cáo viên trình bày tham luận tại buổi hội thảo
The speaker gave a presentation at the senimar

hoi-thao-khung-hoang-truyen-thong-trong-ky-nguyen-so-5
Sinh viên đặt câu hỏi cho báo cáo viên
Students asked questions to the presenter

hoi-thao-khung-hoang-truyen-thong-trong-ky-nguyen-so-6
Ban Giám đốc chụp hình lưu niệm cùng khách mời, viên chức, sinh viên Cơ sở II
The Board of Directors took a photo with presenters, guests, lecturers and students of Campus II