PGS, TS Nguyễn Tiến Hoàng – Người Thầy truyền cảm hứng

3374

Là một trong những giảng viên gắn bó từ những ngày Cơ sở II nỗ lực vươn lên mạnh mẽ hơn 15 năm trước để đáp ứng các yêu cầu phát triển mới, thầy Nguyễn Tiến Hoàng đã có nhiều đóng góp và cống hiến không ngừng nghỉ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy, góp phần đào tạo các thế hệ sinh viên vừa “hồng”, vừa “chuyên” tại Cơ sở II. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số các cột mốc nổi bật trong quá trình công tác của Thầy tại Cơ sở II.

Trước hết là một cột rất đáng chú ý trong sự nghiệp giảng dạy của Thầy khi Thầy vinh dự được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Giảng viên cao cấp vào năm 2018. Trước đó, Thầy được bổ nhiệm chức danh khoa học Phó Giáo sư năm 2017 và hoàn thành học vị và cấp bằng Tiến sĩ năm 2012. Đây là các sự kiện không chỉ đánh dấu những nỗ lực của Thầy trong quá trình giảng dạy mà còn là tiền đề để Thầy cống hiến tốt hơn trên con đường giảng dạy.

Bên cạnh đó, Thầy được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ” năm 2017. Ngoài ra Thầy còn đạt danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu Trường ĐH Ngoại thương” năm 2014; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT năm 2014; là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ năm 2011 đến năm 2019; liên tiếp là “Chiến sĩ thi đua cấp Trường” các năm từ 2007 đến 2018), được tặng Giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương các năm 2017, 2019 và được công nhận danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM” 3 năm liên tục 2009 – 2011.

Trò chuyện cùng các giảng viên mới vào trường, Thầy hay chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để giúp các Thầy Cô có thể nhanh chóng hòa nhập và làm quen với môi trường sư phạm. Thầy luôn nhắn nhủ “điều quan trọng của một giảng viên khi đứng lớp là những giá trị thiết thực mà mình lan tỏa được đến các em sinh viên, bao gồm cả thái độ, kỹ năng và kiến thức để các em bước vào “trường đời” sau này”. Ngoài việc truyền đạt về kiến thức chuyên môn thông qua nền tảng lý thuyết và những bài học thực tế, phương pháp nghiên cứu và học tập là điều mà Thầy vẫn luôn chú trọng trang bị cho sinh viên trong những giờ lên lớp. Điều này có lẽ xuất phát từ quan niệm đầy tính khoa học và nhân văn của Thầy “Người học không phải là những chiếc bình chứa kiến thức mà phải là những động cơ được vận hành bằng sức đẩy của chính mình”. “Thời gian trôi qua, các bạn có thể quên đi những nội dung cụ thể trong kiến thức chuyên môn được đào tạo, nhưng đứng trước một vấn đề hóc búa các bạn phải có cách tiếp cận và xử lý tốt nhất, nghĩa là bạn phải có phương pháp đúng đắn trong nhận diện và đánh giá tình huống!”.

Thầy luôn công bằng trong ghi nhận, đánh giá và luôn tận tụy, hết mình với người học. Sự gần gũi với sinh viên còn được thể hiện qua sự góp mặt của Thầy trong ban giám khảo, ban cố vấn cho các câu lạc bộ đội nhóm và cuộc thi học thuật tại Cơ sở II. Với những nhận xét mang tính xây dựng cùng sự hướng dẫn tận tình, Thầy là người đã góp sức để hoàn thành những mắc xích còn thiếu trong các dự án, đề tài dự thi của các bạn sinh viên ở cấp trường, đặt nền tảng để các bạn có thể đạt giải cao trong các cuộc thi cấp thành, cấp quốc gia và quốc tế như Ánh sáng thời đại, Leadership, Hult Prize… và các cuộc thi khác nữa.

Một điều đáng quý hơn cả, đó là tình cảm mà Thầy dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Dù trong cuộc họp hay giao tiếp với mọi người hằng ngày, có thể nhận thấy Thầy thường dùng những từ ngữ chân phương và bình dị. Khi gặp những việc căng thẳng, Thầy vẫn giữ được sự điềm đạm và bình tĩnh để tìm hướng giải quyết tốt nhất. Thầy luôn dành thời gian động viên, quan tâm, hỏi han và kịp thời hỗ trợ cho đồng nghiệp trước những khó khăn, đặc biệt là các giảng viên trẻ. Có đồng nghiệp từng chia sẻ: “Thầy Hoàng góp ý đồng nghiệp hay lắm, chắc là do Thầy dạy Luật nên từ ngữ chặt chẽ mà súc tích, cô đọng. Góp ý của Thầy luôn đi kèm giải pháp và lời khuyên chân thành từ kinh nghiệm của bản thân, nên thay vì nói là góp ý, Thầy đang chia sẻ. Vì thế, mà cũng tạo nên không khí thoải mái, mọi người có thể tìm ra giải pháp để khắc phục yếu điểm của bản thân”. Hay có đồng nghiệp nói vui: “Mỗi lần Thầy Hoàng nhận xét là cứ muốn nghe mãi, nghe Thầy cả ngày vẫn không thấy chán!” Có lẽ chính vì vậy mà với Thầy, trong lòng mỗi đồng nghiệp, mỗi học trò đều có một sự kính trọng và nể phục, không chỉ vì tuổi nghề mà còn vì cách Thầy ứng xử với mọi người xung quanh, chuẩn mực nhưng vẫn nhẹ nhàng, thân thiện.
Có một nhà giáo từng viết:
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho đời đầy “trái ngọt hoa tươi!”

Khi được hỏi về những mục tiêu sắp tới của mình, Thầy cười bảo: “Thầy chỉ có một mục tiêu duy nhất, và tất cả những gì Thầy làm đều vì mục tiêu này, đó là tiếp tục cống hiến để lan tỏa được nhiều giá trị nhất cho sinh viên trong khả năng và thời gian còn lại của Thầy”. Câu trả lời rất đỗi giản dị và chân thành đó đã nói lên hết giá trị và hình ảnh của Thầy trong lòng đồng nghiệp và học trò.

Cuối cùng, bài viết xin được khép lại với một câu nói được nhiều sinh viên phát biểu nhất khi hỏi về Thầy: “Chúng em thật sự may mắn khi được học Thầy!”. Xin được gửi đến Thầy những lời cảm ơn chân thành nhất! Chúc Thầy luôn mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho sự nghiệp trồng người!
Dưới đây là một vài hình ảnh của Thầy trong các sự kiện tiêu biểu:

PGS, TS Nguyễn Tiến Hoàng tại câu lạc bộ Lý Luận Trẻ Cơ sở II Trường ĐH Ngoại Thương tại Tp. Hồ Chí Minh
PGS, TS Nguyễn Tiến Hoàng tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2017 tại Cơ sở II ĐH Ngoại Thương tại Tp. Hồ Chí Minh
PGS, TS Nguyễn Tiến Hoàng (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp của Bộ môn Nghiệp vụ tại Cơ sở II ĐH Ngoại Thương tại Tp. Hồ Chí Minh