Sinh hoạt chuyên môn Bộ môn Tiếng Anh Học kỳ II (2020-2021)

1013

For the in-depth discussion on practical issues in teaching and learning English at Foreign Trade University to adapt to new challenges in the context of globalization and international integration, the English Faculty organized fruitful series of professional seminars in the second semester of the academic year 2020-2021.

Nhằm nâng cao năng lực của giảng viên trong giảng dạy Tiếng Anh, đáp ứng những yêu cầu mới trong trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, học kỳ II năm học 2020-2021, Bộ môn Tiếng Anh đã tổ chức chuỗi các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn với nhiều thông tin thú vị bổ ích thông qua các chủ đề tham luận sau.

Trong nhóm tham luận đầu tiên- giảng dạy bốn kĩ năng cơ bản, ThS Nguyễn Vũ Thanh Tuyền đã trình bày về chủ đề “Hình thành và phát triển kĩ năng critical reading” cho sinh viên. Báo cáo viên đã chỉ ra một số phương pháp để phát triển khả năng tư duy phản biện thông qua các hoạt động phân tích bài đọc, đồng thời cũng lấy một số ví cụ thể cho từng unit để minh họa.

Về phương pháp giảng dạy Speaking, ThS Dương Ngọc trình bày chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm dạy kĩ năng nói”. Báo cáo viên chia sẻ về cách tổ chức một buổi debate tại lớp và debate online, phân tích những khó khăn khi tổ chức một buổi debate online và một số giải pháp để hạn chế khó khăn trên. Bên cạnh đó, ThS Lê Hữu Phước cũng trình bày chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm dạy Public Speaking cho sinh viên”. Báo cáo viên đã thiết kế những buổi chia sẻ dạng Ted-Talk và chia mỗi nhóm đánh giá các tiêu chí: Time, Fluency, Vocabulary, Grammar, Presenting skills. Báo cáo viên nhấn mạnh rằng bên cạnh việc lồng ghép kiến thức kinh tế vào bài giảng, kèm liên hệ kiến thức với thực tiễn; giảng viên còn cần phải kết hợp các hoạt động như pair work, group work để tăng tính tương tác và tạo hứng thú cho sinh viên. Cũng về chủ đề giảng dạy kĩ năng thuyết trình, ThS Lê Thanh Hà chia sẻ về cách chấm điểm kỹ năng thuyết trình theo nhóm với bảng đánh giá gồm 10 tiêu chí: mở bài, sự chuẩn bị, tổ chức các ý, sáng tạo, mục tiêu tổng quan, cách dùng từ, ngôn ngữ cơ thể, slide trình bày, kết luận và làm việc nhóm. Việc đánh giá chính xác giúp tạo ra sự công bằng và thống nhất trong cách cho điểm, và quan trọng hơn là giúp sinh viên nhận ra được cách điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân để khắc phục và ngày càng tiến bộ.

Về việc giảng dạy kĩ năng viết, ThS Tô Thùy Trang trình bày chủ đề “Tận dụng bài đọc để giúp sinh viên cải thiện từ vựng và kĩ năng viết”. Theo đó, quá trình “học” của người học diễn ra một cách chủ động và có ý thức thông qua việc tổ chức đa dạng các hoạt động của người dạy gồm học theo nhóm, cặp, trò chơi, thảo luận, giải quyết tình huống. Với cùng chủ đề, ThS Vũ Ngọc Mai đã chia sẻ về kinh nghiệm dạy Viết cho sinh viên năm 1, 2. Báo cáo viên nhấn mạnh việc cần phải hướng dẫn cho sinh viên cách viết các đoạn văn ngắn thuộc nhiều thể loại khác nhau để từ đó hiểu được quy trình viết, mở rộng từ, luyện tập cách chuyển từ câu đơn sang câu phức. Việc được giảng dạy kĩ năng viết một cách bài bản ngay từ những năm đầu đại học sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc làm luận văn và học cao học say này của sinh viên. Tại buổi sinh hoạt, ThS Đặng Thị Mỹ Dung còn chia sẻ về chủ đề “Hướng dẫn sinh viên kĩ năng học tập và nghiên cứu (Research and study skills) đối với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh”. Báo cáo viên đã trình bày về những kĩ năng quan trọng để bổ trợ cho quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên như: critical analysis, reading & note-taking, tìm kiếm và đánh giá thông tin, viết reflection và kĩ năng trích dẫn.

Về nhóm tham luận thứ hai- giảng dạy Tiếng Anh chuyên ngành, TS Trịnh Ngọc Thanh đã chia sẻ “Kinh nghiệm giảng dạy Thư tín Thương mại hiệu quả và gắn liền với thực tế giao dịch thương mại”. Báo cáo viên trình bày về việc áp dụng những thuật ngữ trong hợp đồng quốc tế vào thực tiễn môi trường kinh doanh tại Việt Nam qua các ví dụ cụ thể từ các hợp đồng kinh doanh thực tế, từ đó giúp người học hiểu và áp dụng với kiến thức được học trong giáo trình.

Bên cạnh các nội dung trao đổi chuyên sâu về học thuật và chuyên môn giảng dạy, tại buổi sinh hoạt, ThS Nguyễn Thanh Dương còn chia sẻ về chủ đề “Một số nguyên tắc dịch thuật cơ bản.” Báo cáo viên nhấn mạnh tầm quan trọng của các khái niệm ngữ cảnh, ngữ vực, thể loại, các yếu tố về văn hóa đối với hoạt động giảng dạy ngôn ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng và việc áp dụng các khái niệm này vào hoạt động giảng dịch thuật, đặc biệt là biên dịch hợp đồng. Ngoài ra, ThS Phan Chí Hiếu đã chia sẻ về chủ đề “Kinh nghiệm kiểm tra giữa kì” bằng phương pháp OSCE có tên tiếng Việt “chạy trạm”. Đây là hoạt động kiểm tra mới lạ, không những tạo hứng thú mà vẫn đảm bảo tính chính xác và công bằng cho sinh viên.

Về chủ đề ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, ThS Lê Huyền Trang trình bày chủ đề “Chia sẻ một số cách ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy”. Báo cáo viên chia sẻ một số tính năng hữu ích trên nền tảng MS Teams: Class Notebook (ghi chú), Insights (theo dõi quá trình tham gia học tập tự động), Karma (hỗ trợ ghi chú cộng điểm) và một số website hỗ trợ tăng tính tương tác khi giảng dạy trực tuyến: Wooclap, Mentimeter và Padlet. Với cùng chủ đề, thầy Nguyễn Duy Khôi đã chia sẻ “Các nguồn tài liệu ngoài phục vụ Nghe/ Đọc tiếng Anh khả dụng.” Báo cáo viên chỉ ra một số nội dung chưa được cập nhật trong giáo trình và giới thiệu các nguồn tài liệu ngoài phục vụ Nghe/ Đọc đã được sắp xếp theo trình độ.

Trước khi kết thúc buổi sinh hoạt, các giảng viên đã nhiệt tình trao đổi, chia sẻ thẳng thắn những kinh nghiệm và những khó khăn trong quá trình triển khai việc giảng dạy các kĩ năng trên; từ đó mỗi giảng viên tự rút kinh nghiệm cho bản thân và lựa chọn các phương pháp cho phù hợp với tình hình thực tế trong lớp.

Dưới đây là một số hình ảnh tại các buổi sinh hoạt chuyên môn:

Các giảng viên Bộ môn Tiếng Anh, Cơ sở II trường Đại học Ngoại thương tại các Buổi Sinh hoạt chuyên môn
(Lecturers of English Faculty – Foreign Trade Univeristy, HCMC Campus)