Tọa đàm khoa học chủ đề “Công cụ thuế đa phương (MLI) và sự tham gia của Việt Nam” của Bộ môn Kinh doanh và Thương mại quốc tế

314

With a view to strengthening connections with businesses as well as updating practical knowledge for teaching and scientific research activities, on June 5, 2023, the Department of International Business and Trade held a workshop with the topic “Multilateral Instrument (MLI) and Vietnam’s participation” presented by Mr. Phan Hoai Nam – Chief Financial Officer, Olam Food Ingredients Group (OFI).

Nhằm tăng cường kết nối với doanh nghiệp cũng như cập nhật các kiến thức thực tế phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, vào ngày 05 tháng 6 năm 2023, Bộ môn Kinh doanh và Thương mại quốc tế đã tổ chức một buổi tọa đàm khoa học chủ đề “Công cụ thuế đa phương (MLI) và sự tham gia của Việt Nam” với khách mời là ông Phan Hoài Nam – Giám đốc Tài chính, Tập đoàn Olam Food Ingredients (OFI).

Mở đầu buổi tọa đàm, Báo cáo viên đã trình bày tổng quan về cơ sở hình thành MLI, một công cụ thuế đa phương quan trọng được hình thành trên cơ sở sáng kiến của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và G20 về thành lập Dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Với 7 phần và 39 điều khoản gồm: phạm vi áp dụng và giải thích thuật ngữ; chống tránh thuế qua các công cụ tài chính; quy định đối với vấn đề lạm dụng hiệp định; quy định chống việc tránh hình thành cơ sở thường trú; nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hiệp định; trọng tài; các điều khoản cuối, MLI thể hiện rõ nét nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu về xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Bên cạnh đó, báo cáo viên phân tích chi tiết quá trình tham gia MLI của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đã chính thức tham gia MLI vào tháng 2 năm 2022, khẳng định việc mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu và chuyển dịch lợi nhuận là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược cải cách hệ thống thuế của quốc gia. Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cách tham gia. Tuy nhiên, về lâu dài, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế giúp Việt Nam cải thiện quy trình thuế và giảm rủi ro liên quan đến sự không chắc chắn về thuế đối với các doanh nghiệp. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để chống chuyển giá tại thị trường Việt Nam.

Sau phần trình bày của Báo cáo viên, các giảng viên Bộ môn đã đặt câu hỏi về động cơ cũng như lợi ích khi tham gia MLI của Việt Nam. Qua đó, các giảng viên hiểu rõ hơn về công cụ thuế đa phương cũng như quá trình tham gia của Việt Nam, giúp cập nhật kiến thức mới liên quan tới các môn giảng dạy về thuế và chính sách thương mại quốc tế.

cong-cu-thue-da-phuong-mli-va-su-tham-gia-cua-viet-nam-1
Ông Phan Hoài Nam và các giảng viên BM Kinh doanh và Thương mại quốc tế chụp hình lưu niệm tại buổi tọa đàm
(Mr. Phan Hoai Nam and the lecturers of the Department of International Business and Trade at the workshop)